Chị Lê Thị Kim Tiến tâm sự, sau khi bị tạt axít, cuộc sống của chị không khác nào địa ngục trần gian. Đó là những ngày buồn chán và đau khổ nhất trong cuộc đời. Sống đấy mà như chết. Bản thân chị còn ghê sợ chính gương mặt của mình, thì chị hiểu những người xung quanh sẽ kinh hoàng thế nào mỗi khi nhìn thấy chị. Ngay con chị cũng không nhận ra mẹ. Mỗi lần chị đưa tay ra bế con, muốn ôm ấp con nhưng chúng khóc thét và bỏ chạy. Nhiều lần, chị lên tầng 3 định gieo mình tự tử, kết thúc chuỗi ngày đau khổ. Biết chị sẽ làm liều nên các anh chị em trong gia đình thay phiên canh giữ chị.
Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai dần khi chị tỉnh táo nhận ra rằng chị cần phải sống để nuôi hai đứa con. Mỗi lần nhắm mắt tưởng tượng ra cảnh hai đứa trẻ côi cút đeo tang trắng đứng bên bàn thờ mẹ, chị rùng mình và ứa nước mắt vì thương con. Trong thâm tâm chị lúc đó tự nhủ, dù thế nào đi nữa, chị vẫn phải sống vì các con. Số phận buộc chị như vậy. Có muốn thay đổi cũng không được.
Chị quay trở lại công việc kinh doanh tại cửa hàng rèm Công Anh với chiếc khăn luôn trùm kín mặt. Chị bảo thời gian đầu khi chưa phẫu thuật tạo hình lại gương mặt, nhiều cô thợ may bỏ việc vì khiếp đảm khi nhìn thấy bà chủ. Nhiều khách hàng biết hoàn cảnh thương cảm chị, nhưng cũng không ít khách lần đầu đến đặt hàng, gặp đúng lúc chị tháo khăn che mặt, vội vàng không nói không rằng chạy ra ngoài như bị ma đuổi, vừa chạy vừa ngoái nhìn lo sợ có bị chị đuổi theo không. Những lúc như vậy, chị đau đớn lắm, chỉ biết tấm tức khóc than cho số phận mình.
May mắn cho chị, khoảng nửa năm sau tai nạn thì có đoàn bác sĩ tạo hình của Mỹ sang Việt Nam mổ nhân đạo. Ca mổ tạo hình mũi và vá da cổ, kéo cơ mặt kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Chị bảo trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp, không có điều kiện ra nước ngoài phẫu thuật nên chỉ mổ trong nước và tranh thủ những đợt có chương trình mổ nhân đạo của bác sĩ nước ngoài. May ông trời thương chị, cho chị lộc làm ăn. Bà chủ xấu xí nhưng cửa hàng của chị lúc nào cũng đông khách. Tích cóp được ít tiền, chị lại đi phẫu thuật. Đến năm 2008, sau khi trải qua tổng cộng 47 lần phẫu thuật, chị có thể tự tin không cần che mạng.
Chị Kim Tiến với công việc chủ hiệu rèm Công Anh tại 194 Cầu Giấy, Hà Nội . |
Tuy vậy, những khi cô quạnh một mình trong đêm vắng, đưa tay lên sờ mặt, chị lặng lẽ khóc thầm. Những đêm cô đơn vằng vặc như mảnh trăng giữa trời, chị khao khát có một bờ vai để chị có thể dựa vào những lúc trái gió trở trời. Chị không nghĩ có người đàn ông nào sẽ đến với chị nữa, cũng không dám mơ sẽ có ai chấp nhận mình. Cuộc đời mình coi như từ đây khép lại. Coi như Tiến một thời đã chết rồi.
Nhưng tình yêu đã đến với chị như một phép màu. Năm 2003, tình cờ trong một lần họp mặt những người từng công tác tại Đoàn kịch Hải Dương, chị gặp anh, bố của cô con gái Yến Nhi kháu khỉnh bây giờ. Lần họp mặt ấy, anh mới dám thổ lộ tình cảm với chị. Lúc đó chị mới biết rằng người đàn ông ấy thầm yêu trộm nhớ chị từ ngày chị mới vào đoàn kịch. Chị đi lấy chồng, anh quyết định sống độc thân từ đó đến bây giờ. Sau này khi hai người lấy nhau, anh đưa ra một chiếc túi màu đỏ nói rằng lúc chị bỏ đoàn kịch theo người chồng đầu tiên, anh đã xé trộm vạt áo dài phục trang chị mặc trong một vở kịch, về khâu thành chiếc túi làm kỷ niệm. Anh tình nguyện xin được chăm sóc chị. Từ đó về sau, mỗi khi chị đi phẫu thuật, người anh trai ruột được nghỉ ngơi bởi bên cạnh chị đã có anh.
