Ảnh minh họa |
Cụ thể là phấn đấu tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) từ 2,0 con năm 2010 giảm xuống còn 1,9 con vào năm 2015).
Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015; tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015; giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, để đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113…
Chương trình này được thực hiện thông qua 3 dự án và 1 đề án.
Đó là, Dự án bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho các đối tượng sử dụng. Theo đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 80% và tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,1% vào năm 2015.
Dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình là dự án thứ 3 với mục tiêu tăng cường truyền thông và chuyển đổi hành vi, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; đào tạo tập huấn chuyên môn dân số - kế hoạch hóa gia đình cho đội ngũ cán bộ các cấp.
Bên cạnh đó, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển nhằm kiểm soát quy mô dân số và chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012 – 2015 là 8.990 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn: vốn ngân sách trung ương; vốn ngân sách địa phương; vốn vay, viện trợ; vốn huy động từ các nguồn khác.