Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23662-mo-doi-vi-mot-nhat-cuoc-394626/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23662-mo-doi-vi-mot-nhat-cuoc-394626/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Mờ đời' vì một nhát cuốc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 23/10/2012, 16:09 [GMT+7]
23662

'Mờ đời' vì một nhát cuốc

Phạm nhân Bùi Văn Học

Nhát cuốc trong lúc nóng giận đã biến Bùi Văn Học, sinh năm 1981, quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa thành kẻ tù tội với mức án 8 năm vì hành vi giết người. Đã 3 năm trôi qua nhưng mỗi khi ra đồng lao động, cầm vào cán cuốc là ký ức đen tối ngày nào lại ùa về khiến Học xây xẩm mặt mày. Không biết bao nhiêu lần Học đã thổn thức khóc trong đêm, một hai cho rằng mình không chủ ý giết người, cứ nghĩ giơ cuốc lên phang thì nó chạy, ai ngờ nó lại nghĩ mình dọa, cứ đứng nghệt ra nhìn...

Bôn ba tứ xứ vì nghèo

Học sinh ra trong một gia đình đông anh em, cái nghèo khó của vùng quê đã buộc Học và các em phải sớm nghỉ học. Chưa hết lớp 3, Học đã nghỉ ở nhà, phụ giúp cha mẹ ruộng đồng, vườn tược những lúc thời vụ. Hết việc đồng áng, Học lại theo người làng, người xã, túm tụm nhau đi tứ xứ kiếm việc, làm thuê, tùy theo điều kiện, sức khỏe, lứa tuổi và tính chất công việc nhưng ai cũng chăm chắm dành dụm để mang tiền về nhà. Thế nên mặc dù đã vào Nam ra Bắc, có mặt ở nhiều nơi với nhiều nghề khác nhau từ phụ bàn, phu hồ, thợ xây, bốc vác hàng, song Học chẳng có chút kiến thức nào về chốn ăn chơi nơi đô hội.

Con nhà nghèo, biết thân biết phận nên Học chỉ biết quanh quẩn ở chỗ làm, mãi cứ là kẻ ngáo ngơ khi đến, khi về. Đã có thời kỳ Học còn gia nhập đội quân cái bang, lê la khắp các bến xe, nhăn nhó kể khổ để xin tiền bố thí nhưng rồi thấy cái nghề ăn xin, vừa bị chửi bới, khinh rẻ lại bị những kẻ lớn hơn chèn ép, ăn chặn nên Học từ bỏ. Khổ là vậy nên hơn ai hết Học hiểu giá trị của đồng tiền làm ra, căn cơ từng đồng lẻ. Người thanh niên này kể đã hai lần sống ở phố Bạch Mai, làm phu hồ, chạy bàn cho quán bia đến mấy năm trời nhưng chưa khi nào đi hết con phố mình ở. Chủ nhà cho ăn, cho mặc thế nào cũng cam chịu, Học bảo không dám rời nhà dù tối tối cũng muốn dạo phố xem thiên hạ ăn ở thế nào nhưng lại sợ, thế nên mang tiếng là ở phố mà chỉ rành mỗi đường từ quê lên đến chỗ ở.

Năm Học 23 tuổi, mẹ mất sau cơn bạo bệnh, để có người lo việc nhà cửa, cơm nước cho bố già cả trong khi các em mỗi người một phương kiếm sống, cuối năm anh cưới vợ, một cô thôn nữ cùng làng, xấu người nhưng được tiếng nết na, chăm chỉ. “Mẹ em mất đầu năm thì cuối năm em cưới vợ, cũng chẳng có thời gian tìm hiểu đâu, cùng cảnh nghèo, qua mai mối mà nên vợ nên chồng thôi”, Học cười khoe hàm răng hụt một chiếc, lúc lắc mái tóc cứng như rễ tre, dựng đứng.

Gia cảnh nhà vợ cũng chẳng khá khẩm gì hơn, nên từ ngày có vợ, Học càng phải lăn ra kiếm tiền. Vợ ở nhà chăn nuôi làm ruộng, chăm sóc bố chồng, còn Học chỉ ở nhà một thời gian sau cưới vợ rồi lại quày quả ra đi. Khắp các tỉnh phía Bắc, đâu có việc cho anh làm là Học tới, một năm vài lần về thăm quê, thăm vợ. Những lần gặp gỡ vợ chồng tuy hiếm hoi song vẫn cho Học 2 đứa con khỏe mạnh. “Năm 2004, em mới đi bãi vàng, tưởng sẽ kiếm được chút ít mang về rồi ở nhà cùng vợ chăn nuôi, ai ngờ đời em lại có ngày phải vào đây”, Học than thở, đôi mắt tối sầm như nuối tiếc.

