1. "Mẹ bé Lam (đã đổi tên) đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội", khi thấy tôi chăm chú nhìn cô bé chừng 7- 8 tháng tuổi, bác sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm chăm sóc Trẻ em mồ côi Suy dinh dưỡng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi nghe thông tin này. Tôi tin rằng, không chỉ có mình mà còn có nhiều người khác nữa cũng bày tỏ thái độ sửng sốt khi nghe điều này bởi ngay cái tên Trung tâm đã có chữ "mồ côi" rồi mà... Đúng là ở đời có nhiều chuyện cắc cớ, đến mức những đứa trẻ có mẹ hẳn hoi mà phải ở trại trẻ mồ côi.
Ngay từ lúc lọt lòng, bé Lam đã được đưa đến Trung tâm. Bé lớn lên từng ngày nhờ bàn tay của những người phụ nữ không phải là mẹ, là bà mình. Còn mẹ bé, sau khi giao con cho trại trẻ đã vội vã trở về nhà trọ và tìm mọi cách lấy lại vóc dáng. Cũng phải thôi, cô còn phải đến trường. Cô không thể để người khác phát hiện ra, mình mới sinh con. Cô cần có sự tươi tắn, gọn ghẽ để không bị những ánh mắt nghi ngại nhìn vào mình. Cô cần phải hoàn thành chương trình đại học, kiếm được công việc ổn định và có thu nhập. Còn số phận của bé Lam ư? Mẹ rất thương bé. Bà ngoại cũng rất thương bé.
Nhưng hai người phụ nữ - Một sinh ra bé - Một sinh ra mẹ bé giờ này chưa thể nói tiếng nói quyết định. Bé Lam đến nay vẫn là bí mật của họ. Chỉ có những người chăm bẵm bé ngay từ lúc lọt lòng đến giờ mới biết về mối liên hệ giữa mẹ và bé. Chỉ có họ mới biết rằng, mỗi tháng đôi lần mẹ bé đến bế con dăm phút. Cũng chính họ đã ngồi nghe câu chuyện về gia cảnh bên ngoại của bé và cảm thông với những giọt nước mắt chảy dài trên mặt bà ngoại. Bà sợ ông sốc nên không dám báo tin, họ có một đứa cháu ngoại. Lý do ư? Mẹ Lam là niềm tự hào của ông ngoại, là sự hãnh diện khi ông có con đậu đại học. Là cái lý do để không ai trong làng dám rủa ông đẻ toàn "vịt giời". Bởi "vịt giời" nhà ông đã khiến cho bố mẹ nở mặt, nở mày…
Cháu bé mới vài tuần tuổi "nhặt" được ở địa bàn phường Mai Dịch. |
Ở một góc độ nào đó, bé Lam đã rất may mắn. Mẹ bé Lam cũng là một người may mắn. Nói thế không có nghĩa, việc mẹ bé Lam trao nhầm trái tim mình cho kẻ họ Sở rồi mang trong mình một sinh linh bé nhỏ đã đem đến may mắn cho cô. May mắn mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là cô đã tìm được người tin cậy để chia sẻ và đã nhận được sự giúp đỡ đầy tình người. Người giang tay ra giúp cô nữ sinh bụng mang dạ chửa, mỗi tháng nhận hơn 1 triệu đồng trợ cấp từ gia đình chính là một người phụ nữ công tác trong ngành Giáo dục.
Là một phụ nữ trẻ, chị hiểu và cảm thông trước vấp váp của cô nữ sinh. Không thể truy tìm tác giả bào thai để "bắt đền" bởi dù có cố níu kéo trách nhiệm thì cái gã trai đã từng rót mật vào tai cô nữ sinh vẫn cứ cao chạy xa bay. Chị giúp đỡ vật chất để mẹ bé Lam có đủ sức khỏe để nuôi bào thai. Chị nỗ lực tìm chỗ dựa cho cả hai mẹ con. Việc đợi đến khi sinh ra rồi cho bé Lam đi rất dễ. Nhiều người hiếm muộn sẵn sàng nhận xin bé làm con nuôi, nhất là khi biết mẹ bé đang là sinh viên. Nhưng chị không làm như vậy. Chị muốn cho mẹ bé Lam một cơ hội - Cơ hội được nuôi con mình khi có đủ điều kiện. Thế ai sẽ là người nhận nuôi đứa bé từ lúc lọt lòng và đợi mẹ nó "đủ lông đủ cánh" đến xin lại con? Thật khó tìm được một người như vậy. Rồi cơ may đến với chị khi tìm thấy địa chỉ của Trung tâm.