Chị vừa khóc, vừa đọc lại cho tôi nghe bài thơ anh viết cho chị bên giường bệnh, khi lần đầu tiên anh đưa chị đi phẫu thuật bàn tay co quắp bởi axít: "Lần đầu tiên đưa em vào viện bỏng/ Trong lòng anh phấp phỏng lo xa/ Nhìn em trên chiếc băng ca/ Chẳng cầm lòng được lệ nhòa ướt mi/ Đón về phòng vừa đi vừa khóc/ Khóc vì em nhan sắc hao mòn/ Nhìn em lòng dạ héo hon/ Da hồng môi thắm chẳng còn như xưa/ Trong lòng anh như mưa như gió/ Trách ai kia dạ chó mặt người/ Nhìn em thương lắm Tiến ơi/ Cho anh chia sẻ phận đời với em".
Được bạn bè, anh em động viên, anh chị đã tổ chức đám cưới. Cô dâu hôm đó che chiếc voan mỏng, nhận lời chúc phúc của mọi người. Chị bảo sau đó, mỗi lần đưa chị đi phẫu thuật, anh còn viết nhiều lắm. Nhờ những bài thơ động viên của anh, nỗi đau về thể xác và tinh thần với chị cũng vợi dần. Chị cảm thấy mạnh mẽ, nghị lực và tự tin hơn trong cuộc sống. Đến năm 2008, sau khi sinh cô con gái Yến Nhi, chị quyết định ngừng phẫu thuật. Chị bảo, một phần vì chị đã tìm được người yêu thương mình thật lòng, phần khác gây mê liên tục cũng ảnh hưởng, giảm sút trí nhớ.
Tìm lại hạnh phúc bên người yêu thương. |
Dẫu cuộc sống của chị đã trở lại "tám phần" so với trước đây, nhưng chị bảo hậu quả của axít vô cùng tàn nhẫn. Chị nhớ ngày mới biết nói, câu đầu tiên bé Yến Nhi hỏi là: "Mẹ bị sao vậy?". Nhìn đôi mắt ngây thơ của con, chị nghẹn lời, nước mắt cứ tuôn rơi. Con bé có thói quen sờ tai mẹ khi ngủ nên chị hay đặt con nằm ở bên tai lành lặn. Một lần vô tình con bé lại nằm ở phía bên kia. Sờ mãi không thấy tai mẹ đâu, con bé hốt hoảng nhổm dậy vạch tóc chị lên hỏi: "Tai của mẹ đâu rồi?" và khóc òa.
Năm 2006, con trai lớn Nguyễn Ngọc Linh thi Tiếng hát truyền hình TP HCM. Khi cháu đoạt giải nhì, phóng viên truyền hình đề nghị phỏng vấn chị, người mẹ đã sát cánh cậu con trai suốt hành trình từ Bắc vào Nam và chăm chút cho con trong những ngày đi thi. Chị bảo con đoạt giải, chị mừng rơi nước mắt, tự hào vô cùng. "Nhưng lúc đó không dám nhận là mẹ của con trai mình vì không muốn mọi người biết mẹ của cháu lại xấu xí như vậy". Mắt chị ngấn lệ khi nhắc lại kỷ niệm cũ.
Sau này đọc báo về những vụ án liên quan đến axít, chị bảo rất căm phẫn hành động trả thù, gây án bằng tạt axít bởi nó còn dã man hơn gấp trăm nghìn lần hành vi giết người. Những nạn nhân axít như chị đều nói rằng thà bị giết chết còn hơn là sống mà không bằng chết. Nhiều khi chị không dám hình dung lại những đau đớn phải chịu bởi những ca phẫu thuật cấy ghép da giống như hình phạt tùng xẻo thời Trung cổ. Khi những mảng da trên cơ thể mình bị bóc tách gây ra nỗi đau đớn kể cả thể xác và tinh thần. Nỗi đau triền miên nên giờ chị rất sợ bị bỏng, sợ lửa. Nỗi sợ ám ảnh đến cả cuộc sống hiện tại, chị không dám sử dụng bếp gas và luôn miệng nhắc các con cẩn thận không bỏng.
Chị bảo trước đây, chị chẳng dám gặp ai, cũng chẳng muốn tâm sự chuyện riêng tư của mình. Vì chị nói cuộc đời chị buồn lắm, buồn từ khi chị bước chân đi lấy chồng. Nhưng ông trời cũng không lấy hết của ai bao giờ. Những gì chị có được ngày hôm nay, là nỗ lực của chính bản thân chị đã tự vượt lên số phận nạn nhân của axít. Chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, chị muốn gửi tới những nạn nhân của tội ác axít rằng họ hãy sống, hãy cởi lòng mình, tự tin với chính bản thân mình. Và mong rằng trên cuộc đời này, tội ác từ axít cần phải được chấm dứt.
Chị bảo nhiều lúc muốn những kẻ gây ra tội ác này, cần phải có hình phạt cho vào vạc axít để chúng biết thế nào là nỗi đau của người khác. Là nói vậy thôi chứ nhìn thấy ai chảy máu, đau đớn là chị sợ.
