Dự án nước sạch trên địa bàn xã Nghi Kim thi công vào năm 2007 trên cơ sở thống nhất Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến năm 2009, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án được đưa vào sử dụng với chiều dài trên 60 km đường ống. Hiện dự án đang cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất kinh doanh cho 15 xóm trong toàn xã với tổng số 1.490 khách hàng. Trung bình mỗi tháng, người dân toàn xã sử dụng từ 15.000 - 16.000m3.
Tuy nhiên, do giá nước tại đây quá cao (8.000 đồng/m3) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, đặc biệt là 11 xóm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Bà Vương Thị Linh, xóm 5 cho biết: “Lúc lắp đường ống chúng tôi cứ tưởng giá nước như các nơi khác, không ngờ giá lại cao như thế nên gia đình tôi đã bịt ống dẫn nước lại không dám dùng tiếp nữa. Với giá nước như hiện nay, gia đình nào có điều kiện mới dám “vung tay” thôi chứ nông dân nghèo như chúng tôi thì khó lắm”.
Không riêng gì gia đình bà Linh mà nhiều hộ dân khác tại đây đã tự động ngừng sử dụng nước sạch. Theo tìm hiểu của phóng viên, để tiết kiệm chi phí khi sử dụng nước sạch, hầu hết các hộ gia đình đều xây dựng bể tận dụng nguồn nước trời và chỉ dám dùng nguồn nước này vào việc ăn uống hàng ngày, còn tắm giặt và các nhu cầu khác đều phải dùng nguồn nước khoan.
Giá nước cao khiến người dân e dè trong sinh hoạt
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của người dân, vào mùa khô hạn, muốn tiết kiệm cũng rất khó bởi nguồn nước trời khan hiếm, nhu cầu về nước sạch lại cao nên người dân vẫn phải mua nước sạch do UBND xã cung cấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết: “Dự án nước sạch Nghi Kim do UBND xã làm chủ đầu tư, sau một năm cấp nước cho 11 xóm nông nghiệp thì khối lượng nước bị thất thoát quá lớn nên xã phải đẩy giá nước lên để bù lỗ. Nguyên nhân chính là do đường ống quá dài lại dàn trải trên địa bàn quá rộng nên không tránh khỏi bị rò rỉ. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong quá trình sử dụng nước còn hạn chế. Trong khi đó, cán bộ xã lại không chuyên trách trong quản lý hệ thống cấp nước nên rất khó hạn chế lượng nước bị thất thoát. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi tờ trình lên Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An đề nghị tiếp nhận hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Nghi Kim nhưng đến nay Công ty vẫn không chấp thuận”.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Để hạn chế lượng nước thất thoát và giảm dần giá nước cho người dân, sắp tới UBND xã sẽ tiến hành lắp đặt lại hệ thống đồng hồ tổng, sau đó bàn giao cho từng xóm quản lý. Theo đó, xóm nào làm tốt, giảm được lượng nước thất thoát sẽ được hưởng mức giá thấp hơn và ngược lại”.
Tuy nhiên, liệu cách làm đó có thực sự mang lại hiệu quả khi xã đang thiếu ngân sách đầu tư vào hệ thống? Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào một vài cán bộ xã không chuyên trách trong lĩnh vực này thì biết đến bao giờ người dân mới được sử dụng giá nước theo quy định?
Thiết nghĩ các cấp, các ngành có liên quan cần nhanh chóng tìm ra giải pháp nhằm hạn chế tối đa lượng nước thất thoát, đảm bảo nhu cầu nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.
Lan Thái
.