Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21611-bi-kich-mot-vu-li-hon-396265/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21611-bi-kich-mot-vu-li-hon-396265/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bi kịch một vụ li hôn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 11/07/2012, 13:52 [GMT+7]
21611

Bi kịch một vụ li hôn

Dẫu coi nhau như kẻ thù, nhưng trước đó, họ từng có những tháng năm là vợ, là chồng, cùng nhau vun vén gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái. Mâu thuẫn xảy ra khiến tình trạng hôn nhân ngày càng xấu đi và chia tay là giải pháp tốt nhất để các bên lấy lại sự cân bằng. Vào thời điểm trước khi Tòa tuyên bố quyết định thuận tình ly hôn, không khí dường như lắng lại. Một chút đau xót, một chút luyến tiếc, một chút nghẹn ngào khi cả hai nhớ về những tháng ngày tươi đẹp.

Và trong hoàn cảnh đó, người đàn bà dù cố kiềm chế nhưng những giọt nước mắt vẫn ứa ra. Song, vụ ly hôn này lại hoàn toàn trái ngược. Người vợ ấy lạnh lùng, thản nhiên, không có lấy một giọt nước mắt như thể mình là người ngoài cuộc - Thẩm phán Nguyễn Việt Quang, người thụ lý hồ sơ vụ ly hôn trên đã nói với tôi như thế, kèm theo một nụ cười buồn.

1. Người đàn ông ấy trẻ hơn nhiều so với tuổi 54 của mình. Dáng người cao ráo, chắc nịch, mái tóc đen gợn sóng, đôi mắt sâu ẩn sau chiếc kính trắng cùng bộ vét màu xám lịch lãm như mách bảo với người khác rằng, anh không chỉ là người có học vấn mà còn là người thành đạt trong cuộc sống. Anh đến Tòa án nhân dân quận H. vào một buổi chiều cuối năm với nguyện vọng là được chấm dứt cuộc hôn nhân đã kéo dài một phần tư thế kỷ.

Tất nhiên, trong lá đơn xin ly hôn, anh chỉ viết rằng hai vợ chồng không hợp nhau, bất đồng quan điểm và nếu kéo dài thời gian chung sống thì chỉ khiến hai người thêm mệt mỏi. Lá đơn chỉ có một chữ ký của anh. Nghĩa là người đàn bà chung sống với anh 25 năm không chấp nhận ký vào đơn. Phải đến khi ngồi vào bàn hòa giải, những uẩn ức của người đàn ông này mới được vén lên. Từng ngồi ghế hòa giải cho nhiều cặp ly hôn, nhưng chưa bao giờ thẩm phán Quang lại thấy bất ngờ và buồn bã đến thế.

 

…Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ ở Cộng hòa dân chủ Đức chuyên ngành Chế tạo máy, anh về nước và được nhận ngay vào một công ty lớn xuất nhập khẩu máy móc xây dựng. Tuổi trẻ với lòng nhiệt huyết và khát khao cống hiến khiến anh lúc nào cũng vùi đầu vào công việc. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần ba mươi. Đàn ông mải lo sự nghiệp mà quên chuyện gia đình âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng ở quê, bố mẹ anh thường xuyên thúc giục khiến anh bắt đầu sốt ruột. Anh là cả, dưới có 4 cô em gái nên việc anh kết hôn và sinh cho dòng họ đứa cháu trai nối dõi tông đường là một việc vô cùng hệ trọng.

Thật ra, những năm tháng du học, anh đã từng trải qua vài mối tình, nhưng không hiểu sao những cuộc tình ấy không thể tiến tới hôn nhân. Người mê tín bảo chưa tới số, còn anh, anh tự an ủi mình rằng, có thể mình còn khiếm khuyết nên không thể chinh phục trọn vẹn trái tim người đẹp. Nhưng anh tin rằng, trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, chắc chắn anh sẽ gặp được một cô gái ưng ý để làm vợ.

Người con gái ấy là chị, bằng tuổi và làm cùng công ty anh. Chị không phải là một bông hoa rực rỡ hương sắc nhưng lại được đồng nghiệp đánh giá cao bởi sự thông minh, quyết đoán, năng động. Có vẻ như những phẩm chất ấy khiến chị trở nên lạnh lùng, ít giao tiếp với các chàng trai cùng lứa. Không giống anh, chị là con gái út của một vị cán bộ cao cấp nên từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, chị đã được sống trong một môi trường giáo dục hoàn hảo. Chính điều này càng tạo ra khoảng cách giữa chị với mọi người. Cánh đàn ông trong công ty ngại tiếp xúc với chị một phần vì họ không muốn trở thành kẻ thất bại nếu chị lấy tiêu chí hàng đầu là năng lực để xét họ.

