Bây giờ, ba mẹ con chị chỉ biết sống nhờ vào sự cưu mang giúp đỡ từng bữa cơm miếng cháo của họ hàng, bà con lối xóm. Đó là hoàn cảnh khốn khổ của chị Từ Thị Vân ở xóm 6, Khe Lau, Nam Kim, Nam Đàn.
Dưới sự dẫn đường của ông Minh (một họ hàng của chị Vân) chúng tôi phải vượt qua con đường đất lởm chởm sỏi đá, đầy ổ gà, ổ trâu và ngoằn ngoèo như sợi dây thừng mới đến được nhà của chị Vân. Nhìn từ xa, căn nhà cấp bốn trông xiêu vẹo, ọp ẹp như đang run rẩy và chực đổ ngã trong cơn mưa nặng hạt trái mùa.
Trong căn nhà trống tênh, không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi được xã ủng hộ để xem tin tức, thời sự. Chủ nhân ngôi nhà là một phụ nữ gầy gò, mỗi lần có cơn gió thổi qua là chị lại run lên như chực muốn ngã. Giọng nghẹn ngào, chị Vân kể lại cuộc đời đầy khổ cực của mình.
Thời trẻ chị cũng là một người có nhan sắc, khá nhiều đám trai làng đến tán tỉnh nhưng lần lữa mãi mà không nên duyên. Đến 38 tuổi chị mới lập gia đình. Người mà chị lấy làm chồng là anh bệnh binh Đặng Thế Thạch ở xã bên cạnh. Trước khi cưới chị, anh đã qua một đời vợ.
Người vợ đầu, sau khi sinh cho anh một đứa con trai kháu khỉnh đã không may qua đời. Anh đến với chị như muốn tìm cho đứa con một tổ ấm, một người chăm sóc, dạy dỗ để con đỡ cực.
Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng gia đình chị luôn đầm ấm và hạnh phúc. Chị luôn yêu thương và chăm lo cho con chồng như con ruột. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chẳng tày gang thì tai họa ập đến. Mới sinh đứa con đầu lòng được vài tháng thì chồng chị bị bệnh ốm nặng và đột ngột qua đời, bỏ lại cho chị hai đứa con nhỏ dại, khiến cho nỗi lo cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên đôi vai vốn đã cong oằn vì những lo toan cuộc sống của chị.
Ba mẹ con chị Vân trước ngôi nhà trống hoác
Để nuôi các con, chị đã phải làm đủ thứ việc, lúc nào cũng quần quật mà không hề biết ngừng nghỉ. Vì quá lao lực khiến cho sức khỏe chị ngày càng yếu đi, bệnh tật lại triền miên không dứt. Hết bệnh này đến tật kia cứ bám riết lấy chị, lúc thì bị u bướu, lúc thì suy nhược, ho hen, xương khớp, chân tay phù nề, không nhấc lên nổi.
Chị đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ Nam Đàn, TP Vinh cho đến Hà Nội mà vẫn không hết bệnh. Các bác sĩ trong bệnh viện quen mặt và cảm thương cho số phận của chị đến nỗi cũng chỉ lấy một nửa tiền khám và điều trị. Mỗi lần chị đi viện là mất từ 3 - 5 triệu đồng.
Nhà đã không có nguồn thu nhập gì, lại thêm gánh nặng chi phí cho chị đi bệnh viện khiến gia đình càng thêm khánh kiệt. Bệnh tật dày vò, hành hạ khiến cho chị trông hốc hác gầy gò nhìn già hơn rất nhiều so với cái tuổi 50 của mình.
“Nhiều lúc yếu quá, đi vào nhà phải nhờ hai đứa con dìu đi chứ tui lết đi không nổi. Biết là trong người mắc nhiều bệnh nhưng tui cũng không dám đi khám nữa. Một phần vì quá nhiều bệnh khám xong chữa cũng không hết, phần vì nhà không còn gì có thể bán ra tiền cả”, chị Vân nghẹn ngào.
Sau nhiều cơn bạo bệnh thì chị kiệt sức hẳn, không còn làm được việc gì. Hai đứa con còn nhỏ dại, nên gia đình chị bây giờ chỉ sống nhờ vào sự cưu mang giúp đỡ của họ hàng nội, ngoại và bà con lối xóm.
Người cho củ khoai, củ sắn, đến mùa thu hoạch ai thương thì cho cân thóc, cân lạc để cứu đói phần nào. Họ hàng, anh em giúp đỡ nhiều nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể” khi chi phí đi viện của chị mỗi ngày một tăng. Có lần các bác, các chú góp tiền mua cho chị con bò để hai đứa con chăn dắt thì vài ngày hôm sau lại phải bán để lấy tiền lo cho chị đi bệnh viện.
Mặc dù là hộ nghèo nhưng hai đứa con của chị là Đặng Thế Hoàng (12 tuổi) đang học lớp sáu (là con vợ trước), đứa con gái thứ hai là Đặng Thị Yến (11 tuổi) đang học lớp 5 không được miễn tiền học phí. Hằng ngày, ngoài buổi đi học hai đứa phải thường xuyên đi mò cua, bắt ốc để bán kiếm tiền mua gạo.
Căn nhà của chị xây đã lâu, mái ngói cũng bị mục nát và thủng lỗ chỗ, mỗi lần trời mưa là chị với các con lại phải lấy xô, chậu hứng khắp nhà. Trong đợt xét duyệt mới đây, xã Nam Kim đã hỗ trợ cho chị 10 triệu đồng để xây nhà. Nhưng với số tiền đó thì chỉ đủ để thay lại mái ngói, sửa lại những chỗ dột và trả tiền công cho thợ. Tuy vậy, nó cũng làm vơi đi bớt nỗi lo khi ba mẹ con có chỗ trú yên ổn trước mùa mưa bão sắp tới.
Lúc ra về, chị cứ nắm lấy tay tôi, giọng run run mà nói như khẩn cầu: “Tui bây giờ ốm yếu, không biết sống chết lúc mô. Tui xem tivi thấy có chương trình “Lục lạc Vàng” là có thể giúp gia đình tui đỡ nghèo khổ. Mong sao được các cấp chính quyền quan tâm, giới thiệu cho gia đình tui được tham gia chương trình này, để hỗ trợ bò cho hai con chăn dắt, tui có chết cũng vơi bớt nỗi lo cho chúng nó”. Đó có lẽ cũng là lời nguyện cầu cuối cùng của một người mẹ.
Bạch Long
.