Đến đây, nhìn thấy những đứa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi... được nuôi dưỡng trong điều kiện tương đối tốt, chị đặt vấn đề với bác sỹ Thủy. Không phải lần đầu gặp tình huống này nên bác sỹ đã hỏi han rất tận tình. Khi biết câu chuyện của cô nữ sinh nọ, bác sỹ đã không thể từ chối. Bác sỹ cũng là phụ nữ, bác sỹ cũng đang làm mẹ nên không thể thoái thác cơ hội tiếp tục làm mẹ của con mình với cô nữ sinh kia. Thế rồi sau khi sinh không lâu, bé Lam được nhận vào Trung tâm với đầy đủ thủ tục đối với trẻ bị bỏ rơi.
Mang danh là bị bỏ rơi nhưng bé Lam có mẹ. Bé không nằm trong danh sách những đứa trẻ bị bỏ rơi để những người hiếm muộn đến để xin làm con nuôi ở Trung tâm. Đây là sự khác biệt giữa những đứa bé có mẹ đang được nuôi dưỡng ở đây với những đứa bé không người thân thích khác. Những người làm công tác chăm sóc trẻ ở đây đều tin tưởng, một ngày nào đó bé sẽ được mẹ đón về. Họ có căn cứ để tin điều này bởi, đã có những đứa trẻ được mẹ đón về sau khi có thể tự trang trải cuộc sống. Và đây chính là trái ngọt của những người làm công tác bảo trợ.
Mẹ bé Lam may mắn đã nhận được sự giúp đỡ khi gặp cảnh cùng quẫn. Bé Lam cũng may mắn khi được gửi ở nơi mà mẹ có thể "đòi lại" khi có đủ điều kiện nuôi dưỡng. Cơ hội được sống với mẹ của bé chính là hạnh phúc ngoài tầm tay của những đứa bé bị mẹ bỏ rơi bên lề đường ngay từ khi chào đời.
Giấy khai sinh - Hành trang vào đời của các bé dù không cha mẹ, người thân thích. |
2. Hiện nay, bé Bình (đã đổi tên) đang sống cùng ông bà ngoại. Còn mẹ bé hàng tháng vẫn gửi tiền về để nuôi con. Việc đoàn viên cùng ông bà ngoại, mẹ của bé Bình là kết thúc có hậu đối với bé và cũng là chuyện đáng mừng đối với những người cán bộ của trại trẻ mồ côi. Sự ra đời của bé ngoài ý muốn của bố mẹ. Bố mẹ bé lúc đó là một cặp sinh viên. Bố là sinh viên đại học, mẹ là sinh viên cao đẳng. Họ có tình yêu thật đẹp. Rồi cái tình yêu đẹp ấy bỗng một ngày "có chuyện". Mẹ bé có thai. Cái thai ngày một lớn và không thể "giải quyết" được. Giấu bố mẹ ở quê, cặp sinh viên sống thử vẫn ngày ngày đến trường, tối về ôn bài. Thế rồi cũng sẽ đến ngày, đến tháng, cái thai phải chào đời.
Không thể một người trông con, một người đến lớp. Vậy, đứa con để đâu? Hay đưa về quê? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng cả cô lẫn cậu sinh viên đều thống nhất, phải giấu gia đình "sự cố" này. Cô còn phải tốt nghiệp cao đẳng, cậu còn phải tốt nghiệp đại học cơ mà. Cũng nhờ trọ học ở khu vực Mỹ Đình nên họ có nghe nói đến một nơi nuôi trẻ mồ côi. Họ bàn nhau, gửi tạm con vào trại trẻ. Bao giờ tốt nghiệp, làm đám cưới rồi đón con về ở cùng. Đúng là "nước cờ" hay, tiện cả đôi đường.
Trước ngày cô bạn gái sinh, cả hai đến gặp Giám đốc Trung tâm. Nghe họ trình bày, cảm nhận được trách nhiệm với đứa trẻ và tin vào lời hứa sẽ có một đám cưới của chàng trai, bác sỹ Thủy nhận lời. "Rất may chính quyền địa phương nơi bố mẹ Bình ở trọ xác nhận nên chúng tôi làm thủ tục nhận nuôi rất thuận lợi", bác sỹ Thủy cho biết. Những ngày đầu, cặp uyên ương rất chăm vào thăm con. Nhìn họ quấn quýt bên đứa bé, ai cũng tin rằng Bình là đứa trẻ may mắn. Bố mẹ nó đã tỉnh táo để gửi nó vào nơi có thể nhận lại được chứ không như ai đó, sinh con xong vứt bỏ luôn. Nó lại còn có cả bố, cả mẹ chứ.