Công đoàn, chi đoàn có ý gán ghép anh với chị. Anh không phản đối. Chị thấy anh cũng sáng sủa. Thế rồi hai bên qua lại, 5 tháng sau họ làm lễ cưới. Từ khi lập gia đình, chị mềm hơn một chút, nghĩa là nói cười nhiều hơn. Nhưng người trong cơ quan vẫn cảm thấy một điều gì đó bất ổn từ cuộc hôn nhân này, rằng chị luôn giành quyền chủ động trong mọi chuyện và anh chỉ còn cách phục tùng. Tính khí chị càng trở nên khó hiểu hơn khi lấy nhau đã hai năm mà chị chưa có tin vui. Qua nhiều lần xét nghiệm ở trong và ngoài nước, các bác sĩ đều kết luận chị không thể có con. Không còn lựa chọn nào khác, một người bạn chị làm bác sĩ trong Bệnh viện Phụ sản đã giúp chị xin một bé gái bị bỏ rơi làm con nuôi. Năm nay cháu đã 19 tuổi, là sinh viên một trường đại học danh tiếng.

Cả hai đều chán cảnh công chức Nhà nước nên quyết định nghỉ việc. Rất nhanh, hai vợ chồng mở công ty kinh doanh các loại máy phát điện. Phải thừa nhận rằng sự quyết đoán, sắc sảo của chị đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Sau gần 10 năm hoạt động, anh chị đã mua được một biệt thự ở trung tâm thành phố và nhiều mảnh đất khác ở các huyện ngoại thành. Hầu hết tài sản trong nhà đều do chị quản lý. Nhưng anh cũng là một người khôn ngoan khi bí mật góp cổ phần vào 2 công ty bán hàng điện máy. Bởi chính anh cũng linh cảm một điều, rằng cuộc hôn nhân của anh tưởng êm đẹp song vẫn không ít chông chênh.

2. Dù đã có con nuôi, cô bé càng lớn càng xinh đẹp và học giỏi nhưng mỗi lần về quê, anh vẫn bị họ hàng chê trách là không có tí ngẩu để duy trì nòi giống. Theo quan điểm của các cụ, việc anh không có con trai còn là nỗi nhục với cả dòng họ. Thậm chí họ còn "vẽ đường" cho anh, rằng thuê người đẻ hoặc tình tang với một cô gái trẻ nào đó, sau khi cô khai hoa nở nhụy thì cho cô cục tiền và chấm dứt mọi quan hệ để không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tất nhiên, điều này họ chỉ nói riêng với anh bởi với họ nội, chị luôn được nhiều người quý mến, nể trọng vì chị thuộc loại người tháo vát và sẵn sàng chi nhiều khoản lớn cho những việc hiếu hỷ của họ tộc.

Cô gái trẻ lọt vào tầm ngắm của anh là chủ một cửa hàng thời trang dành cho nam giới, kém anh 20 tuổi. Cha mẹ đều ở quê, chỉ có cô và người em gái song sinh lập nghiệp ở Hà Nội, nhưng cô em không thích kinh doanh mà làm việc cho một công ty nước ngoài. Là khách hàng quen thuộc nên giữa cô và anh nảy sinh tình cảm cũng là lẽ bình thường. Tuy nhiên, cô thuộc loại phụ nữ hiện đại, nghĩa là yêu mà không cần đưa ra điều kiện ràng buộc gì. Rồi cô có thai. Cả anh và cô đều mừng rỡ trước tin này.

Vốn là người phụ nữ nhạy cảm, chị thuê thám tử theo dõi và biết hết những bí mật của chồng. Dẫu chị biết ngọn lửa tình anh dành cho chị từ lâu đã nguội lạnh, song khi biết chính xác anh quan hệ với một cô gái trẻ trung, xinh đẹp hơn mình và cô đang có thai thì máu trong người chị sôi lên. Những cuộc cãi vã nổ ra, chị cấm anh không được quan hệ tiếp với cô ta, mặt khác, chị cũng thực hiện mọi biện pháp nhằm "phong tỏa" tài chính với anh.

Đỉnh điểm của sự trả thù này là việc chị thuê hai phụ nữ đón đường đánh cô gái kia. Một trận đòn hết sức dã man trút lên người cô gái trẻ, kinh khủng nhất là những cú thúc đầu gối vào bụng khiến cô quằn quại trên mặt đất. Sau trận đòn đó, cô gái phải điều trị hàng tháng trời. Trong cái rủi có cái may. Vụ đánh ghen bẩn thỉu đó đã đánh nhầm người, nghĩa là đánh cô em gái song sinh giống cô chị như hai giọt nước. Nếu không, cái thai trong bụng cô chị chắc chắn không thể giữ nổi.

