Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23623-chuyen-vo-mot-nguoi-tu-394659/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201210/23623-chuyen-vo-mot-nguoi-tu-394659/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện vợ một người tù - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 22/10/2012, 08:04 [GMT+7]
23623

Chuyện vợ một người tù

Về xóm Hồng Khánh, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), hỏi về chị Lê Thị Thảo, nhiều người không ngớt lời tấm tắc khen ngợi. Chị là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và rất mực thủy chung.
 
Lấy chồng từ năm 17 tuổi, sau những bi kịch gia đình và cả lúc chồng sa vào vòng lao lý, chị vẫn là chỗ dựa vững chắc để anh yên tâm cải tạo tốt, trở về vun lại hạnh phúc dưới mái nhà xưa.
Bi kịch của hạnh phúc
Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại là con đầu nên từ nhỏ, chị đã chịu không ít thiệt thòi khi phải nghỉ học giữa chừng để phụ mẹ chạy chợ nuôi các em ăn học. Cuộc sống cứ lầm lũi trôi qua giữa bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền như thế, cho đến năm 17 tuổi thì chị lấy chồng.
 
“Cuộc gặp gỡ như duyên tiền định từ kiếp trước. Hôm ấy, tui đang hối hả đạp xe ra chợ, chở cá cho mẹ bán thì nhà tui đâm sầm phải. Vậy là phải lòng nhau, rồi nên nghĩa vợ chồng”, chị Thảo kể về kỷ niệm lần đầu quen nhau, tự nhiên như chính cuộc sống chân chất của người thôn quê bao đời nay ở làng Hồng Khánh này vậy.
 
Người thanh niên đã va vào cô gái bán cá hôm ấy là anh Nguyễn Xuân Thủy, chồng của chị Thảo bây giờ. Anh Thủy lúc ấy 30 tuổi, là anh cả trong một gia đình cũng rất nghèo, sau anh còn những 4 đứa em lít nhít đang tuổi ăn tuổi học. Đang học dở cấp 3, Thủy bỏ ngang vào Sài Gòn lập nghiệp, bôn ba gần chục năm thì học được nghề mộc làm kế sinh nhai, nên quyết định về quê mưu sinh.
 
Một tháng sau kể từ ngày quen nhau, anh chị làm lễ cưới. Đó là vào tháng 10/2003. Bước vào cuộc sống gia đình thực sự, có nhiều cái thực tế để lo lắng hơn nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này cũng gặp không ít khó khăn, khúc mắc.
 
Thêm vào đó, công việc buôn bán của chị Thảo không tốt, còn nghề mộc của anh Thủy cũng chẳng suôn sẻ gì. Có thời điểm, mâu thuẫn gay gắt, chị Thảo tính chuyện đường ai nấy đi thì cũng là lúc phát hiện mình mang bầu. Mấy lần, bụng mang dạ chửa, nước mắt ngắn dài trở về nhà, mẹ chị lại phân tích phải trái để con gái hiểu về cuộc sống nhưng chị nhất định “quyết không sống cùng nhau nữa”.
 
Chị Thảo hạnh phúc bên con gái của mình
 
Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi anh Thủy theo bạn mua bán xe máy, vô tình tiêu thụ xe lậu và bị bắt. Lúc ấy, anh Thủy đã tưởng rằng, chuyện gia đình của anh không cứu vãn nổi, và khi bị bắt, anh nghĩ rằng đời mình đã chấm dứt. Nghe tin chồng bị bắt, chị Thảo bỏ hết mọi giận hờn, trở về nhà chồng để lo công việc. 9 tháng tù giam là mức án mà anh Thủy phải trả giá cho hành vi tiêu thụ xe gian của mình.
 
Chăm chồng sau song sắt
Thế rồi, trong suốt thời gian anh Thủy đi tù, cứ mỗi tháng chị lại cùng các em chồng xuống trại giam tiếp tế cho chồng. Cùng lúc này, chị sinh cô con gái đầu lòng. Ngày sinh con, không có chồng bên cạnh, chính cậu em chồng là người đưa chị dâu đi sinh nở.
 
Khi nghe tiếng khóc của con, chị cũng khóc bởi giây phút ấy, người đàn ông quan trọng nhất của đời mình lại không thể có mặt để cùng chia sẻ với chị. Tưởng rằng cánh cửa nhà giam đã kết thúc tất cả cuộc đời của một con người, nhưng với anh Thủy thì chính tại nơi ấy, anh đã nhận ra rằng, người vợ của mình tuyệt vời đến thế nào.
 
Nhiều đêm, nằm trong phòng giam, nghĩ về vợ với công việc bù đầu, bố mẹ già yếu không thể phụ việc đồng áng, một mình chị phải quán xuyến tất cả, anh cảm thấy rất xót xa và cứ ước “giá như thời gian quay ngược lại, mình sẽ không bao giờ nặng lời với vợ đâu”.
 
Lúc nào anh Thủy cũng dằn vặt mình, rằng vì suy nghĩ nông cạn mà làm khổ vợ, rằng mình không tốt nên vợ mới gặp bi kịch như thế. Những đau đớn, những suy tư không biết ngỏ cùng ai, anh nghĩ nhiều đến gầy rộc đi. Cho đến khi đầy tháng con, chị lần xuống trại giam, vừa nhìn thấy chồng, chị bật khóc nức nở.
 
“Nếu anh thương em thì cố gắng cải tạo tốt để trở về với mẹ con em”, cho đến giờ anh Thủy vẫn nhớ mãi câu nói ấy của vợ, và cái gật đầu của anh hôm ấy chính là điều kiện đủ thay cho lời hứa để chị Thủy tin tưởng chờ đợi ngày anh trở về với xã hội, đặng làm lại cuộc đời.
 
Thế rồi, ngày anh ra trại cũng đến. Đích thân chị Thảo bế đứa con gái đầu lòng đến cánh cổng trại giam số 3 đón chồng. Lúc nhìn thấy con gái đang huơ huơ đôi bàn tay bé xíu, anh phải cố để không bật khóc. Hơn một năm sau, cô con gái thứ hai của anh chị ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của hai bên gia đình.
 
Anh Thủy tâm sự rằng, trước đây anh cứ nghĩ là số phận mình khổ. 14 tuổi đã phải nghỉ học đi làm phụ bố mẹ nuôi các em. Khi thấy chúng bạn học hành thành đạt, công ăn việc làm ổn định, anh tủi thân lắm. Rồi cuộc sống gia đình không êm thấm, anh đã từng nghĩ “tại sao ở hiền mà không gặp lành”.
 
Thế nhưng bây giờ, anh có quyền tự hào về hạnh phúc nhỏ bé của mình. Giờ đây, cuộc sống của anh chị đã không còn vất vả như ngày xưa nữa, xưởng mộc do anh Thủy làm chủ đang làm ăn phát đạt, đặc biệt là ba đứa con học hành giỏi giang. Ngoài việc chăm lo cho gia đình, vợ chồng Thủy - Thảo cũng thường xuyên giúp đỡ bà con lối xóm, tham gia vào các công tác thiện nguyện ở khu dân cư nên được bà con quý mến, nể trọng.

Thành Thảo
.