Thế nhưng niềm hạnh phúc trùng phùng bên bố mẹ của bé Bình vào những ngày cuối tuần thưa dần. Chỉ còn mình mẹ đến. Mẹ nó nói dối các cô bác ở Trung tâm là bố nọ bận học, bận thi. Nhưng dăm bảy lần vẫn chỉ có mình mẹ nó đến thăm với nét mặt buồn so, ai nhìn vào cũng tin là có chuyện chẳng lành. Rồi bác sỹ Thủy ân cần hỏi han. Người mẹ trẻ òa khóc nức nở và bảo, "bạn ấy bỏ cháu rồi". Thế nhưng trong làn nước mắt, cô gái quả quyết, "cháu không bỏ con đâu".
Những đứa trẻ này đều có chung mẹ - Người mẹ xã hội. |
Đúng! Cô nữ sinh này đã không bỏ con. Cô vẫn đều đặn đến lớp và đến thăm con. Rồi cô cũng không giấu mẹ mình chuyện có bé Bình ở trên đời. Từ mẹ, bố cô cũng biết chuyện. Người bố thương con gái bao nhiêu thì thương cháu bấy nhiêu. Ông đòi lên thăm cháu. Thằng cháu lũn cũn chạy tới, chạy lui trong khoảng sân rộng làm ông ấm lòng. Ông cám ơn những người đã nuôi dưỡng cháu mình rồi làm thủ tục xin đón về. Cuộc đoàn viên của bé Bình với gia đình có nhiều nước mắt song chứa chan tình yêu thương. Thêm một cuộc hạnh ngộ tốt đẹp.
3. Ngày... tháng... năm 2011, bé Nguyễn Gia Như được tìm thấy bên vệ đường, gần làng trẻ Betla, thuộc địa bàn phường Mai Dịch. Trước đó bé Đinh Gia Như được những người đi tập thể dục buổi sáng tìm thấy ở khu vực này... Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn phường này trong vòng 1 tháng. Những người nhặt được chúng không hiểu sao rất thích cái tên Gia Như và đòi đặt cho chúng. Thế là hai đứa trẻ chẳng phải anh em ruột rà, họ hàng thân thích gì lại có chung tên gọi. Mà những đứa trẻ có "nguồn gốc" ở bên vệ đường nào đó tại phường Mai Dịch đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm không hiếm.
Chẳng ai xác định được mẹ những đứa bé này, chỉ biết rằng khi người ta phát hiện thì chúng chào đời chưa lâu. "Tài sản" đi kèm chỉ là những cái khăn quấn tạm trên người, miệng khóc gào đòi sữa... Dù các bé bị vứt bỏ trong những cảnh huống khác nhau nhưng không ít trường hợp khi được phát hiện đã có người đòi xin làm con nuôi... Có bé, còn được chính một chị rửa bát trong quán phở gần chỗ bé bị vứt bỏ nằng nặc xin được đưa về nuôi dù tiền lương "ô sin" của chị không quá 2 triệu/tháng....
Ai là bố, là mẹ những đứa trẻ bị vứt ra bên lề đường này? Thật khó xác định. Song có một điều chắc chắn rằng, đứa bé ấy sinh ra ngoài ý muốn. Ở một khu vực tập trung nhiều người lao động tự do, học sinh, sinh viên như phường Mai Dịch thì càng khó xác định, ai là mẹ đứa bé trừ khi chính người mẹ đó lên tiếng. "Trách là trách những người mẹ bỏ con ấy không chọn nơi an toàn hơn như bệnh viện, trung tâm y tế ... mà lại để bên lề đường", bác sỹ Thủy nói.
Vì lý do nào đó, người mẹ phải vứt bỏ đứa con của mình. Và không có lý nào để người ta thông cảm với hành động bỏ rơi con ruột. Nhưng ở đời lại không tránh được nghịch cảnh này. Biết là bất đắc dĩ nhưng những người mẹ nữ sinh khi gửi con vào trại trẻ mồ côi còn có cơ hội chuộc lỗi. Đó là khi "đủ lông, đủ cánh", họ sẽ nhận lại con, sẽ che chở cho nó như cách của muôn vạn các bà mẹ khác. Những đứa trẻ khi đó sẽ hết cảnh mồ côi.
Giá như bên cạnh các nữ sinh này có chỗ dựa vững chắc là bố mẹ, hẳn các em không phải gửi con vào trại trẻ mồ côi khi lỡ dại. Giá như các em đủ tỉnh táo để giữ mình trong các mối quan hệ. Giá như… thì chẳng có chuyện nữ sinh nào khi ngồi trên giảng đường mà lòng lại hướng về trại trẻ mồ côi.