Anh choáng váng khi biết vợ là kẻ chủ mưu trong vụ này. Không một phút đắn đo, anh làm đơn ly hôn dù chị không ký vào đơn. Về tài sản, anh yêu cầu chia một nửa giá trị tài sản của hai người gồm tòa biệt thự đang ở trị giá 120 tỷ đồng, 5 mảnh đất ở ngoại thành, cổ phiếu, số vàng tích trữ, hàng hóa, động sản… tổng cộng khoảng 165 tỷ đồng. Chị không chấp nhận điều này mà chỉ đồng ý cho ảnh được hưởng 35% giá trị tòa biệt thự. Anh cười chua xót bước ra khỏi tòa nhà và đến sống cùng cô gái kia.

3. Đợi cho tôi đọc đến trang cuối cùng của hồ sơ vụ ly hôn, thẩm phán Quang mới nói, giọng chậm rãi: Thú thật, tôi chưa từng thấy một phụ nữ nào hiếu thắng và bảo thủ đến thế. Chị ta luôn cho rằng mình đúng và muốn người khác phải phục tùng. Chuyện đàn ông "gửi" con ở ngoài không phải là hiếm, khi áp lực phải có con trai luôn đè nặng cuộc sống của họ. Tuy nhiên, bản chất của người phụ nữ là vị tha và nhân hậu. Họ sẵn sàng tha thứ cho chồng bởi họ không muốn hôn nhân đổ vỡ và cái mất bao giờ cũng lớn hơn cái nhận được. Người vợ trong câu chuyện này đã không làm như thế. Chị ta đẩy người chồng đến vực thẳm của sự lựa chọn và tất nhiên, sự thua thiệt của chị cũng lớn hơn.

Còn người đàn ông, nhân vật chính trong câu chuyện này giờ đã là cha ruột của một bé trai bụ bẫm.

Anh tâm sự với tôi rất thật sau khi vừa trải qua bão tố: Trong cuộc chia tay này, tôi là người có lỗi. Tôi không hề muốn kết cục này, nhưng chính cô ấy đã buộc tôi phải làm như vậy. Hình như những phụ nữ không sinh nở, họ thường lạnh lùng, vô cảm hơn? Khi cô ấy thuê người đánh ghen hết sức dã man, cuộc hôn nhân trong tôi coi như đã chết lần thứ nhất. Còn khi cô ấy muốn vơ vét hết tài sản dù tôi đóng góp nhiều công sức tạo ra nó, cuộc hôn nhân chết lần thứ hai. Tôi thanh thản với lựa chọn của mình bởi thoát ra khỏi ngôi nhà địa ngục, đó cũng là sự may mắn của số phận.  

Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, nên độ lượng tha thứ

Từng tham gia bảo vệ một số vụ người cao tuổi ly hôn, trong tôi bao giờ cũng có cảm giác xót xa. Nhiều cặp vợ chồng chấp nhận ly thân bởi họ không muốn làm xấu mặt con cái, người thân. Phải mâu thuẫn gay gắt lắm, họ mới quyết định đưa nhau ra tòa.

Theo tôi, ba nguyên nhân chính dẫn tới ly hôn là: mâu thuẫn về quan điểm, lối sống; một trong hai bên hoặc cả hai ngoại tình và những xung  đột về kinh tế. Tỷ lệ ly hôn với những người có tuổi từ 50 trở lên theo điều tra của TANDTC cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Về quan điểm "gia đình nhất thiết phải có con trai" vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít người, kể cả người giàu và người nghèo. Lý do đơn giản là để có người nối dõi tông đường, một số ít người cho rằng để có người nương tựa lúc tuổi già. Tôi cho rằng, đây cũng là một nguyện vọng chính đáng của đàn ông. Tuy nhiên, nếu người chồng muốn "gửi con" ở ngoài, cả hai vợ chồng cùng trao đổi, bàn bạc thống nhất trước thì tốt hơn.

Còn trong trường hợp có con riêng rồi vợ mới biết, tôi nghĩ, người vợ nên độ lượng tha thứ. Gìn giữ hạnh phúc bao năm dày công vun đắp, đó mới là điều khó nhất. Còn muốn ly hôn, chuyện đó rất đơn giản, nhưng cuối cùng người phụ nữ bao giờ cũng bị thiệt thòi hơn.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga
Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

 

 

CSTC
.