Chị là người đặc biệt nhất trong hàng trăm phụ nữ nghị lực khác mà tôi đã gặp trong cuộc đời cầm bút của mình. Căn nhà nhỏ nhưng luôn hiện hữu một tình yêu ấm áp kỳ lạ nép mình khiêm nhường dưới chân núi Dũng Quyết của anh chị cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc của tôi mỗi khi lòng cần lắng lại.
Bao nhiêu năm rồi, vết tích của mối thâm thù ngày trước là những vết sẹo lồi lõm trên gương mặt chị, sự hủy hoại tàn phai của axít đối với cô con gái bé bỏng và cả sự ra đi vĩnh viễn của người chồng nguyên là cán bộ trong ngành công an luôn đeo bám. Nhưng chị không giống như những người đàn bà bi lụy khác, không nhẩn nha quá khứ mà biết đứng dậy, đón nhận hạnh phúc cho cuộc đời mình ngay khi nó vừa kịp đến.
Tôi tình cờ biết đến chị và cả câu chuyện gia đình nhiều đắng cay nhưng cũng lắm ngọt ngào trong lần tình cờ ra Hà Nội và cũng rất cơ duyên là được gặp chị Nguyễn Thị Kim Loan, nữ thẩm phán đa tài cũng là nạn nhân của sự trả thù bằng axít. Hồi còn điều trị tại bệnh viện, chị và nữ thẩm phán Kim Loan cùng chung phòng bệnh.
Chị Ngọc và người chồng cũ
Cuống quýt khắp thành Vinh, sau rốt tôi cũng tìm thấy chị, một người phụ nữ phúc hậu đang là tay hòm chìa khóa của gia đình nhỏ với người chồng đảm và hai đứa con thơ. Tôi không thuộc tuýp người kiên nhẫn, nhưng kỳ lạ là có thể ngồi lì hàng giờ để nghe chị nhẩm nha lại đời mình, có quá nhiều cay đắng, buồn tủi, đau thương, mất mát và cũng có thể là oan trái đã ào qua cuộc đời.
Nhưng rồi chị đã vượt qua, đã đứng lên và sống bởi tình yêu dũng cảm của một anh giáo làng dành cho chị và gia đình. Chị là nạn nhân của một vụ tạt axit, đòn thù nhằm vào chồng chị lúc đó đang là một chiến sỹ công an. Nhưng không chỉ mình anh lãnh hậu quả và vĩnh viễn ra đi, mà cả chị và đứa con gái lúc ấy mới 4 tuổi đầu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề đến suốt đời.
Đòn thù của axit lên gia đình một chiến sỹ công an
Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân vật chính của câu chuyện ngước đôi mắt hết nhìn sang những tấm ảnh chụp chung anh chị và cả gia đình trước đang rất hạnh phúc được treo ngay ngắn ở gian phòng khách, rồi lại nhìn sang cô con gái 22 tuổi ngúc ngoắc ngồi nhìn mưa bên cửa sổ. Chẳng biết nó khóc hay cười. Với chị, ký ức như một vết sẹo của tâm hồn, nó không lu mờ mà sân siu lại bởi thời gian, chiêm bao, nỗi ám ảnh. Ngày đó, đã lâu lắm rồi, chị 20 tuổi thì gặp anh, một người con của miền đất Quỳ Hợp mang hoài bão và khát vọng trở thành một chiến sỹ công an bảo vệ bình yên cho quê hương đất nước.
Chính điều đó đã đưa chị đi đến quyết định là gắn bó đời mình với anh. Ra trường, anh được phân công vào Nam công tác, chị đã theo anh để xây dựng tổ ấm. Vậy mà tổ ấm ấy đã khuyết anh vào một ngày trời Sài Gòn nắng của năm 1994. Hôm ấy, chị thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà rồi đưa con gái lớn tới trường. Sau đó trở về nhà, tiện đường đi làm, hai vợ chồng cùng đưa con gái nhỏ đi gửi trẻ. Đang đi, bỗng có người đi ngược chiều, ném cái bịch nước lên cả ba người. Chị có cảm giác bỏng rát cả người, anh loạng choạng tay lái rồi ngã vật xuống đường. Lúc này, chị kịp nhận ra, cả ba người bị tạt axit thì cũng là lúc ngất lịm.
Chị tỉnh dậy trong bệnh viện Chợ Rẫy, khắp thân thể đầy vết bỏng của axit, mặt và cổ chị da bị bóc hết. Câu đầu tiên chị thốt ra với bác sĩ là hỏi về tình trạng của chồng và con mình. Và rồi chị lại đờ đẫn khi hay tin, con gái vẫn tiếp tục được chữa trị, còn chồng vì quá nặng nên được đưa ra Hà Nội. Nhưng cũng chỉ đúng một tháng sau, mẹ con chị đau đớn nhận hung tin, anh đã ra đi ở tuổi 33.
Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi thì chị phải bầm dập đón nhận nỗi đau thứ hai, đó chính là việc cô con gái nhỏ bé của mình sẽ không bao giờ trở lại bình thường được. Cho đến tận bây giờ, dẫu nhiều thăng trầm, lắm biến cố nhưng mỗi khi nghe đâu đó có một vụ án mới được phá hay nhìn thấy một chiến sỹ công an trẻ, chị lại nhớ đến anh và sự vất vả trong nghề.
