Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23698-cho-dua-cho-nhung-chi-em-bi-bao-hanh-gioi-394600/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23698-cho-dua-cho-nhung-chi-em-bi-bao-hanh-gioi-394600/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chỗ dựa cho những chị em bị bạo hành giới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 25/10/2012, 08:00 [GMT+7]
23698

Chỗ dựa cho những chị em bị bạo hành giới

Tín hiệu đáng mừng là từ khi tham gia sinh hoạt nhóm, hầu hết chị em đều đã xóa bỏ được mặc cảm, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và tự tin thay đổi hành vi bạo lực của chồng.
 
Chị N.T.L, ở khối 3, phường Nghi Thu là một trong những điển hình bị chồng bạo hành. Suốt mười mấy năm trời, chị luôn phải sống trong cảnh tủi nhục, tối tăm cùng người chồng vũ phu ác tính. Mỗi lần đi làm về, chồng chị thường tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè rồi say bí tỉ. Những lúc có men rượu trong người, anh ta lại lên cơn thịnh nộ, chửi bới và đánh đập vợ không tiếc tay. Cứ thế, những trận đòn vô cớ được trút lên đầu chị đến mức thành lệ.
 
Trước hành vi thô bạo ấy, mặc dù anh em, bà con lối xóm hết lời khuyên can nhưng người chồng vẫn chứng nào tật ấy. Không những không tỉnh ngộ, mà anh ta càng trở nên mất nhân tính. Trong một lần say xỉn, anh ta còn đánh chị đến ngất xỉu, phải khâu 8 mũi trên đầu. Uất ức, tủi nhục nhưng chị vẫn âm thầm chịu đựng.
 
Mãi đến lúc tham gia sinh hoạt nhóm “Phụ nữ tự lực” tại phường, chị mới dám thổ lộ nỗi đau bị chồng ngược đãi. Không những thế, chị L còn được trang bị nhiều kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng xử lý các tình huống, nhờ vậy chị đã mạnh dạn đấu tranh, cất lên tiếng nói trung thực, cảnh cáo khi bị chồng bạo hành.
 
Cần nhân rộng mô hình nhóm “Phụ nữ tự lực”, giúp chị em bị bạo hành giới tự tin
thay đổi hành vi bạo lực của chồng
 
Trường hợp chị P.T.A ở phường Nghi Hòa cũng là nạn nhân đáng thương khi liên tiếp bị chồng bạo hành đến đau đớn khốn khổ. Cuộc sống gia đình vốn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, các con còn nhỏ nên vợ chồng chị A luôn có những bất đồng, mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
 
Đứng trước nguy cơ gia đình có thể tan vỡ, chị được Hội phụ nữ phường động viên, vận động tham gia sinh hoạt CLB nhóm “Phụ nữ tự lực” tại phường. Sau khi được trang bị với kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, chị đã có được những kinh nghiệm, kỹ năng cho bản thân. Từ đó, chị đã vận dụng vào thực tiễn để điều chỉnh cuộc sống gia đình.
 
Chị còn khéo léo dùng lời hay ý đẹp để “cảm hóa” chồng, giúp anh hiểu rằng hãy phấn đấu vì tương lai của các con, cũng như uy tín của dòng họ và gia đình. Từ đó, vợ chồng chị đã dần trở lại hòa thuận, sống có trách nhiệm với nhau, cùng vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc.
 
Chị chia sẻ: “Từ ngày tham gia sinh hoạt nhóm đến nay, tôi cảm thấy mình học được nhiều thứ về kiến thức, thực hành về bạo lực gia đình. Tôi không cảm thấy sợ chồng nữa và khi có khúc mắc gì thì trao đổi thẳng thắn với chồng nhằm tìm hướng giải quyết. Khi tham gia sinh hoạt nhóm này tôi cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống vợ chồng”.

Năm 2009, nhóm “Phụ nữ tự lực” được thành lập tại hai phường Nghi Hoà và Nghi Thu. Đến nay, toàn thị xã đã thành lập được 6 nhóm tại 6 phường với 80 thành viên. Thời gian đầu, việc vận động các chị em vào sinh hoạt nhóm “Phụ nữ tự lực” gặp nhiều khó khăn. Bởi nhiều chị mang trong mình cảm giác tự ti, sợ nói ra sự thật chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng.
 
Thậm chí họ lo sợ bị làng xóm, anh em chê cười, cho rằng đến đó để nói xấu chồng, đưa chuyện gia đình ra “bêu rếu” cho cả thiên hạ biết. Nhưng qua một thời gian thuyết phục, khi tham gia sinh hoạt buổi đầu tiên, nhiều chị em cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm vì được chia sẻ với mọi người xung quanh. Từ đó số lượng chị em mạnh dạn tham gia nhóm ngày càng đông.
 
Ban đầu, thành viên của nhóm chỉ là những người bị bạo hành và đã ly hôn. Sau này, nhóm kết nạp thêm những chị em đang và có nguy cơ bị bạo hành. Các thành viên trong nhóm thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau vượt qua những khổ đau, tủi nhục, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến với CLB nhóm “Phụ nữ tự lực”, mỗi thành viên được tham gia nghiên cứu 14 bài sinh hoạt trong thời gian 6 tháng. Đều đặn các thành viên trong nhóm lại sinh hoạt với nhau một lần vào ngày cuối tháng.
 
Bên cạnh được cung cấp những kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, họ còn có thể trải lòng, nói lên những điều mình muốn để mỗi người có thể trao đổi, học tập rút kinh nghiệm. Các thành viên tham gia vào CLB đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm về khả năng ứng xử, thay đổi hành vi bạo lực của chồng và tìm giải pháp phòng vệ cho bản thân tế nhị, an toàn.

Bên cạnh tổ chức hoạt động sinh hoạt định kỳ theo từng chủ đề về giới, bạo hành giới, sức khỏe sinh sản... CLB nhóm “Phụ nữ tự lực” còn tổ chức nhiều trò chơi bổ ích, sáng tạo nhằm tạo không khí vui vẻ, giúp chị em có được không gian thoải mái, xóa bỏ mặc cảm quá khứ, tái hòa nhập với cộng đồng. Từ đó áp dụng những kiến thức và kỹ năng học được vào cuộc sống để xây đắp hạnh phúc cho gia đình mình.

Hoa Lê
.