Chân phụ hồ, cửu vạn dù Học có chăm chỉ đến đâu cũng khó đủ tiền gửi về cho gia đình khi mà sau đợt sinh nở 2 đứa con liền tù tì, vợ anh không còn sức để làm việc nặng. Hai vợ chồng bàn nhau để Học đi làm thuê một thời gian nữa, có chút vốn về nhà chăn nuôi cùng vợ, không lang bạt nữa. Đúng dịp đó thì ở làng rộ lên chuyện đi làm ở bãi vàng. Thấy làng trên xóm dưới có vài người đi, Học cũng đầu quân vào tốp ấy.

“Nếu một mình thì em không dám đi đâu, tận nơi heo hút núi rừng, biết thế nào nhưng chủ bưởng cũng là người trong xã, ở làng lại có mấy người cùng đi nên em mới quyết”, Học kể. Theo lời Học tâm sự thì một phần vì tiền công hấp dẫn (2 triệu đồng/tháng), phần vì chưa biết bãi vàng thế nào nên cũng tò mò muốn biết. Sau mấy ngày Tết năm 2004, Học khăn gói lên đường, trong đầu sắp sẵn kế hoạch gom tiền công vài tháng gửi về cho ra tấm, ra món.

Rẽ ngang cuộc đời vì nhát cuốc định mệnh

Hỏi Học so với ngày ở nhà, ở bãi vàng và bây giờ là ở trại giam Tân Lập, ăn uống ở đâu đầy đủ hơn, anh ta đáp ngay không chút chần chừ rằng, ở nhà thì chỉ no cơm thôi, chứ thức ăn kiếm được cái gì ngoài đồng thì xào nấu cái nấy. “Ở nhà không nói cũng cầm chắc là kham khổ rồi, trong trại ăn uống đầy đủ, có giờ giấc hơn nhưng không sướng bằng ở bãi vàng. Ăn để làm nên chủ cho thợ ăn đầy đủ lắm, thậm chí ai thích hút thuốc phiện, chủ cũng tìm mua về đáp ứng”, Học tâm sự. Lên bãi vàng Pắc Ta, Lai Châu, thời gian đầu không quen, Học bị ngã nước rồi những cơn sốt rét rừng hành hạ nhưng sức trai tráng, lao động từ nhỏ nên chỉ vài tuần sau, Học đã có thể vác búa chim xuống lò.

“Dân làm thuê, làm ở bãi vàng, muốn có tiền thì ngày nào cũng phải xuống hang”, Học kể. Theo lời anh ta thì công việc của những thợ đào vàng cũng chia ca kíp như công nhân. Ai làm ban ngày thì mờ sáng đã phải dậy, ăn cơm cho chắc dạ rồi nai nịt gọn gàng, bám dây ròng xuống dưới hang sâu khoảng vài chục mét, khoét từng xẻng đất cứ như chuột đào hang rồi dồn vào bao tải, dòng lên trên cho người khác. Trưa đến, theo ám hiệu rung dây thừng, thợ đào vàng bò ngược ra khỏi hầm, ăn nghỉ khoảng nửa tiếng rồi lại tiếp tục công việc. Ca đêm bắt đầu từ lúc trời chạng vạng, làm đến lúc có người giật dây báo lên thì về lán ngủ.

Theo lời Học thì công việc ở bãi vàng được chia làm nhiều công đoạn nhưng lương cao nhất thuộc về những người dám chui vào lòng đất, chấp nhận rủi ro để moi từng rổ đất lên cho chủ. Những người làm việc nhận đất đưa từ dưới hang lên, cõng ra suối đãi tìm vàng thì lương ít hơn. Thanh niên khỏe mạnh nên Học chọn việc chui xuống đất dẫu biết rằng chẳng có ngày nào lại không xảy ra chuyện vài người được đưa từ dưới lên, cơ thể tím tái vì thiếu dưỡng khí. Máy móc thô sơ, thợ đào vàng cứ lầm lũi đào đường hầm vừa một người chui, khi xuống làm việc thì chân xuống trước đến lúc hết ca thì đầu tiến lên, nhiều khi thêm rổ đất là cả người kẹt cứng phía dưới.

Sau hai tháng làm việc, đội quân đào vàng đông lên bởi sự xuất hiện của một số thanh niên bản địa. Họ là người đồng bào, cũng cảnh không có việc làm, lên làm thuê kiếm chút tiền về nhà. Cuộc đời Học rẽ sang một hướng khác kể từ ngày có thêm đám thanh niên ấy.

Một buổi sáng, Học đang cào đất thì thấy trong lán xôn xao tiếng người liền chạy vào nghe ngóng. Thấy hai thanh niên Mông đang sấn sổ đánh cậu thanh niên cùng quê với mình, Học nhảy vội vào can, khuyên mọi người hãy bình tĩnh nhưng nhận lại là những cái gậy phang làm tối tăm mặt mũi. Hoảng sợ, Học bỏ chạy ra ngoài nhưng hai thanh niên kia vẫn không bỏ cuộc. Một trong hai người đó là Trèo A Phủ, 31 tuổi, người Lai Châu, hùng hổ sấn tới chỗ Học ngồi đòi đánh tiếp. Mọi người nhảy vào can, kẻ giữ Phủ, người kéo Học ra mỗi chỗ khác nhau.

