Căn nhà trăm thứ bệnh
Gia cảnh khó khăn nên năm 2003, anh Vũ Văn Tài (chồng chị Liên) quyết định sang Malayxia làm thuê để mong được đổi đời. Công việc đang êm xuôi thì đến năm 2004, tai họa giáng xuống, chồng chị bị tai nạn lao động và qua đời ở xứ người, để lại cho chị 3 đứa con trai thơ dại. Nuốt nước mắt vào trong, chị bươn bả làm đủ việc đủ nghề từ mò cua, bắt ốc đến đúc gạch táp lô, đúc bia mộ và làm công ở xưởng xay xát gạo… để nuôi con khôn lớn.
Nhưng từ khi chồng mất, chị Liên cũng đổ bệnh. Gần chục năm qua, không năm nào chị cũng phải vào nằm viện điều trị. Nhẹ thì một, hai tuần, nhiều thì cả tháng. Riêng năm Tuệ học lớp 12, chị Liên đã ba lần phải nhập viện để điều trị bệnh u tử cung, u buồng trứng và thần kinh mãn tính. Bao nhiêu vật dụng đáng giá nhất cũng đội nón ra đi theo những lần chị nhập viện.
Tuy khoẻ mạnh nhất nhà nhưng giờ anh trai Tuệ là Vũ Đức Trí (SN 1992) đang học năm thứ 3, Trường ĐH Thể dục thể thao TP HCM lại bị phì đại tuyến vú và phải ra Hà Nội mổ. Dù đã vào năm học mới được hơn một tuần nhưng Trí vẫn phải ở nhà điều trị.
Tuệ cùng với mẹ
Không chỉ vậy, em trai Tuệ là Vũ Đức Tiến (đang học lớp 8) cũng bị hen suyễn mãn tính từ lúc 5 tuổi. Trong căn nhà nằm bên Quốc lộ 1A của gia đình chị ở xóm 13, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bây giờ sổ khám chữa bệnh và bệnh án, đơn thuốc, phim X Quang của chị cùng các con còn nhiều hơn cả quần áo. “Ai đến nhà tui cũng mừng vì các cháu ngoan, học giỏi và thương mẹ nhưng không khỏi hãi hùng khi được biết cả mẹ lẫn con đều có bệnh”, bà Liên chua chát nói.
Hiện giờ, bà Liên đang nợ 37 triệu đồng tiền vay vốn hộ nghèo và ngân hàng, 19 triệu đồng tiền vay vốn sinh viên. Gần chục năm qua, chị Liên phải mặc đồ thừa của anh em nội, ngoại cho chứ chẳng dám mơ một manh áo mới. Mỗi lần đi họp phụ huynh, chị Liên vẫn mặc chiếc áo quân phục đã ngả màu của chồng từ ngày còn sống khiến thầy giáo chủ nhiệm của Tuệ cứ hỏi đùa: “Mẹ Tuệ đi bộ đội à?”.
Nghị lực của đứa con hiếu thảo
Bố mất khi đang tập trung cho kỳ thi HSG tỉnh môn Toán lớp 5 nhưng Tuệ vẫn đạt điểm cao nhất trường và giành giải Khuyến khích. Trong 4 năm học cấp 2, hằng ngày Tuệ phải đạp xe 6 cây số từ nhà đến Trường THCS Hồ Xuân Hương (Trường Năng khiếu cấp 2 của huyện Quỳnh Lưu). Thời gian này, em đã bị viêm xoang nhưng giấu không cho mẹ biết.
Về đến nhà, ăn xong cơm Tuệ cùng anh trai cầm xô ra đồng mò cua, bắt ốc. Biết mẹ bệnh tật lại phải làm lụng vất vả nên anh em Tuệ quên những giờ phút vui chơi để phụ mẹ chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Lúc Tuệ còn ở nhà, khi nào chuồng trại của gia đình cũng không thiếu vịt, gà. Năm lớp 9, Tuệ đạt giải Ba HSG tỉnh môn Sinh học và được Huy chương Đồng Toán tuổi thơ (tổ chức trao giải ở Đà Nẵng) nhưng gia đình nghèo túng đến nỗi không có tiền cho em đi nhận giải.
Lên cấp 3, Tuệ thi đỗ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ba năm sống xa nhà ở thành phố, biết điều kiện gia đình không có nên ngoài thời gian lên lớp, Tuệ tự học là chính. Bố mất sớm, tình cảm của anh em nội, ngoại giành cho anh em Tuệ nhiều nên lúc đang học lớp 12, trong một thời gian ngắn cả bà nội và cậu cả vì bạo bệnh qua đời cùng bệnh viêm xoang khiến Tuệ không thể tập trung học được như trước. Khi tham gia kỳ thi HSG quốc gia, kết quả thi của em không như mong đợi.
Đến ngày làm hồ sơ thi đại học, Tuệ định đăng ký vào Học viện Quân y để đỡ gánh nặng và thỏa lòng mong mỏi của mẹ nhưng bệnh viêm xoang tái phát rồi nặng dần khiến em không đủ sức khỏe đành làm hồ sơ thi vào Học viện Y dược cổ truyền. Có những đêm, Tuệ phải thức trắng vì khó thở. Sợ con quên, chị Liên phải xin số điện thoại bạn cùng phòng để đến bữa gọi điện nhờ bạn nhắc nhở Tuệ uống thuốc.
Khi đang tập trung ôn thi, mẹ em lại đổ bệnh phải đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cả tháng trời. Ban đầu, Tuệ vào viện chăm sóc mẹ, vừa cầm sách tranh thủ học nhưng mùa vụ đến, bên nội, bên ngoại cũng người thì ốm, người thì đi làm ăn xa nên Tuệ đành phải về nhà thu hoạch lúa. Mẹ đi viện, ở nhà chỉ còn mình em trai út, nuôi được ít gà, ngỗng thì bị chó cắn hết. Lúc về, thấy vịt, ngỗng nằm ngổn ngang khắp sân mà Tuệ không khỏi xót xa. “Sức khỏe yếu nhưng một mình Tuệ phải phơi khô 7 sào lúa.
Có lúc mệt quá, Tuệ gọi điện cho mẹ xin vào trường để học ôn rồi chờ anh trai nghỉ hè về phơi lúa tiếp. “Không ai làm cho, sợ lúa tươi để lâu sẽ hỏng nên tôi đành động viên con nghỉ một hôm rồi phơi lúa khô hãy vào”, mẹ Tuệ cho hay. Lúc xong mùa màng, Tuệ chỉ còn hai tuần để ôn thi đại học.
Tuy vậy, Tuệ vẫn thi đỗ Học viện Y dược cổ truyền với điểm số 20,5. Em bộc bạch: “Dù điểm thi không được như em mong muốn nhưng em vẫn nuôi ước mơ trở thành bác sỹ để sau khi ra trường có thể tự tay mình chữa bệnh cho mẹ và xa hơn, em có thể cứu giúp những bệnh nhân nghèo”.
Ngày Tuệ nhập học, ngoài tiền thưởng trong Lễ tuyên dương của tỉnh và anh em họ hàng cho, bà Liên còn phải vay mượn thêm 5 triệu đồng. “Bây giờ em nó đi học, tui ốm đau, bệnh tật nên cũng phải tiếp tục vay vốn sinh viên và nhờ anh em họ hàng giúp đỡ. Dù khó khăn đến mấy, tôi vẫn gắng xoay sở cho các con được học hành”, bà Liên nói.
Duy Ngợi
.