Đó là ngôi nhà của ông Lữ Trọng Bằng - người đàn ông có cùng lúc 2 người vợ gần 20 năm nay.
Bi kịch vợ "cả" đi tìm vợ "hai" cho chồng
Ông Lữ Trọng Bằng sinh ra và lớn lên ở bản Cướm, xã Diên Lãm (Quỳ Châu). Ông sinh năm 1958 trong gia đình mà bố của ông cũng có 2 người vợ sống cùng nhà, ông là con của người vợ cả.
Ở một vùng quê yên ả, xã Diên Lãm là địa bàn sinh sống chủ yếu của bà con dân tộc Thái từ bao đời nay. Chuyện vợ cả của ông Bằng đi tìm vợ hai cho chồng vì nỗi niềm nối dõi tông giống khiến vùng quê này luôn rôm rả với lời ra tiếng vào.
Ông Bằng lập gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ, năm 1976, khi ấy ông chưa tròn 18 tuổi. Đó là hệ quả của phong tục tập quán lạc hậu, quan niệm của con người thời đó và cũng vì ông là con trai duy nhất trong gia đình nên gánh nặng phải lập gia đình sớm để sinh con đẻ cái nối dõi tông đường là rất lớn.
Bố của ông Bằng khi đó phải lặn lội đến tận xã Nga My (huyện Tương Dương) để tìm vợ cho con và ông Bằng đã cưới bà Lương Thị Sâm (SN 1959) bằng một đám cưới linh đình theo phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái.
Sau khi cưới bà Sâm về, cuộc sống gia đình cứ thế trôi đi trong yên bình. Câu chuyện về gia đình ông Bằng sẽ không có gì để nói nếu như không có “biến cố” người vợ cả không sinh nổi lấy một đứa con trai.
“Năm 1978 vợ chồng tôi sinh cháu đầu, sau đó 2 năm sinh tiếp đứa thứ 2, ngặt nỗi cả 2 đều là con gái. Vợ chồng tôi cũng định sinh tiếp xem có con trai hay không nhưng tìm đủ mọi cách vẫn không thể có thêm con. Do sức ép từ dòng họ là phải có con trai nên vợ tôi đã khăn gói đi tìm vợ hai cho tôi dù tôi cũng thương vợ và không hề mong muốn điều đó chút nào” - Ông Bằng nhớ lại.
Bà Sâm (vợ cả ông Bằng) cho biết: “Trên ni có phong tục là nhà nào không có con trai thì sẽ không cho nhập họ, có việc gì cũng không được mời, không có quyền lợi gì trong dòng họ cả...Nghĩ thương cho chồng quá nên tôi quyết định đi tìm vợ hai cho chồng để phải sinh cho được con trai”.
Ông Bằng bên hai bà vợ
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng bà Sâm đã khăn gói đi khắp nơi để làm việc “không tưởng” là “hỏi vợ cho chồng” như đã bàn bạc. Lặn lội khắp nơi, cuối cùng may mắn bà đã tìm được bà Lô Thị Nguyệt (SN 1964). Sau khi nghe lời kể về tình cảnh của vợ chồng bà Sâm, ông Bằng thì có điều lạ là bà Nguyệt không chút ngần ngại đã đồng ý ngay.
Gia đình bà Nguyệt khi đó đã một mực ngăn cản nhưng "trời không chịu đất thì đất đành phải chịu trời", gia đình cũng đành chiều theo bởi bà Nguyệt đã quyết. Đám cưới được tổ chức năm 1996 cũng diễn ra theo đúng phong tục của người dân tộc Thái. Từ đó, ngôi nhà có thêm thành viên mới, ông Bằng có thêm một người vợ hai do vợ cả đích thân “đi hỏi” về.
Bao giờ mới hết “trọng nam khinh nữ”?
Từ khi ông Bằng cưới thêm “bà hai” về đã có không ít lời xì xào, bàn tán về việc này. Bỏ ngoài tai những chuyện không hay đó, gia đình 1 chồng 2 vợ của ông Bằng cứ thế trôi đi trong êm đềm và hạnh phúc đến đáng kinh ngạc.
Cuộc hôn nhân của ông Bằng với bà Nguyệt trôi qua được 1 năm thì niềm vui đầu tiên đã đến, đó là cháu Lữ Trọng Đạt (SN 1997) ra đời. Bé Đạt sinh ra trong niềm vui khôn tả của cả gia đình và người vui nhất có lẽ là bà Sâm.
Cuối cùng thì tâm nguyện của bà Sâm cũng đã đạt được, ước muốn có người con trai để “được nhập họ” cũng đã thành hiện thực. Bà Sâm không dấu nổi niềm vui tâm sự với vẻ đầy tự hào: “Hai đứa con gái lớn thì đã đi lấy chồng và có nhà riêng. Nay có thêm thằng cu Đạt nữa, nó năm nay chuẩn bị học lớp 9, tui thương nó lắm và luôn xem nó như con mà mình đứt ruột đẻ ra”.
Trong dáng vẻ hơi ngại ngùng, bà Nguyệt nói: “Cũng may mà tâm nguyện của “úy” Sâm (cách gọi thân mật người chị hoặc người mẹ của người dân tộc Thái) tui đã may mắn làm được nên giờ rất vui và hạnh phúc. Từ khi về lấy ông Bằng đến ngày hôm nay đã hơn 15 năm trời nhưng chưa hề có chuyện gì không vui xảy ra. Chị em tui luôn sống hòa thuận trong ngôi nhà hạnh phúc như các anh thấy đó”.
Và, điều chúng tôi vẫn mãi ám ảnh bởi câu chuyện tìm người kế tục như vợ chồng ông Bằng đã khiến nhiều người vừa mừng, vừa lo. Không biết, ở những địa phương vùng cao như Diên Lãm còn có nhiều cảnh ngộ như thế này không, nhưng câu chuyện “trọng nam khinh nữ” đã khiến không ít bi kịch gia đình đã xảy ra.
Và, đằng sau tập tục lạc hậu này nếu không nói là “tệ nạn” thì công tác tuyên truyền về bình đẳng giới ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng cần phải xem lại?!
Ngọc Thái
.