Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21362-chuyen-hien-dat-cua-dong-bao-noi-ron-lu-yen-tinh-396405/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21362-chuyen-hien-dat-cua-dong-bao-noi-ron-lu-yen-tinh-396405/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện hiến đất của đồng bào nơi rốn lũ Yên Tĩnh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 05/07/2012, 18:00 [GMT+7]
21362

Chuyện hiến đất của đồng bào nơi rốn lũ Yên Tĩnh

Cán bộ đi đầu
 
Ai đã từng đến xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương những năm trước mới cảm nhận rõ sự đổi thay của mảnh đất này. Con đường vào xã đất lầy lội, nhất là vào mùa mưa lũ, phải đi bộ mới đến xã, giờ đây đã thay thế bằng đường nhựa. Cuộc sống của đồng bào nơi đây từng bước đổi thay. Đặc biệt là phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông, trường học đã tạo luồng sinh khí mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã vùng sâu nơi rốn lũ này…
 
Nhắc đến chuyện hiến đất làm đường, người dân xã Yên Tĩnh nói riêng, huyện Tương Dương nói chung vẫn lấy gia đình anh Vi Vũ Quang làm điển hình học tập.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm công trình trường học mới đang được xây dựng trên mảnh đất của gia đình, anh Quang vui mừng cho biết: “Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, ngôi trường mới sẽ được mọc lên. Vậy là con em trong xã có trường để học. Đó là niềm vui lớn nhất rồi! Ở Yên Tĩnh chúng tôi khi mưa đến khổ lắm, đặc biệt là các cháu nhỏ, nước lũ cuốn trôi trường lớp, sách vở, bàn ghế”.
 
Khu đất của gia đình anh Vi Vũ Quang, bản Hạt, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương với diện tích hơn 4.300m2 có diện tích mặt bằng rộng lớn ở vị trí đắc địa. Trước kia vùng đất này là rừng keo, mét tươi tốt nhưng bây giờ nó được gia đình hiến đất cho Nhà nước xây trường học.
 
Trên công trình đang xây dựng, anh Vi Vũ Quang kể lại: Yên Tĩnh là địa bàn miền núi vùng sâu, địa hình ít đất. Địa điểm xây dựng trường học của xã hầu hết ở ven khe, suối, trong khi xã thường xuyên hứng chịu lũ ống, lũ quét, 4 trường học trên địa bàn xã đều luôn trong tình trạng nguy cơ bị lũ quét. Đợt lũ quét năm ngoái trường học ở bản Hạt bị sạt lở cô lập hoàn toàn. Địa điểm xây dựng trường mất đi không xây dựng lại được.
 
Đồng bào bản Cặp Chạng, Yên Tĩnh ra quân mở đường xây dựng NTM
 
Khắc phục hậu quả lũ lụt, tỉnh, huyện Tương Dương và xã tổ chức khảo sát chọn địa điểm mới để xây dựng trường học. Do quỹ đất quá hẹp, không địa điểm nào trong xã phù hợp xây dựng trường học an toàn, kiên cố.
 
Để tháo gỡ khó khăn này, anh bàn với vợ và thống nhất quyết định hiến tặng 4.300m2 vườn cây trồng mét, keo của gia đình sắp vào mùa thu hoạch. Đây là vùng đất có mặt bằng phẳng, là điều kiện tốt cho việc xây dựng trường học kiên cố, an toàn.
 
Quyết định táo bạo của vợ chồng anh khiến nhiều người phải suy nghĩ, vườn cây đang hứa hẹn cho thu nhập lớn bỗng chốc san ủi bằng phẳng, keo, mét chỉ dùng làm củi đến nay vẫn chưa dùng hết.
 
“Để lại rừng keo, mét có giá trị kinh tế cho gia đình nhưng hi sinh lợi ích riêng vì sự phát triển chung của cộng đồng. Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của con em đồng bào là việc nên làm cho tương lai” - Anh Quang tâm sự.
 
Với cương vị Chủ tịch UBND xã, anh trăn trở trước khó khăn, vất vả của con em đồng bào mình. Mình là cán bộ muốn dân tin, dân nghe và làm theo thì phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, làm gương cho dân.
 
