Kỳ I: Mất quá nhiều, được chẳng bao nhiêu
Tính đến tháng 4/2011, cả nước có tới 10.000/60.000 lao động Việt Nam ở Hàn Quốc bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp, riêng những tháng cuối năm 2011 có tới gần 4.000 lao động tiếp tục bỏ trốn, tập trung chủ yếu vào một số tỉnh trong đó có Nghệ An.
Lao động Nghệ An đang làm mất lòng tin ở đối tác Hàn Quốc và cả cơ quan chức năng Việt Nam. Hệ lụy của hành vi này là sự nguy hiểm với chính lao động bỏ trốn và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chương trình xuất khẩu lao động ở địa phương.
Trong 3 năm từ 2007 đến 2010, toàn tỉnh Nghệ An có 187 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc đã hết hạn cư trú nhưng bỏ trốn không chịu về nước, riêng năm 2011, trong số 144 lao động hết hạn có tới 93 lao động bỏ trốn. Theo nguồn tin từ các trung tâm môi giới xuất khẩu lao động thì trong năm 2012, cũng có tới hàng chục lao động hết hạn nhưng không chịu về. Cá biệt có những lao động mới đặt chân đến sân bay đã bỏ trốn vì có người thân tới đón.
Nhiều lao động đi xuất khẩu nhưng không chịu trở về. Ảnh minh họa
Sở dĩ lao động bỏ trốn vì để xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc rất khó, lao động phải bỏ trung bình 5.000 USD, thậm chí có trường hợp phải trả trên 10.000 USD mới có thể xuất cảnh, chưa kể chi phí để có được chứng chỉ tiếng. Chính vì vậy, một số lao động bỏ trốn ngay khi bước xuống sân bay để nhanh chóng kiếm tiền chi trả số tiền mình bỏ ra. Sau 3 năm lao động, đa số không muốn về nước mà cố gắng tìm cách ở lại để kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy với tâm lý bắt thì bị trục xuất là cùng.
Một nguyên nhân nữa để lao động không muốn về nước là việc thi chứng chỉ tiếng Hàn ngày càng khó khăn, cái khó là lao động Nghệ An chủ yếu có trình độ văn hóa không cao nên việc tiếp thu tiếng Hàn là rất khó, trong khi theo thang điểm trắc nghiệm của thi chứng chỉ tiếng Hàn là rất cao. Không thể có được chứng chỉ tiếng Hàn bằng con đường thi cử chân chính, lao động buộc phải chi cho cò hàng chục triệu đồng để có được chứng chỉ.
Thi chứng chỉ khó là thế nhưng sau khi về nước, lao động phải thi lại chứng chỉ và chứng chỉ chỉ có thời hạn một năm, nếu lao động có chứng chỉ không xuất khẩu sang Hàn được thì một năm sau phải thi lại chứng chỉ. Chính vì điều này nên lao động Nghệ An rất “ngán” với việc tìm kiếm chứng chỉ tiếng Hàn để có thể xuất ngoại.
Anh Hoàng Trọng Hóa quê ở Quỳnh Lưu từng xuất khẩu sang Hàn và hết hạn năm 2010 tâm sự: “Lương bên Hàn trung bình mỗi tháng được hơn 1.000 USD nên khi về nước tôi dự định nghỉ ngơi một năm rồi quay lại nhưng năm vừa rồi tôi thi chứng chỉ không đạt nên đành phải đợi tiếp năm sau. Sở dĩ tôi thi không đạt do mỗi năm cách thức thi lại khác nhau và đòi hỏi trình độ cao hơn nên rất khó”.
Hàng nghìn người chen chúc để đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2011
Anh Hóa cho biết thêm: “Cùng hết hạn với tôi có một số người khác nhưng họ trốn không về, họ không về do một số người bỏ trốn từ năm 2007 có nơi trốn tránh và làm việc tốt nên rủ ở lại làm việc cùng”.
Trong các điểm nóng về lao động bỏ trốn thì Cửa Lò được xem là tâm điểm, theo thống kê, thị xã Cửa Lò có 40 trường hợp bỏ trốn nhưng trong thực tế có thể nhiều hơn, vì mỗi năm Cửa Lò có tới 200 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong danh sách các lao động bỏ trốn do Sở Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp thì lao động bỏ trốn chủ yếu là người trẻ, tập trung vào các nhóm xã và huyện, thị.
Điều đó cho thấy việc bỏ trốn đã thành hệ thống và có sự sắp xếp từ trước. Việc lao động bỏ trốn gần như được gia đình ở nhà chấp nhận, người thân gần như không có động thái nào vận động, khuyên nhủ con cái mình về nước hay tu chí làm ăn theo đúng hợp đồng. Họ cảm thấy “yên tâm” khi con cái mình hàng tháng gửi tiền về nhà đều đều.
Ông Nguyễn Công K ở huyện Đô Lương có con bỏ trốn từ năm 2007 đến nay cho biết: “Lâu lâu mới thấy hắn gọi điện về, hắn nói từ khi bỏ trốn sống khổ lắm nhưng sợ không giám ra tự thú vì sợ phải nạp tiền phạt hoặc phải đi tù. Gia đình cũng lo nhưng biết mần răng được”.
Lao động Nghệ An liên tục bỏ trốn với số lượng đông đang là thực trạng buồn, thực trạng này sẽ ảnh hướng rất lớn đến chính bản thân người bỏ trốn và con em họ ở nhà, những người có nhu cầu xuất khẩu sang Hàn nhưng vẫn bị trở ngại vì “con sâu làm rầu nồi canh”.
Kỳ II: Hậu quả được báo trước
Ngọc Hùng - Bạch Long
.