Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/19118-hai-lan-chua-khat-van-khat-398294/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/19118-hai-lan-chua-khat-van-khat-398294/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hai lần chữa khát… vẫn khát - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 24/03/2012, 08:04 [GMT+7]
19118

Hai lần chữa khát… vẫn khát

Năm 2001, xã Yên Khê (Con Cuông - Nghệ An) được đầu tư công trình nước sinh hoạt gồm 16 bể chứa nước đặt tại các thôn bản Trung Yên, Khe Tín, Trung Thành, Trung Hương, Trung Chính (mỗi bể chừng 4m3) cùng các đường ống nhựa dẫn nước về các cụm dân cư để phục vụ nước sinh hoạt cho gần 3.000 nhân khẩu.
 
Công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng, chưa kịp thỏa mãn niềm mong mỏi bấy lâu của bà con trong xã thì đã phải bỏ không. Đến năm 2004, xã được cấp thêm gần 300 triệu để tu sửa và xây dựng thêm 4 bể chứa nước sạch nữa. Tuy nhiên, đến năm 2006 công trình tiếp tục bị hư hỏng dẫn đến bỏ hoang toàn bộ trong 4 năm liền.
 
Năm 2010, xã tiếp tục được cấp thêm vốn là 260 triệu đồng để sửa chữa đường ống dẫn nước đưa về các bể chứa, mới đưa vào sử dụng được ít tháng thì công trình lại tiếp tục bị hư hỏng hoàn toàn bể lọc nước đầu nguồn. Và kể từ đó đến nay, người dân phải tự đào giếng, xây bể nhỏ, đặt ống dẫn từ các khe để có nước sinh hoạt. Mùa khô đến toàn bộ giếng nước ở đây sẽ khô hết nước, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt.
 
20 bể nước ở 5 thôn bản của xã Yên Khê bỏ hoang vì không có nước sạch
 
Anh Vi Xuân Đậu - Chủ tịch UBND xã cho biết: Công trình nước sinh hoạt xã Yên Khê tổng mức trị giá cả khi xây dựng và 2 lần tu sửa lên đến 1,3 tỷ đồng, mới sử dụng được thời gian ngắn công trình đã không còn phát huy tác dụng, một phần do ống dẫn nước đầu nguồn thường bị hư hỏng, mặt khác do một bộ phận người dân thiếu ý thức đã đua nhau cắt, xén đường ống dẫn nước về nhà mình.
 
Đầu năm 2012 này, xã cũng đã trình lên cấp trên để tu sửa lại nhằm khắc phục tình trạng dân thiếu nước dùng trong mùa khô sắp tới. Xã cũng muốn đứng ra tu sửa nhưng theo tính toán kinh phí quá sức đối với chính quyền xã nên phải đợi cấp trên xem xét tạo điều kiện hỗ trợ tu sửa đường ống và bể lọc nước sạch hoạt động trở lại.
 
Đi thực tế công trình, chúng tôi thấy các bể chứa nước cỏ dại mọc um tùm, có thể khẳng định công trình trị giá cả tỷ đồng mà tuổi thọ chỉ được tính bằng… ngày. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài sự tắc trách trong khảo sát, thi công ở các công trình nước sinh hoạt dẫn tới chất lượng công trình không cao thì nguyên nhân khiến cho công trình nước sạch ở đây không phát huy hiệu quả phải kể đến sự bất cập trong công tác quản lý ở cơ sở.
 
Ý thức của người dân chưa cao, thậm chí còn quan niệm: công trình Nhà nước cho không nên mặc sức sử dụng tuỳ tiện. Thế nên mới có chuyện người dân tự ý đào khoét đường ống, gây hư hại công trình. Và đến khi công trình xuống cấp, hư hỏng rồi thì với tâm lý “cha chung không ai khóc”, chẳng hộ nào đoái hoài, chính quyền địa phương thì đành “bó tay” và trông chờ cấp trên rót kinh phí sửa chữa.
 
Công trình nước sạch tiền tỷ xây xong rồi bỏ phí, còn dân chỉ biết ngồi chờ trong mòn mỏi có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày, trong khi chính quyền địa phương khá “lúng túng” để khởi động lại 20 bể chứa và các đường ống dẫn nước này.
 
Người dân không biết đến bao giờ mới thôi cảnh nhọc nhằn gánh nước mùa khô. Nhằm tránh tình trạng công trình nước sinh hoạt “có mà như không”, rất cần được lãnh đạo các địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm khắc phục, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Trường Khuyên
.