Khoảng tiếng sau, tưởng chuyện đã lắng xuống, Học quay về lán chuẩn bị đi làm thì Phủ xuất hiện. Anh ta tuyên bố sẽ không cho kẻ phá đám được yên thân, còn Học tất nhiên cũng không chịu lép vế trước lời đe dọa quá đáng. Giơ chiếc cuốc đang cầm trên tay, Học bảo nếu Phủ đánh sẽ phang cho một cái và oan nghiệt thay, trong lúc Học cầm cán cuốc giơ lên, Phủ cứ lừng lững bước tới. Trong lúc kẻ này nghĩ có bổ cuốc xuống thì đối phương sẽ chạy thì người kia lại nghĩ rằng nó giơ cuốc lên chỉ hù dọa chứ không dám phang xuống. Thế cho nên khi Học bổ một nhát về phía Phủ, xong là bỏ chạy, trong đầu vẫn đinh ninh rằng kẻ đánh mình chắc chỉ bị xây xát thì Phủ chỉ giãy nhẹ mấy cái rồi bất động. Ngay hôm đó Học bị bắt, kết thúc những ngày đi đào vàng mà không kịp nhận tiền công gửi về cho vợ.

“Em vào đây từ năm 2009, ba năm rồi nhưng vợ chưa lên thăm lần nào vì xa quá, nhà lại không có điều kiện thăm nuôi”, Học buồn bã. Không lên được với chồng nhưng tháng nào vợ anh cũng viết thư lên động viên, khuyên Học cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về. Trong thư chị khoe con trai lớn đã vào lớp 1, đã biết giúp mẹ, đi học về là nấu cơm, cho gà ăn; đứa em cũng rất ngoan, hay thủ thỉ với ông nội nên ông cũng đỡ buồn hơn. Hai em gái Học lấy chồng xa, chỉ dịp giỗ mẹ mới ghé về thăm nhà, thăm bố. Người em trai kế thì vào Nam lập nghiệp, đợt vừa rồi sơ sẩy thế nào trong lúc chở gỗ bị cây rừng đè chết.

Những chuyện vợ kể Học suy nghĩ lắm, biết bố đang hụt hẫng cần chỗ dựa tinh thần nhưng chẳng biết làm thế nào để an ủi. Theo lời Học thì dường như hai đứa con của anh ta rất biết thân biết phận, không bao giờ mè nheo đòi hỏi cái gì. Chúng chỉ duy nhất một lần hỏi mẹ về bố khi thấy anh lâu không về rồi không bao giờ nhắc nữa.

“Đã 3 năm rồi kể từ ngày em đập chết người nhưng trong lòng em chưa lúc nào thanh thản”, Học bảo. Anh ta mong ước trước khi mãn hạn trở về được thắp một nén nhang trên mộ người vắn số nhưng không biết có thực hiện được không. Đã nhiều đêm trong trại, không ngủ được, Học lại mơ thấy Phủ, thấy anh ta đứng bên kia cầu, vẫy mình sang mà Học không thể mở lời xin lỗi. Học bảo ngày đầu lên Tân Lập cải tạo, làm ở đội trồng rau, mỗi khi cầm cán cuốc là mồ hôi chảy dọc sống lưng. Học sợ rồi cứ ốm khật khừng cho đến khi được chuyển sang đội làm gạch. Về chỗ làm mới nhưng Học vẫn tránh để không phải đụng tay tới cán cuốc, hàng ngày gánh gạch vào lò dù biết công việc ấy vất vả hơn nhiều.

“Cuộc đời em sai lầm lớn nhất là lên bãi vàng tìm cơ hội làm giàu”, Học tâm sự. 8 năm tù không phải là dài với một người đàn ông trẻ như Học nhưng ký ức tội lỗi cứ đeo bám anh ta từng đêm khiến Học lo sợ ngày trở về, không biết còn đủ can đảm cầm cuốc, xẻng lao động. “Thư trước vợ em khoe đã làm thêm cái chuồng lợn, đợi em về sẽ đầu tư nuôi theo đàn chứ không nuôi con một như hiện nay. Em mừng lắm vì sẽ không phải động tới cái cuốc”, người đàn ông phạm tội giết người hồ hởi. Mái tóc dựng đứng, khuôn mặt hiền lành chất phác, ba năm rồi nhưng Học vẫn chưa quên được ám ảnh ngày nào. Thế mới biết có những tội lỗi thời gian sẽ làm phai mờ song cũng có những tội ác thời gian chỉ làm ký ức ngược về hiện tại, không dễ ngủ yên


CSTC
.