Những lúc như thế, chị lại giật mình kinh hãi khi nghĩ về sự trả thù ghê gớm của tội ác. Anh ra đi chỉ vì anh là một chiến sỹ công an điều tra giỏi, tận tâm với nghề và rất thanh liêm. Cũng bởi vậy mà từ những vụ án quá thành công, anh đã trở thành cái gai trong mắt kẻ xấu. Và chúng đã nhẫn tâm loại anh ra khỏi đời sống bằng thủ đoạn đê hèn và tàn ác nhất.
Chị, hai mươi hai tuổi lấy chồng, ngoài ba mươi tuổi trở thành góa bụa với hai đứa con thơ dại, một đứa không được như bình thường dù đó không phải là lỗi của chính mình. Nhìn con gái ngúc ngoắc bước đi, miệng lúc nào cũng cười mà chẳng hiểu người khác nói gì, có người mẹ nào không như xát muối vào tim. Đau lắm chứ.
Cuối cùng, chị quyết định rời Sài Gòn để về quê. Trở lại Vinh bắt đầu những tháng ngày một mình nuôi hai con thơ dại, song song với công việc ấy là kiếm tiền để phẫu thuật lại những vết thương do axit gây ra. Chị được phẫu thuật lành lặn một phần, nhưng đứa con bé bỏng thì vĩnh viễn mất cả đời người. Mỗi ngày, nó chỉ biết ngúc ngoắc cười trong vô thức. Chị nghẹn ngào, mà thôi, chuyện đã qua, kể ra làm chi nữa, chỉ thêm buồn lòng nhau.
Người đàn ông đến sau của mối tình axit
Chị Ngọc bất chợt ngước lên, chỉ bức ảnh gia đình treo trang trọng bên cạnh những tấm ảnh kỷ niệm của gia đình ngày xưa, mỉm cười nói “Đây là anh Vinh, chồng mới của chị, chị và anh kết hôn năm 2004. Cũng phải ngót 10 năm, sau tất thảy những bầm dập của số phận, chị mới gạt bỏ được hết quá khứ để đón nhận một tình cảm mới”.
Anh Vinh là bạn học của chị từ hồi đại học. Lúc đó, anh đã có tình cảm với chị nhưng chị lại trao cả trái tim cho người đàn ông khác và ra trường, đi theo tiếng gọi tình yêu và họ lạc nhau từ đấy. Chị theo chồng vào Sài Gòn, còn anh Vinh vào Quảng Ngãi lập nghiệp và lấy vợ, sinh con đẻ cái, coi như an phận thủ thường.
Thế nhưng, trớ trêu hơn cả là trò đùa nhẫn tâm của số phận khi mà vào năm 2000, vợ anh Vinh bị tai nạn qua đời. Anh đã không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Năm 2003, anh đưa con gái ra Vinh thăm gia đình, tình cờ hai người gặp lại nhau.
Bẵng hơn 20 năm xa cách, dẫu sự oan nghiệt của axit đã lấy đi của chị từ vẻ đẹp của nét mặt cho đến tinh thần sau nhiều năm nhưng anh vẫn nhận ra vẻ nhân hậu trong đôi mắt sáng ấy. Một năm sau, được sự ủng hộ nhiệt tình của hai bên gia đình và đặc biệt là của con cái, họ quyết định về với nhau.
Hai người lấy nhau, con gái riêng của anh đã vào Sài Gòn lập nghiệp, còn con gái lớn của chị cũng ra Hà Nội công tác và lập gia đình. Dù cả hai đã không còn trẻ nữa nhưng nỗi khát khao về một đứa con chung luôn thường trực. Năm 2005, khi ở tuổi 43, chị mang thai. Ngày chị sinh, hai đứa con ở hai đầu đất nước đều về chia vui, đoàn tụ. Giờ đây, trong nhà nhỏ chỉ còn cô con gái tật nguyền và cậu con trai bé nhỏ.
Vợ chồng chị Ngọc - anh Vinh hiện tại
Chị vẫn đều đặn lên công ty làm công việc của một kế toán. Còn anh, sau khi thôi việc dạy học trong Quảng Ngãi, anh trở về cùng vợ dạy con học hành. Mỗi năm, chị vẫn cùng anh về quê chồng cũ ở Quỳ Hợp. Anh Vinh bảo, nhìn vợ anh thương lắm, những vết thương đã qua mười sáu năm nhưng sẹo vẫn còn như nhắc nhở anh phải yêu thương vợ hơn, chăm lo cho vợ hơn để nỗi đau năm nào có thể nguôi dần theo năm tháng.
Tôi vẫn là khách quen thân thiết của gia đình anh chị. Lắng nghe nhịp đập con tim của anh, cảm phục nghị lực của chị để biết trân trọng hơn giá trị đích thực của tình yêu và tình cảm gia đình. Đúng như lời anh chị vẫn bảo, có kinh qua giông bão đời người, nếm đủ mọi cung bậc đắng cay của số phận mới cảm nhận được dư vị ngọt ngào của cái gọi là hạnh phúc. Với riêng chị Ngọc, anh Vinh, tôi chỉ muốn thốt lên rằng, “Hạnh phúc không hề đơn giản”.
Nguyễn Thiên Thảo
.