… và hạnh phúc bên cô con gái út. |
Bước ra từ bóng tối
Chị Tiến nói rằng, điểm lại trong gia đình chị, tính cả con cháu có khoảng một nửa theo nghệ thuật với các bộ môn ca múa nhạc, kịch. Giờ đây, dù không theo nghệ thuật nhưng chị vẫn đau đáu niềm đam mê sân khấu thuở nào. Nhưng chị tự biết nghệ sĩ cần đến thanh sắc. Thì thôi, chị làm đẹp cho đời bằng nghề mành rèm vậy.
Chị tự hào kể nhiều vị khách khó tính, muốn có tấm rèm treo ở những vị trí cửa vòm uốn cầu kỳ, đã hoàn toàn hài lòng khi đặt hàng của chị và được chị tư vấn về mặt thẩm mỹ. Hơn 10 năm qua, từ một cửa hàng rèm Công Anh ở 194 Cầu Giấy, đến nay chị còn giúp anh em, con cháu trong nhà phát triển nghề làm rèm khắp Hà Nội với hơn chục cửa hàng lớn nhỏ ở khắp các quận nội thành. Từ nghề làm rèm này, chị đã mua được ngôi nhà xinh xắn. Tuy không rộng rãi nhưng nhà chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Ngày cuối tuần, các anh chị em tụ tập đông đủ, là nguồn động viên lớn nhất cho chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Chị kể hồi phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba, chị quen với một cô gái rất trẻ tên Tú. Hồi đó Tú mới 16 tuổi, đã bị người yêu trong một cơn cuồng ghen hắt axít vào mặt hủy hoại dung nhan. Hoàn cảnh của Tú cũng rất đáng thương. Mẹ nghe tin Tú bị nạn đã chết vì đau tim. Chỉ có mình bố chăm Tú. Cùng cảnh nên hai cô cháu hay nói chuyện với nhau. Tú hay lên phòng chị điều trị cùng ăn canh chua chồng chị nấu.
Bẵng đi hai năm, vô tình chị gặp lại Tú. Tú kể chuyện bố mới mất vì ung thư. Chỉ còn ông nội 85 tuổi và một người anh trai. Năm ngoái ông Tú mất nốt. Chị trở thành người thân của Tú, động viên Tú vượt lên hoàn cảnh và giúp đỡ kinh tế để Tú chữa trị. Sau này, chị mời Tú đến cửa hàng của mình làm việc. Nhiều khách hàng đến may rèm, thắc mắc tại sao cả chủ và thợ đều bị sẹo mặt. Chị cười bảo "hai mẹ con tôi bị tai nạn nổ bình gas".
Một lần, có ông khách là giám đốc một công ty lớn biết hoàn cảnh đã đồng ý nhận Tú vào làm việc, có chế độ ưu đãi. Dù không làm tại cửa hàng của chị nữa nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. "Tú mới lấy chồng cuối năm vừa rồi. Chồng của Tú làm ở một công ty tin học trên đường Láng. Hôm đám cưới, hai mẹ con chị đến dự, chú rể bảo, em phải tán Tú mãi mới đổ đấy". Rồi chị cười, gương mặt rạng rỡ như thể đấy chính là hạnh phúc của chị
Khi bài báo này chuẩn bị lên khuôn, chúng tôi nhận được điện thoại của Thiếu tướng, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia. Ông cho biết sau khi báo đăng bài về nạn nhân Lê Thị Kim Tiến, ông nhận ra chị Tiến là bệnh nhân của viện những ngày đầu bị tạt axít. Thiếu tướng Lê Năm đã liên hệ trực tiếp với chị Tiến để giúp chị phẫu thuật hoàn thiện gương mặt bằng công nghệ mới của Viện Bỏng Quốc gia. Thiếu tướng Lê Năm thông tin, hiện Viện Bỏng Quốc gia có thế hệ bác sĩ trẻ được tu nghiệp từ nước ngoài nên kỹ thuật cấy ghép da cho nạn nhân bị bỏng đã tiến bộ hơn trước. Hiện nay, viện áp dụng kỹ thuật dùng vạt siêu mỏng lớn để cấy ghép da, có thể thay thế một vùng sẹo rất rộng nên mang lại thẩm mỹ tối đa cho bệnh nhân. Kỹ thuật này sử dụng chính da của nạn nhân để cấy ghép (ghép tự thân) nên không phải sử dụng thuốc chống đào thải. Đây là thành công của Viện Bỏng Quốc gia và là 1 trong 10 thành công lớn của Y học Việt Nam đã được trao giải thưởng Nhà nước năm 2011. Sau khi biết thiện ý của Thiếu tướng Lê Năm, chị Lê Thị Kim Tiến rất vui. Chị cho biết dù đau đớn nhưng Viện bỏng vẫn là ngôi nhà thứ hai của chị. Một ngày gần đây, chị sẽ vào viện để tiến hành phẫu thuật hoàn thiện gương mặt. |