Cùng với các bến đò thì tại các dòng sông hiện có hàng trăm điểm khai thác cát song mới chỉ có 3 - 4 điểm được cấp phép khai thác, tập trung tại Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn. Trung bình mỗi ngày có gần 300 lượt phương tiện đường thủy khai thác, vận chuyển cát sỏi.
Trong các bến đò khách ngang sông đang hoạt động, hiện vẫn còn nhiều bến không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, chìm đò do chưa có hệ thống cầu dẫn, sử dụng đò nhỏ, thiếu phương tiện cứu sinh... Tình trạng này luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ, nhất là vào mưa lũ bởi lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng lên rất cao, lại có thêm nhiều điểm nước xoáy, nhiều luồng lạch gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.
Nhìn nhận thực tế từ các bến đò đang hoạt động hiện tồn tại một số bến khách ngang sông tại vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, hoạt động đã lâu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại chủ yếu của người dân ở khu vực tiếp giáp hai bên sông.
Tại các bến này, cầu lên xuống còn sử dụng bến chuồi và dốc thẳm, thảm bê tông, đổ đá tạm hoặc bắc cầu gỗ tạo đường dẫn cho hành khách lên xuống. Bản thân chủ bến không có khả năng kinh tế để đầu tư xây dựng cầu dẫn kiên cố. Điều đáng báo động ở chỗ, các bến nói trên đều hoạt động trên những tuyến sông lớn, có độ nguy hiểm rất cao.
Hàng loạt bến đò ở Anh Sơn còn tình trạng không mặc áo phao và chở quá số người quy định
Tại bến đò Phú Sơn huyện Tân Kỳ, mỗi ngày hàng chục chuyến đò qua lại, tập trung lưu lượng khách khá đông, phần lớn là học sinh. Trong khi đó, con thuyền nhỏ bé, cũ kỹ đã hư hỏng xuống cấp mà hàng ngày phải chuyên chở khá nhiều người và phương tiện qua lại nên nguy cơ mất an toàn rất cao nhưng không thấy hành khách nào mặc áo phao hay sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh mặc dù thời điểm này mực nước dâng cao gấp 3 lần so với ngày thường.
Những chiếc áo phao treo dọc hai bên đò như chỉ để làm cảnh và đối phó với đoàn kiểm tra. Còn người đi đò không tự giác mặc áo phao do “ngại bẩn, nóng, chật chội, mất thời gian”. Phao cứu sinh chỉ để đối phó với lực lượng chức năng chứ không phát huy được tác dụng thực sự. Thực trạng trên không chỉ thấy ở bến đò Phú Sơn mà còn ra ở các bến đò huyện Anh Sơn, Con Cuông...
Qua tiếp cận hàng loạt những chiếc đò ngang ở huyện Anh Sơn, dù có trang bị đầy đủ áo phao nhưng lại không phát cho hành khách sử dụng. Tất cả áo phao vẫn còn nguyên trong túi ni lông như lúc mới mua về và được xếp cất rất ngăn nắp vào một góc đò. Dụng cụ nổi cứu sinh treo dọc hai bên đò cũng không đủ số lượng và không đảm bảo chất lượng vì đã cũ. Ngoài ra, ở một số bến đò của huyện Anh Sơn phía hai đầu bến, đường lên xuống đò (động đò) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Như động đò Lạng Sơn trước đây huyện đầu tư nâng cấp gần 300 triệu đồng nay bung vỡ thành từng mảng, dạt vào bờ. Để phục vụ cho nhu cầu qua lại chủ đò ở đây đã dùng ván gỗ làm cầu cho khách lên xuống đò, cách làm này độ an toàn không cao.
Hay tại bến đò Lĩnh Sơn - Tào Sơn, nhu cầu qua lại tại đây khá lớn song đường lên xuống tại hai bến đò này không có, người qua lại phải oằn mình trên cát sỏi lầy lội. Trong khi đó, hai bến đò trên có lưu lượng học sinh qua đò đông nhất huyện, trên 500 em/ngày.
Được biết hiện nay, đa số các bến đò tại Anh Sơn còn diễn ra tình trạng chở quá số người quy định, không chấp hành quy định về lái đò, không trang cấp đầy đủ và mặc áo phao cứu sinh khi qua đò.
Trước tình hình các bến đò ngang còn vi phạm ATGT đường thủy sẽ rất nguy hiểm trên mỗi chuyến đò cho khách qua sông thì ngành chức năng cần tăng cường vận động tuyên truyền chủ đò và hành khách về việc mặc áo phao, trang bị dụng cụ cứu sinh. Đồng thời kiểm tra, xử lý thường xuyên các chủ phương tiện vận tải không chấp hành đúng quy định này, để tránh những thiệt hại đáng tiếc, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến gần.
Trường Khuyên
.