Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 1479 về việc cho phép lập dự án: Xây dựng mẫu các khu tái định cư cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, đã gần 3 năm trôi qua, cuộc sống của những người dân vạn chài ngày càng khó khăn, thiếu thốn, ai cũng muốn lên bờ để ổn định cuộc sống, tìm kế sinh nhai, thế nhưng cái mong ước đó của họ đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Những cư dân xóm vạn chài Võ Liệt đã có một quá khứ hào hùng, họ là những công nhân thuộc HTX vận tải Thống Nhất, có nhiệm vụ vận chuyển lương thảo, quân trang, quân dụng, bộ đội… phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hành trình của họ xuyên suốt các tuyến sông, biển từ Bắc vào Nam.
Những con người ấy đã không quản ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng đón nhận cái chết để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chiến tranh kết thúc, giờ đây người còn kẻ mất, nhiều người trong HTX Thống Nhất đã trở thành người thiên cổ, nhưng lớp con cháu của họ ngày nay vẫn đang phải sống kiếp tạm bợ trên sông nước.
Một góc xóm vạn chài xã Võ Liệt
Chúng tôi về thôn Vận tải vào một ngày mưa rét đầu tháng 12 này, hầu hết mọi người ở xóm chài đang ở nhà, bởi thời tiết như thế này thì không thể làm gì kiếm sống được. Bà cụ Thảo, từng là công nhân vận tải năm nay đã ngoài 90 tuổi cho biết: Đời bà gian khổ đã nhiều, suốt những năm chiến tranh ác liệt đi trong đạn bom không chết là may rồi, mấy năm trước nghe nói được Nhà nước cho lên bờ là bà vui lắm, nhưng chờ mãi mà chưa thấy.
Ông Phan Chính Tâm - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt chia sẻ: Hiện tại thôn Vận tải có 91 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu. Những năm 80 của thế kỷ XX, sau khi Nhà nước xóa bao cấp, những người công nhân vận tải năm xưa phải tự bươn chải kiếm sống dọc theo con sông Lam, họ dựa vào nguồn lợi tự nhiên để khai thác cát sỏi, đánh bắt cá, tôm… tìm kiếm công việc làm thuê.
Chính vì những công việc bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên hầu như gia đình nào cũng thuộc diện khó khăn về kinh tế, lao động kiếm sống không có tích lũy, vì vậy việc học hành của con em cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều em thất học. Phần đa các gia đình đều cùng sinh sống trên một chiếc nốc có diện tích chưa đầy 15m2, nhưng lại tập trung vài ba thế hệ, có gia đình đến 6 - 7 người, cùng chen chúc trong một không gian sinh hoạt chật hẹp.
Nhiều hạng mục công trình của dự án vẫn còn ngổn ngang
Mọi sinh hoạt kiếm sống của cư dân ở đây đều dựa vào sông nước, từ ăn uống, tắm giặt đều lấy nước từ sông Lam. Mấy năm trở lại đây, nguồn nước ở sông Lam đang ngày càng bị ô nhiễm với nhiều loại rác thải, xác súc vật chết do người dân vứt xuống sông… nhưng họ vẫn dùng nguồn nước này để dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo Quyết định 1479 của UBND tỉnh phê duyệt thì dân chài xã Võ Liệt sẽ được bố trí tại khu tái định cư khe Mừ, xã Thanh Thủy (Thanh Chương), dự án này do Chi cục PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, số vốn ban đầu được duyệt là 74 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh quy hoạch lần hai tổng mức dự án đã lên gần 84 tỷ đồng.
Tại khu vực khe Mừ, sau khi tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng cho người dân chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục công trình phục vụ dân sinh như: Hệ thống đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo; quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch đất đai để phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm triển khai dự án tái định cư khe Mừ, chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang của nhiều hạng mục công trình khu tái định cư đang còn dang dở. Chiếc cầu quan trọng dẫn vào khu tái định cư mới được đổ bê tông một đầu mố, đường nhựa nhiều đoạn rãnh thoát nước chưa làm xong, đường dây điện đang trơ hàng cột kéo dài, nhà văn hóa cộng đồng và nhà trẻ mẫu giáo cũng chưa vào đâu, khu đất phân lô đang để cỏ dại um tùm. Thời điểm chúng tôi có mặt tại khu tái định cư không có bóng dáng công nhân hay máy móc làm việc.
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là kết thúc năm 2012 và chắc chắn rằng khu tái định cư khe Mừ (xã Thanh Thủy) sẽ không thể hoàn thành các hạng mục công trình như dự kiến ban đầu, đồng thời việc bố trí cho người dân vạn chài ở xã Võ Liệt đến ở mới cũng chưa thể diễn ra. Và, cái mong ước được lên bờ của những người dân vạn chài dưới chân cầu Rộ không biết đến lúc nào mới trở thành hiện thực?
Trần Đức Thắng
.