Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23783-tham-que-anh-hung-dinh-thi-vinh-394536/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23783-tham-que-anh-hung-dinh-thi-vinh-394536/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thăm quê Anh hùng Đinh Thị Vinh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 28/10/2012, 15:05 [GMT+7]
23783

Thăm quê Anh hùng Đinh Thị Vinh

Nữ anh hùng Đinh Thị Vinh sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu. Bố là Đinh Văn Đoàn, cán bộ tiền khởi nghĩa. Mẹ là Hoàng Thị Hoa, quê ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Ông Đoàn và bà Hoa sinh được 7 người con. Con cả là Đinh Thị Vinh.

Em gái Đinh Thị Lộc nhớ lại: Chị Vinh sinh năm 1950. Vì gia đình làm nông nghiệp, đông con, là con đầu nên chị Vinh sớm phải  bỏ học, đi làm việc vất vả nhiều nơi. Chị từng tham gia dân công ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu và bị bom napan thả trúng làm cháy tóc và bỏng nhẹ. Sau đó chị tham gia Thanh niên xung phong chống Mỹ. Theo trí nhớ của mẹ Hoa, Đinh Thị Vinh tham gia Thanh niên xung phong năm 17 tuổi. Chị đã cùng các đồng đội ngày đêm bám đường để thông xe ở một trong những điểm huyết mạch giao thông là Truông Bồn.
Di ảnh anh hùng Đinh Thị Vinh
 
 

Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nằm trên tuyến đường 15A hay còn gọi là đường 30, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: mốc số 0, Quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 để chi viện nhân tài, vật lực của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
 
Địch phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu vận tải ở mặt đất nên chúng không tiếc bom đạn hủy diệt, hầu như trên vùng trời Đô Lương liên tục có máy bay do thám quần lượn, với 5.000 lượt máy bay Mỹ xuất kích từ căn cứ quân sự Utapao và Cò Rạt (Thái Lan) và đảo Wusam (Philippin) tới đánh phá, ngày cao điểm không quân Mỹ đánh phá lên tới 131 lần.
 
Suốt ngày đêm không lúc nào Truông Bồn ngớt tiếng bom đạn. Truông Bồn đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó Thanh niên xung phong là lực lượng chủ công, với quyết tâm sắt đá "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã khắc họa nên hình ảnh đẹp tuyệt vời của lực lượng TNXP góp phần quan trọng bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến lớn.

Đại đội TNXP 317 là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường, sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967 đơn vị được lệnh chuyển đến tọa độ lửa Truông Bồn. Sang tháng 7/1968, trước tình hình máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông.
 
Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sỹ (12 nữ và 2 nam) làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; đánh dấu vị trí bom nổ chậm để cùng công binh phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm mặt đường, rồi lại thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm "cọc tiêu sống" dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn.
 
Mẹ Hoa đã gần 100 tuổi nhưng vẫn nhớ những kỷ niệm về người con anh hùng
 
Trong thời gian công tác ở Truông Bồn, cô Vinh có về thăm nhà một lần. Sau đó trở về Truông Bồn được một thời gian ngắn thì hy sinh. Khi nhận được tin con gái hy sinh, lòng bố Đoàn và mẹ Hoa thắt lại. Nhưng sau đó nén đau thương, bố mẹ đã tiễn đứa con trai duy nhất là Đinh Trung Hậu lên đường vào Nam đánh giặc. Anh Hậu đã chiến đấu rất dũng cảm. Trong một lần chiến đấu ác liệt với quân thù, anh đã bị thương.
 
Nay ông Đoàn đã mất.  Mẹ Hoa đã 99 tuổi nên sức khỏe ngày càng yếu, trí nhớ của mẹ cũng không còn minh mẫn nhiều nữa. Mẹ không khi nào khôn nguôi nỗi nhớ đứa con gái đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Hiện nay mẹ đang ở trong ngôi nhà tình nghĩa hai gian. Con trai và một con gái của mẹ đang sinh sống ở tỉnh Đắc Nông, các con gái còn lại đều sống ở quê. Trong đó, gần nhà mẹ nhất là gia đình cô Đinh Thị Lộc và cô Đinh Thị Lan. 

Trên quê hương Quỳnh Lưu, câu chuyện về người nữ thanh niên xung phong  Đinh Thị Vinh trong đơn vị anh hùng được kể với lòng tự hào sâu sắc. Tấm gương của chị Vinh đã góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ trên quê hương người nữ anh hùng.

Năm 1996, Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Truông Bồn là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia. Để tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ tới công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, năm 2008, Đảng và Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể cán bộ, chiến sỹ Đại đội 317, Đội 65 của Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Trong lần kỷ niệm sắp tới, cấp trên đã mời mẹ Hoa dự Lễ kỷ niệm 44 năm Truông Bồn nhưng do tuổi cao, sức yếu nên mẹ không thể tham gia.

Những chiến sỹ dũng cảm làm nên "Huyền thoại Truông Bồn" trở thành bất tử. Truông Bồn đã trở thành mảnh đất thiêng liêng. Sự hy sinh cao cả đó đã lay động hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước trong thời đại Hồ Chí Minh.

Vân Đình
.