Thành phố Vinh có 10.395 đối tượng là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên và 2 đơn vị làm công tác chăm sóc thương binh đóng trên địa bàn.
Ngoài ra, có trên 30.000 người là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ, nhân dân có công trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Có trên 1.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam để lại di chứng nặng nề không những cho bản thân mà cả đến thế hệ con cháu của họ.
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, thành phố Vinh luôn coi trọng công tác thương binh liệt sỹ, người có công với cách mạng vì đây là lĩnh vực công tác mang tính xã hội nhân văn cao thể hiện tình cảm sâu sắc. Với nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ quan trọng này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng đẩy mạnh công tác chăm lo đến các đối tượng người có công, giúp đỡ họ ngày càng được cải thiện về vật chất và tinh thần, tiếp tục tham gia các hoạt động hữu ích cho xã hội.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng được thành phố đặc biệt quan tâm. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công kịp thời, chi trả đúng người, đúng, đủ chế độ cho người có công.
Hiện nay, toàn thành phố có 10.395 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ có 8.703 người, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học có gần 1.000 người; số tiền trợ cấp ưu đãi hàng năm trên 120 tỷ đồng.
Bên cạnh chế độ, chính sách của Nhà nước, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc người có công với cách mạng không ngừng được đẩy mạnh. Từ năm 2007 đến nay, toàn thành phố đã vận động được 4,6 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” (vượt kế hoạch đề ra); đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 173 nhà cho người có công với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng; tu bổ, xây mới nhà bia, đài tưởng niệm với số tiền 1.727.000 đồng; tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng từ ngân sách; tặng 733 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 212 triệu đồng, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho người có công 157 triệu đồng...
Phong trào phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Từ năm 2004, 8 bà mẹ trên địa bàn thành phố đã được các cơ quan phụng dưỡng suốt đời. Các đơn vị đỡ đầu đều làm tốt trách nhiệm của mình, số tiền trợ cấp hàng năm cho các mẹ trong 15 năm là 166 triệu đồng, thăm hỏi khi ốm đau, tặng quà các mẹ nhân dịp lễ, Tết, ngày 27/7…
Ngoài các đơn vị nhận đỡ đầu, phụng dưỡng, các bà mẹ còn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ban, ngành thành phố thăm hỏi, hỗ trợ lúc ốm đau và các ngày lễ, Tết, ngày 27/7… hàng năm.
Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách không chỉ dừng lại ở hỗ trợ sửa chữa nhà, thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm... mà còn được tập trung hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, giới thiệu việc làm và nhận con em gia đình chính sách vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từng bước nâng cao mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân trên địa bàn.
Thành phố cũng có chủ trương ưu tiên cho con em gia đình chính sách khi thi tuyển công chức. Với những nỗ lực đó cùng với nghị lực “Thương binh tàn nhưng không phế” nhiều đối tượng thương binh đã phát huy bản chất truyền thống bộ đội cụ Hồ vượt khó, tạo dựng cuộc sống ấm no cho gia đình mình và đóng góp cho xã hội.
Điển hình như ông Đặng Sỹ Ngọc - TB 1/4 ở phường Hưng Dũng đã vượt qua thương tật nuôi 3 con ăn học thành đạt bằng nghề xe lai; ông Trần Văn Bình - TB 1/4 làm kinh tế từ kinh doanh sành sứ, mỗi năm thu hút 25 lao động; ông Bùi Xuân Giáp - TB 2/4 ở phường Đông Vĩnh làm kinh tế trang trại mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; ông Nguyễn Viết Phượng - TB 4/4 ở phường Hưng Dũng kinh doanh hàng may mặc sẵn, thu hút 50 lao động và còn nhiều tấm gương thương, bệnh binh tiêu biểu đang ngày càng khẳng định mình không chỉ trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc mà cả trong xây dựng phát triển đất nước.
Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2012), thành phố Vinh đã ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, tỉnh thiết thực kỷ niệm ngày lễ này. Tính đến nay, đã vận động được trên 500 triệu đồng quỹ tình nghĩa và vận động quỹ Thiện tâm hỗ trợ xây mới 20 ngôi nhà cho đối tượng chính sách với tổng kinh phí 1 tỷ đồng, trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 15 đối tượng chính sách với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Ngoài mức tặng của TW và tỉnh, thành phố dự kiến trích từ ngân sách khoảng 1 tỷ đồng tặng quà cho đối tượng chính sách, tổ chức các đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm và tặng quà cho một số đối tượng người có công tiêu biểu và các đơn vị làm công tác chăm sóc thương binh trên địa bàn.
Có thể nói rằng, trong những năm qua, thành phố Vinh là một trong những đơn vị được ghi nhận đạt kết quả tốt trong công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công. Đạt được kết quả đó, không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền mà còn của đông đảo quần chúng nhân dân và cả bản thân đối tượng người có công nhằm đặt mục tiêu nâng cao mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân trên địa bàn. Kết quả đạt được sẽ tạo tiền đề cho sự mở rộng và phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm tới.
Hồ Thị Lan Anh
.