Thanh Hương là xã vùng sâu biên giới của huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An), hiện có 13 xóm, 1.241 hộ dân, với 5.777 nhân khẩu. Là một xã nghèo, trong nhiều năm qua, mặc dù đã được Chính phủ và UBND tỉnh quan tâm, đầu tư bằng nhiều chương trình, chính sách phát triển song đến nay, về cơ bản vẫn đang là một xã nghèo.
Hôm hay tin có phóng viên về tìm hiểu thực hư những chuyện bi hài và cả hệ lụy nơi này, hàng chục cụ trong hội cựu chiến binh, trong đó có không ít cán bộ hưu trí kéo đến vây quanh “tố” những việc làm sai trái của mấy đời cán bộ xã đã trực tiếp đẩy xã vào vòng túng quẫn vì nợ nần.
Gia đình “trị vì” xã nghèo
Chung quy lại, cũng vì nguyên do, mấy đời cán bộ cốt cán của xã Thanh Hương đều do anh em trong một dòng họ thay nhau nắm quyền. Những vị trí cốt cán “ăn rơ” với nhau đều được bố trí rất khéo léo. Cụ thể, Bí thư Đảng ủy hiện tại là ông Nguyễn Bá Lý, trước đây đã từng có thâm niên 13 năm ngồi vào vị trí Chủ tịch UBND xã.
Điều khó hiểu là trong thời gian tại vị, ông chủ tịch xã nghèo này đã hai lần dính án kỷ luật (cảnh cáo) nhưng vẫn được cân nhắc, bao che để đưa lên vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo cấp xã.
Trong 13 năm ấy, ông Nguyễn Bá Lý đã đưa anh em, con cháu thân thích của mình vào giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền, từ chủ chốt đến các chức vụ nhỏ hơn. Đáng kể nhất là việc ông này đưa con trai Nguyễn Bá Duẩn vào làm tại Văn phòng UBND xã. Tiếp đó, Nguyễn Bá Sơn, là cháu gọi ông Lý bằng chú (ruột) cũng được sắp xếp ngồi vào ghế Bí thư Đoàn xã.
Trụ sở UBND xã Thanh Hương, nơi tồn tại hệ thống “gia đình trị”
Với tâm lý, làm Đoàn dễ “phất”, nên chỉ một thời gian sau, ông Lý đã “lái” cho Sơn giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Bị phản ứng dữ dội và trái với cơ cấu nên Nguyễn Bá Sơn đành nghe theo sự sắp xếp, nhận công tác mới ở cương vị Chủ tịch Hội nông dân.
Bi hài hơn có lẽ là việc ông Nguyễn Bá Toàn, anh em con chú con bác với ông Nguyễn Bá Lý, được đưa ra giới thiệu làm xóm trưởng xóm 6, nhưng khi bỏ phiếu đến 3 lần mà vẫn “trượt vỏ chuối”, ông Lý đã cơ cấu vào chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Làm chưa hết nhiệm kỳ, không hoàn thành trách nhiệm nên bị loại. Thương ông này rỗi rãi, ông Lý lại tìm cách đưa ông Toàn vào làm tại Mặt trận tổ quốc xã, giữ chức Phó chủ tịch.
Rồi chuyện ông Nguyễn Bá Tùng, anh trai ông Nguyễn Bá Lý, mặc dù không có trình độ nhưng vẫn được sắp xếp làm Bí thư chi bộ xóm 4, đến lúc chịu không thấu sự phản ứng của cán bộ đảng viên, ông Tùng viết đơn từ chức hôm trước thì hôm sau ông Lý kêu lên làm chức xóm trưởng xóm 4, mặc cho bà con lối xóm phản ứng, không đồng tình.
Ngoài người em họ khác của ông Lý cũng tên Nguyễn Bá Tùng, sau một thời gian lên rừng đốn gỗ được đưa vào làm cán bộ phụ trách giao thông, nay chuẩn bị biên chế vào lực lượng dân quân tự vệ.
Một nhân vật khá chủ chốt khác, bà Nguyễn Thị Tuất, em dâu ông Lý, người đã giữ chức Trưởng ban Tài chính - Kế toán xã suốt từ năm 1998 đến năm 2004. Sau khi bà Tuất nghỉ hưu, con gái là Nguyễn Thị Phượng lên nắm giữ chức này từ bấy đến nay.
Trăm “dâu” đổ đầu dân đen
Với bộ sậu lãnh đạo xã đều là anh em con cháu trong một dòng họ như vậy nên trong nhiều năm qua, xảy ra không ít sai phạm trong công tác quản lý. Trong đó đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư được rót về đã bị “quan xã” làm thất thoát, rơi rụng hết.
Khoản thu thủy lợi phí, trong hai năm 2010 - 2011, xã Thanh Hương đã chi tiêu sai mục đích trên 150 triệu đồng. Chỉ tính riêng việc xây dựng đường điện 4KV, 10KV và trạm biến áp 250KVA, làm thất thoát trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn lấy gần 100 triệu đồng tiền dự án Oxfam Mỹ tài trợ để trả nợ tiền điện khí hóa nông thôn trái quy định.
