Vượt 40 km đường rừng, chúng tôi tìm đến xã miền núi Quỳnh Trang thăm gia đình cháu Trần Thị Tân. Đập vào mắt tôi là 2 gian nhà xuống cấp nghiêm trọng, xơ xác, tan hoang do lâu ngày không có bàn tay đàn ông chăm sóc. Tường vôi lở loác, mái ngói tiêu điều, trên thấy sao trời, tứ bề không che nổi gió. Các cánh cửa sổ, cửa chính đều đã mục nát, mối mọt ăn rơi lả tả trắng cả nền nhà. Hai mái nhà oằn xuống, trĩu nặng theo thời gian lúc nào cũng muốn đổ ụp xuống.
Trong nhà, khung cảnh còn thê lương hơn, ảm đạm hơn. Hai gian nhà trống hốc trống hoác không có bất cứ tài sản gì ngoài một góc nhỏ kê một tấm ván làm bàn, trên bàn, các cuốn vở được xếp ngay ngắn. Trên tường hàng chục giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 5 mang tên Trần Thị Tân, trong đó có 2 năm là học sinh giỏi huyện. Trên chiếc giường xập xệ, bé trai Trần Văn Thịnh nằm bất động, không nói cũng chẳng cười. Bà nội Tân vừa bóp chân tay cho cháu, vừa kể lại quãng đời cơ cực của mình.
Năm 1979, bà Hương kết duyên cùng ông Trần Văn Cò. Năm 1980 họ sinh con trai đầu lòng Trần Văn Hưng. Năm 1998, Hưng đi bộ đội đóng quân ở Gia Lai. Năm 2001 anh xuất ngũ về kết duyên cùng chị Lý Thị Hà (SN 1981) sinh được cháu Tân.
Năm 2003, họ sinh tiếp cháu Thịnh. Cũng từ năm này, tai họa dồn dập ập đến. Bắt đầu là ông Cò bị bệnh ung thư phổi. Gia đình vắt kiệt đến đồng tiền cuối cùng vẫn không thể cứu ông thoát khỏi bàn tay tử thần. Cháu Thịnh sinh ra bị bệnh bại não 10 năm qua lớn lên ở… trên giường. Không còn cách nào khác, năm 2009, anh Hưng vào Nam đi thuyền đánh cá thuê để nuôi gia đình rồi biệt tích trong một lần đi biển. Mẹ con bà cháu côi cút dựa vào nhau sống trong cảnh thiếu vắng bàn tay đàn ông.
Hoạ vô đơn chí, đầu năm 2011, chị Hà lại bị bệnh ung thư. Gia đình bán tất cả những gì có thể, chạy vạy khắp nơi nhưng chị vẫn ra đi để lại hai đứa con thơ cho bà nội chăm sóc. Bà Hương vắt kiệt sức lực vừa chăm đứa cháu nằm một chỗ vừa lo cho ba miếng ăn. Trong làng trong xã ai thuê gì làm nấy. Lắm lúc hai bà cháu về đến nhà thì Thịnh đã đại tiểu tiện đầy giường.
Bà Hương và 2 cháu của mình đang rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng
Bữa ăn thường chỉ có cơm trắng và nước mắm. Chắt chiu được đồng nào thì mua tý thịt xay nhuyễn để cho Thịnh. Khó khăn là vậy nhưng Tân luôn là học sinh giỏi, ngoan, là tấm gương vượt khó, hiếu thảo cho các bạn noi theo.
Nhưng tai họa vẫn chưa tha gia đình khốn khổ này, từ lúc Tân bước vào lớp 6, bệnh tật tứ bề cứ tấn công bà Hương, đó là hậu quả của bao năm chèo chống quá sức. Từ đó, hầu như mọi việc trong gia đình đều một tay Tân gánh vác. Em trở thành trụ cột, thành chỗ dựa cho bà nội và đứa em tật nguyền.
Một ngày của Tân là sáng đi học, chiều cắt cỏ bán 15.000 đồng/gánh kiếm tiền mua gạo. Tối đến, em giúp bà nấu ăn, giặt giũ, gánh vác công việc của một người lớn trong gia đình. 21 giờ, em ngồi vào bàn miệt mài học tập. 24 giờ em mới đi ngủ thì 4 giờ sáng lại dậy sớm ôn bài, làm vệ sinh cho đứa em trai rồi vội vã đến trường.
Bà Hương dàn dụa nước mắt: “Ngôi nhà này sắp sập, tôi chưa biết phải làm sao, tuổi càng ngày càng già, không biết lấy gì mà sống. Xã đặc biệt quan tâm nhưng cũng khó khăn. Tình hình này rồi con Tân cũng phải bỏ học thôi”. Còn cháu Tân thì nói: “Cháu muốn học thật giỏi trở thành bác sỹ chữa bệnh miễn phí cho người nghèo để không ai còn phải chết như ông cháu, mẹ cháu. Không ai còn phải nằm liệt như em cháu. Nhưng nếu không bỏ học thì bà cháu chết mất, em cháu sống sao đây?”.
Đó là lời khẩn cầu, là ước mơ thánh thiện chúng tôi muốn gửi đến các tổ chức doanh nghiệp, các tấm lòng vàng, các nhà hảo tâm trong ngoài nước. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Lưu Thị Hương xóm 4, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hoặc Báo Công an Nghệ An, 43A Hồ Tùng Mậu, TP Vinh.
Đình Lộc
.