Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201212/24886-khoi-sac-ban-nguoi-mong-o-huoi-son-393636/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201212/24886-khoi-sac-ban-nguoi-mong-o-huoi-son-393636/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khởi sắc bản người Mông ở Huồi Sơn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 18/12/2012, 07:50 [GMT+7]
24886

Khởi sắc bản người Mông ở Huồi Sơn

Không chỉ có Trạm quân dân y, Nhà văn hóa, mà còn có những nóc nhà mới, đời sống  ấm no hơn, trẻ em được đến trường học chữ, người dân trong bản đang thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới.
 
Đến bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, nơi có 55 hộ đồng bào dân tộc Mông sáp nhập từ 2 bản Huồi Sến và Tân Sơn, bên bếp lửa hồng trong căn nhà kiên cố rộng thênh thang của trưởng bản, chúng tôi được nghe mọi người tâm sự: Trước kia, người Mông chỉ lên núi làm nương rẫy, cuộc sống rất khổ cực. Năm nào bà con trong bản cũng thiếu ăn vài tháng. Thậm chí có nhiều người còn theo quân phỉ.
 
Hầu hết các gia đình, năm này chặt hạ rừng gieo lúa rẫy, gieo bắp được một mùa, năm sau lại di dời chặt hạ chỗ khác. Kèm theo đó, hàng năm đất lở, lũ quét hoành hành nên cuộc sống của người dân bao đời nay rất cực khổ, vất vả mà chẳng lo được miếng ăn.
 
Nhà cửa thì tạm bợ nay đây mai đó, mọi giao thương với bên ngoài cũng bị cách trở, hạn chế. Gần trăm phần trăm hộ đồng bào Mông thiếu đói mỗi khi mùa giáp hạt đến. Thăng trầm một thời giờ nhắc lại cũng chỉ là câu chuyện quá khứ. Có những quá khứ đáng tự hào, nhưng quá khứ đói nghèo ấy làm cho người ta không mấy vui khi nhớ lại. Bởi thế mà tôi muốn kể chuyện bây giờ…
 
Người Mông ở Huồi Sơn được bộ đội biên phòng hướng dẫn trồng lúa nước

Vừa dứt lời, Trưởng bản Vừ Tồng Lông liền chỉ những ngôi nhà được Bộ đội biên phòng Tam Hợp xây dựng kiên cố và nói:
“Còn bây giờ, các anh thấy đấy, những ngôi nhà tạm bợ, dột nát của đồng bào trước kia, bây giờ không thấy rồi. Người dân ở đây không còn khổ như trước nữa, không đói cái ăn, mà họ đang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Hầu hết,  các hộ dân về nơi ở mới đã ổn định cuộc sống. Nhờ Đồn biên phòng Tam Hợp khai hoang và cấp đất sản xuất lúa nước, bản đã đưa vào gieo sạ hơn 10ha lúa nước. Ngoài ra, bản còn được xây dựng những mô hình điểm về trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc gia cầm nên thu nhập ngày một khấm khá. Giờ trong bản hộ ít nhất có tới 3 - 5 con trâu bò, theo người Mông, nhà có nhiều trâu bò là nhà giàu. Có trâu bò mới có sức kéo, mới có ngô lúa đầy nhà”.

Tại đây, chúng tôi được gặp ông Sồng Bườn Giờ (75 tuổi) cùng vợ và những người con đang vui vầy trong ngôi nhà. Ông Giờ luôn trăn trở tìm cách làm ăn bằng con đường phát triển sản xuất. Để không bị đói, Bườn Giờ phải phát nương, làm rẫy. Để phát triển kinh tế, Bườn Giờ tiếp thu kiến thức truyền đạt của Bộ đội biên phòng về những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
 
Trẻ em Mông ở Huồi Sơn nay đã được đến trường học chữ
 
Không giấu niềm vui, Bườn Giờ tâm sự: “Sau những lần du canh, du cư, di chuyển liên tục, giờ đây mình lại được sống trên mảnh đất chôn rau cắt rốn bao đời nay, có điều kiện chăm sóc mồ mả tổ tiên thì chẳng ước mong gì nhiều nữa, chỉ cố gắng làm ăn và vươn lên mà thôi”. Khi được quy tụ về định cư ở đây, đồng bào rất háo hức.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Đình Núi - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp nhấn mạnh: “Huồi Sơn khi chưa có người Mông về định cư chỉ là mảnh đất khô cằn, trơ trọi, được sự đầu tư lớn của Nhà nước, cộng thêm sự nỗ lực của đồng bào đang trở nên màu mỡ, tươi tốt. Huồi Sơn giờ đây đã no nước, no bụng và không đói thông tin, không đói những kiến thức để thâm canh tăng năng suất cây trồng trên nương rẫy của mình nữa rồi. Bên cạnh đó, bản còn được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Hợp thường xuyên quan tâm giúp đỡ như xây nhà cửa, hỗ trợ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Mông ở Huồi Sơn đã từng bước “thay da, đổi thịt””.

Trường Khuyên
.