Người dân bức xúc phản ánh về những việc làm sai trái của “quan xã”
Trong nhiều năm liên tục, xã Thanh Hương vẫn duy trì Ban quản lý điện mà không chuyển đổi sang mô hình Hợp tác xã điện năng, là trái với Quyết định 84/QĐ-UBND ngày 16/9/2002 của UBND tỉnh. Thậm chí, Ban này còn tự đưa ông Dương Văn Chất lên vừa làm thủ quỹ vừa làm kế toán, hàng năm chêch lệch thu chi không nộp vào ngân sách.
Theo thông báo số 1365/TB - UBND huyện Thanh Chương ngày 28/9/2007 về "Kết quả xác minh, kết luận các nội dung tố cáo của một số công dân tại xã Thanh Hương" đã đưa ra những con số đáng lo lắng về công nợ của xã Thanh Hương, trong đó, "việc UBND xã trong một thời gian dài không tìm ra giải pháp trả nợ bàn giao của HTX nông nghiệp xây dựng đến khi HTX giải thể, mà chỉ dùng biện pháp vay để trả nợ, làm cho tình hình ngân sách xã mất cân đối ngày càng lớn”.
Để có tiền trả nợ, xã đã có những việc làm mà theo người dân nơi đây là “nóng tay bắt lỗ tai”, và dĩ nhiên hoàn toàn trái với quy định. Cụ thể, để giải quyết khoản nợ tồn đọng hơn 744 triệu đồng, vào năm 2000, UBND xã đã thành lập hội đồng xét duyệt, phân lô cấp nền 42 lô đất tại xóm 4, trung tâm xã để xây dựng thị tứ tương lai.
42 hộ dân bốc thăm trúng được xã hướng dẫn nộp tiền bằng hai loại biên lai, một biên lai nộp tiền vào ngân sách xã và một biên lai khác thu phí đất công, đất ki-ốt do Bộ Tài chính ban hành. Sau khi thu tiền, xã để mặc người dân xây nhà kiên cố, đến lúc họ đi làm bìa đỏ không được, đâm đơn đi kiện, huyện cử đoàn Thanh tra về xác minh thì mới hay, 42 lô đất này xã cho thuê theo hợp đồng đất công, trong thời hạn 5 năm chứ không được bán, nên huyện không cấp bìa đỏ.
Cũng để giải quyết nợ tồn đọng, lãnh đạo xã Thanh Hương đã ban hành một Nghị quyết, được tất cả cán bộ chủ chốt xã (mà thực chất là anh em trong dòng họ) nhất trí cao, ấy là cào bằng và bổ đều theo đầu người trong toàn xã để cùng “gánh nợ công”, bất luận là trẻ em dưới 1 tuổi hay người già trên 60 tuổi. Theo đó, hễ cứ là công dân của xã Thanh Hương thì sẽ phải gánh nợ chung cho xã, mỗi khẩu 27.000 đồng và mỗi hộ gia đình là 123.000 đồng!
Hay như trong cuốn “Sổ theo dõi thu, nộp các loại quỹ nghĩa vụ của hộ gia đình”, trong phần “các khoản phải nộp” có mục “trả nợ đường điện”, nhưng đằng sau lại mở đóng ngoặc là “đóng góp”, mỗi khẩu như thế phải nộp 200 ngàn đồng bất luận già trẻ, gái trai.
Theo lý giải thì đây cũng là một “sáng kiến” nữa của xã, để bù vào khoản thâm hụt ngân sách, trong khi chỉ một cây cột điện bị đổ đã gần 5 năm nay cũng không được màng đến, khiến 212 hộ dân các xóm 11, 12 và 13 phải góp tiền dựng đường dây tạm và chấp nhận dùng điện trong cảnh phập phù.
Ngoài ra, còn nhiều việc làm tắc trách, trái khoáy khác của bộ sậu quan xã nơi đây khiến cho dân nghèo phải còng lưng gánh nợ thay chính quyền. Đến độ, một người dân xã Thanh Hương phải thốt lên: “Chúng tôi hoàn toàn mất niềm tin vào cán bộ xã nhà. Bây giờ bảo dân đóng góp chẳng ai hưởng ứng, bởi bỏ tiền ra chỉ sợ cán bộ xã chia nhau, tư túi hết”.
Từ “gia đình trị” trong bộ sậu ở xã Thanh Hương đã dẫn đến sự chuyên quyền, độc đoán và trù dập lẫn nhau. Chỉ vì nghi ngờ bác sỹ Nguyễn Thanh Tùng - Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh Hương không bỏ phiếu tín nhiệm mình, lấy cớ trạm xá bán cây trong khuôn viên không báo cáo với xã, ông Nguyễn Bá Lý đã “đẩy” vị bác sỹ duy nhất của xã này ra khỏi địa phương.
Mới đây là việc ông Lưu Văn Hợp, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã cũng vì làm trái ý hội đồng nên đã bị xã ra văn bản số 26/CV.UBND ngày 30/8/2011 chỉ đạo ông này làm đơn xin chuyển công tác từ cán bộ chuyên trách sang công chức xã, mặc cho ông Hợp không đồng ý và bất luận điều này là vượt thẩm quyền, trái với quy định.
Thiên Thảo - Trường Khuyên
.