Tang thương xóm nghèo
Chúng tôi về đến đầu xóm 8, xã Bảo Thành (Yên Thành) đã nghe tiếng khóc cộng hưởng ai oán của thân nhân gia đình 2 lao động chết cháy tại Nga vang lên khắp làng quê. Tại nhà nạn nhân Đặng Quang Thành, dân làng đang dừng lại việc gặt hái sau lũ để đến chia buồn với gia đình. Chiếc bàn thờ lập vội nghi ngút khói hương.
Ông Đặng Quang Võ (bố Ngọc) đang đứng trước di ảnh của con khóc thảm thiết. Trong nhà, mẹ Ngọc đang gào khóc vật vã gọi tên con. Một không khí tang tóc bao trùm.
Ông Võ kể: "Chiều hôm qua cháu Lê Đình Tú ở cùng xóm (người thoát chết trong vụ cháy ngày 11/9) gọi điện về thông báo cháu Ngọc và cháu Thành, con của anh trai tui đã chết cháy ở Nga. Tui rụng rời khuỵ xuống, còn bà nhà tui ngất lên, ngất xuống mấy lần phải cấp cứu ở trạm y tế xã.
Được biết, Đặng Quang Ngọc (SN 1992), học xong lớp 9 thì theo bố đi làm thợ mộc, nhưng bố bị tai nạn trong một lần xẻ gỗ, nên gia đình lâm vào cảnh túng bấn. Trong khi đó, có một người trong xóm đến bảo sẽ lo cho một số thanh niên đi xuất khẩu lao động ở Nga.
Nỗi đau mất người thân của gia đình một nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ cháy
Vậy là gia đình ông Võ đã vay mượn ngân hàng 50 triệu đồng để người đó làm thủ tục cho Ngọc được đi XKLĐ với mong muốn được đổi đời. Tuy nhiên, Ngọc lên máy bay sang Nga từ ngày 28/8 và được đường dây XKLĐ chui đưa đến nơi làm việc được hai ngày thì vụ cháy xảy ra…
Kế bên nhà Đặng Quang Ngọc là nhà Đặng Quang Thành, cũng ngập trong bầu không khí tang tóc. Người thân khóc lóc vật vã trước bàn thờ Thành mới lập. Ông Đặng Quang Văn (bố Thành) từ khi nghe tin con tử nạn, đã như điên, như dại chạy khắp làng gào khóc gọi tên con.
Khi chúng tôi đến, ông ngồi thẫn thờ như người mất hồn. Chị Đặng Thị Thuỷ (cô ruột của Thành) cho biết: Gia cảnh của Thành cũng rất tội nghiệp, bố bị bệnh, mẹ phải đi làm thuê làm mướn để nuôi 4 người con. Thành là con thứ 2 cũng phải bỏ học từ năm lớp 11 đi làm thuê nuôi các em.
Hàng xóm đến chia buồn với gia đình nạn nhân Đặng Quang Ngọc
Đợt vừa qua có đường dây liên hệ đi XKLĐ sang Nga nên gia đình đã vay hơn 50 triệu đồng để Thành đi cùng đợt với Ngọc. Tưởng là em nó đi sẽ bớt khổ, ai ngờ con bây giờ bỏ mạng xứ người, bố mẹ ôm một đống nợ". Chị Thuỷ nói trong nước mắt.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với các gia đình nạn nhân khác ở Nghệ An được biết các gia đình này cũng đã lập bàn thờ cho con em họ, không khí tang tóc đang bao trùm các làng quê. Bà Nguyễn Thị Nhâm (mẹ của nạn nhân Phạm Thị Ngân (SN 1976) ở Nghĩa Đàn) hiện nay đang phải cấp cứu ở trạm xá xã vì không chịu nổi cú sốc vì mất đi đứa con gái đầu lòng…
Hiện nay, gia đình các nạn nhân đều mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp, sớm đưa thi thể con em họ về quê an táng. Ông Đặng Quang Võ ở Bảo Thành nói trong tiếng nấc: "Giờ chúng tôi khẩn cầu được các cơ quan chức năng giúp đỡ đưa thi thể các cháu về quê để được nhìn mặt con lần cuối…".
Cảnh báo từ lao động chui
Hiện nay hỏi những gia đình nạn nhân: Tổ chức hay cá nhân nào đã đưa con em họ đi xuất khẩu lao động. Tất cả đều lắc đầu không biết. Ông Đặng Quang Võ cho biết: "Ở xóm 8 Bảo Thành có hơn 50 người ở bên Nga, nên đã điện thoại về rủ rê và con cháu tui đã theo chỉ dẫn liên hệ với một người ở Hà Nội, gia đình cũng không biết là ai. Cháu từ khi đi đến khi tử nạn là tròn 15 ngày. Hôm 8/9 cháu có "chát" với đứa em là ở bên đó làm thợ may, bị chủ nhốt trong một căn phòng rồi khoá trái cửa lại. Tất cả hơn 40 người đều sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ ở trong không được ra ngoài, điện thoại họ cũng không cho dùng…".
Ông Nguyễn Danh Tuệ - Chủ tịch UBND xã Bảo Thành cũng lắc đầu ngao ngán: "Chúng tôi cũng không biết ai đã đưa các thanh niên ở các làng quê ở Bảo Thành đi XKLĐ. Các cháu đến UBND xã làm thủ tục thì chúng tôi phải cho thôi. Hiện nay xã Bảo Thành có hơn 600 thanh niên đi XKLĐ ở các nước, trong đó phần lớn là đi theo con đường tự do. Chỉ 10% là đi theo con đường cơ bản của Nhà nước".
Ngày 12/9/2012, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết vụ cháy tại xưởng may ở thị trấn Yegoryevsk (cách Moscow hơn 100 km) chiều 11/9/2012 đã làm 14 công dân Việt Nam (gồm 8 nữ và 6 nam) thiệt mạng, 1 người bị thương. |
Chia tay những gia đình khốn khổ, chúng tôi không khỏi xót xa. Người thân của họ đã chết nhưng nay không thể mang xác về Việt Nam, bởi họ ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp. Có lẽ, hàng năm trên cả nước có hàng trăm lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng hộ chiếu phổ thông và một số không ít lao động này phải bỏ mạng tại xứ người vì tranh chấp lao động, vì cuộc sống kham khổ và hàng ngàn lý do khác.
Biết rằng lao động "chui" là vi phạm pháp luật, là sẽ trông chờ vào may, rủi nhưng nhiều người vẫn lao vào, tiếp tay cho kẻ khác kiếm tiền bằng con đường vi phạm pháp luật. Để rồi lại tiếp tục có những lao động bỏ mạng ở xứ người.
Tiến Dũng
.