Ông La Văn Hạnh ở bản Cặp Chạng tâm sự: “Việc gia đình anh Vi Vũ Quang và chị Vi Thị Nhung hiến đất xây dựng trường học là xuất phát từ tấm lòng thương con cháu trong bản, trong xã, vì vùng đất Yên Tĩnh này khi mùa mưa đến trường học ngập chìm trong lũ, ảnh hưởng đến việc học hành của con em. Vì vậy, khi có dự án xây dựng trường học tránh lũ, nhưng không có mặt bằng, gia đình hiến khu đồi keo, vườn mét cho Nhà nước. Hành động cao đẹp của gia đình anh là tấm gương để dân bản chúng tôi học tập”.
 
Sức lan tỏa…
 
Tin gia đình anh Vi Vũ Quang - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh hiến tặng 4.300m2 đất vườn cây keo, mét đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch đã tạo sức lan tỏa rộng lớn đối với đồng bào xã Yên Tĩnh nói chung, huyện Tương Dương nói riêng.
 
Chuyện hiến đất để xây các công trình dân sinh ở Yên Tĩnh không chỉ có gia đình anh chị mà còn nhiều hộ dân khác nữa, đơn cử như nhà anh Vi Văn Minh. Trước kia nhà anh ở giữa bản, nhưng lại nằm giữa tim của tuyến đường Yên Tĩnh - Hữu Khuông, không do dự gì anh đã động viên gia đình thực hiện việc giải phóng mặt bằng cho Nhà nước xây dựng đường. Dù diện tích đất là tương đối lớn, với trên 200m2, nhưng bằng tấm lòng chia sẻ vì huyết mạch giao thông của quê hương, anh đã không ngần ngại hiến đất. 
 
Riêng ở bản Cặp Chạng có trên 10 hộ, bản Hạt, xã Yên Tĩnh có 3 hộ, đồng bào nơi đây đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất và cây cối để xây dựng trường lớp cho con em, xây dựng đường giao thông cho bản làng. Đường điện cao thế từ bản Cặp Chạng lên bản Hạt trên 3km hoàn thành nhờ sự ủng hộ và tự nguyện hiến đất, hiến cây, hiến vườn của một số đồng bào trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hiến đất để xây dựng trường học, đường giao thông, để có được thành quả này phần lớn là sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn.
 
Sau khi tiếp nhận chủ trương về xây dựng NTM của cấp trên, xã chọn đơn vị tư vấn, xây dựng đề án quy hoạch được huyện phê duyệt từ tháng 11/2011. Đảng ủy ra Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM trên địa bàn đến tận Chi bộ, đảng viên.
 
Phối hợp giao trách nhiệm cho các cơ quan, đoàn thể phát huy vai trò của người có uy tín như già làng, trưởng bản phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến tận dân bản. UBND xã chọn bản Cặp Chạng làm điểm xây dựng NTM, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra 9/9 bản toàn xã.
 
Sau khi có những chương trình dự án xây dựng trường, đường, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động nhân dân, để cho bà con hiểu được tác dụng của các công trình dân sinh này đối với xã nhà. Từ đó nhân dân hiểu được và có nhiều hộ đã tự hiến đất để xây dựng.

Từ việc làm có ý nghĩa vô cùng thiết thực của một số hộ ở Yên Tĩnh, khi nhìn thấy ngôi trường mới cho con em đồng bào đang được xây dựng trên chính mảnh đất đảm bảo an toàn, tránh được nguy cơ lũ ống, lũ quét như trước đây là thành quả của tinh thần vì cộng đồng của đồng bào Yên Tĩnh. Nhất là học theo tấm gương sáng của Chủ tịch xã Vi Vũ Quang trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở xã vùng sâu Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.

Việc hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh như trường học, đường giao thông, nhà cộng đồng... không phải là chuyện mới đối với nhiều nơi, nhưng đối với địa phương có trên 80% là đồi núi, thiếu mặt bằng như Tương Dương thì việc đồng bào tự nguyện hiến đất ở Yên Tĩnh lại rất đáng quý và cần được biểu dương. 

Chia tay bà con xã Yên Tĩnh trở về xuôi, trong lòng tôi vẫn mường tượng ra những ngôi trường đã mọc lên và con đường mới cũng đã hoàn thành để đón lũ trẻ vào lớp trong tiếng cười vui. Thắp sáng ước mơ cho tương lai các em học sinh nơi vùng rốn lũ.

Thanh Lê
.