Gắn bó với làng trẻ SOS ngay từ những ngày đầu thành lập đến giờ, mẹ không nhớ rõ, mình đã nuôi dưỡng bao nhiêu đứa con trưởng thành. Chỉ biết rằng, căn phòng mẹ ở, giờ đã trở thành tổ ấm bình yên để các con của mẹ trở về mỗi lúc cần nguồn động viên, chia sẻ. Hơn 20 năm qua, chưa lúc nào mẹ suy nghĩ lại, hay có một chút băn khoăn về quyết định gắn bó của mình với làng trẻ SOS từ những ngày đầu.
Cũng như bao người phụ nữ cùng thế hệ, 20 tuổi, mẹ quyết định tham gia TNXP. Gửi tuổi thanh xuân ở mảnh đất Trường Sơn 4 năm, năm 1972, mẹ trở về địa phương và nhận nhiệm vụ mới. “Lúc ấy, mình nhiều hoài bão lắm, thích làm cô giáo, bác sĩ, được học lên tiếp nữa… Nhưng lại thôi, vì có điều kiện mô”, mẹ Nhân cho biết.
Cũng phải nói qua về hoàn cảnh gia đình nhà mẹ. Là con thứ 9 trong gia đình có 10 người con ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, do điều kiện kinh tế khó khăn nên mẹ chẳng có cơ hội được học hành trọn vẹn. Cứ thế lớn lên rồi tham gia chiến trường. Cũng may là trong thời gian ở quân ngũ, mẹ có điều kiện được học thêm về ngành y. Mà chủ yếu cũng chỉ là qua sách vở và những thế hệ trước truyền dạy lại. Được sự giới thiệu của mấy người bạn, rời chiến trường, mẹ về làm công nhân xây dựng, rồi ở kho lương thực, thực phẩm.
Mẹ Hồ Thị Nhân
Sau đó về công tác ở ngành Y tế ở Nam Mỹ, Nam Đàn, rồi trạm Y tế dược liệu và hộ lý Bệnh viện đa khoa tỉnh. Mẹ cho biết: “Nghỉ hưu rồi, thời gian rảnh rỗi nhiều lắm, nhưng chẳng biết làm gì. Đến năm 1991 thì đọc thấy tờ giới thiệu và tìm người của làng trẻ SOS Nghệ An. Nói thực, lúc đó nhiều người cũng ngăn cản lắm nhưng đã quyết rồi thì không rút lại nữa”.
Tham gia TNXP, rồi đi làm gần 20 năm nhưng mẹ chẳng có một mối tình nào vắt vai. Còn trong gia đình, người thì đi làm ăn xa, người thì gia cảnh sum ấm đoàn tụ. Không có tổ ấm riêng, không một người đàn ông nào đủ sức mạnh để ngăn quyết định của mẹ lại… Năm 1991, khi làng trẻ SOS vừa thành lập, mẹ quyết định gia nhập và gắn bó lâu dài với nơi đây.
Ngay ngày đầu tiên ở làng, mẹ được phân công nhận nuôi 7 đứa trẻ. Với một người chưa từng lập gia đình và chưa lần nào chăm sóc con cái, đó quả là một thử thách khó khăn. Trong 7 người con đó, bé lớn nhất học lớp 3, 4, bé vừa đến tuổi lớp 1, nhỏ nhất là học mẫu giáo. Bé thì nhớ nhà, bé thì bệnh tật, có trẻ thì nhất định không nhận nhà để ở. Các bé vào đây, mỗi trẻ đều có một hoàn cảnh đặc biệt nên tâm lý, suy nghĩ cũng khác nhau.
Tôi cứ băn khoăn mãi, không hiểu vì tình cờ mà mẹ có cái tên như đúng cuộc đời mà mẹ đã lựa chọn. Có thể với rất nhiều người, mẹ cũng chỉ là một người phụ nữ rất đỗi bình thường và giản dị. Nhưng với các con và những gì mẹ làm, mẹ thật đặc biệt, như tâm niệm giản dị mà mẹ đã truyền dạy cho các con: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”. |
Và vì thế mà cách chăm sóc cũng cần phải thật dịu dàng và ân cần. Chỉ cần một câu nói nặng lời, một cử chỉ thiếu quan tâm là dễ tạo những gợn nhẹ trong tâm lý của các em. Gần 20 năm trôi qua, nhưng mẹ vẫn nhớ rõ những đứa trẻ năm nào. Đó là bé Mai ở Thanh Chương mồ côi thích làm ca sĩ, là bé Thành hoàn cảnh neo đơn hay rụt rè, là bé Tình học giỏi ngoan hiền…
Vượt qua những khó khăn ngày đầu, mẹ đã quen dần với công việc, khi vừa đi chợ nấu ăn, vừa bảo ban các con ăn học. Mẹ chỉ tâm niệm một điều, làm thế nào các con của mẹ thật khỏe và ngoan là được, còn khó khăn, nghèo khó thế nào mẹ cũng gắng được. Những lần đưa con đi Hà Nội chữa bệnh, rồi chờ chực mỏi mòn ở bệnh viện Nhi gửi con hộp sữa.
Có đợt, 4, 5 bé cùng ốm một lúc, mẹ một mình lặn lội vất vả ngược xuôi lo cho từng đứa. Hồi đó, một suất cơm chỉ có 500 đồng, ngoài việc thu vén cho hợp lý, mẹ còn trồng rau, bó chổi, may thêm quần áo để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống.
Mẹ Nhân bên các con của mình ở làng trẻ SOS
Thời gian lặng lẽ trôi, các con của mẹ cũng ngày một lớn và trưởng thành nên người. Mới ngày nào cô bé Mai còn nằm trong vòng tay ấm của mẹ, giờ đây đã thành thiếu nữ và đến tuổi lập gia đình. Ấy nhưng, nỗi lo lắng của người mẹ dành cho con vẫn cứ đau đáu. Ngày Mai gọi điện về thông báo chuyện mình sắp lấy chồng, mẹ vừa mừng vừa lo. Mẹ cất công ra Hà Nội, đến tận trường Múa nơi Mai học để tìm hiểu rõ sự tình, về gia cảnh của người yêu Mai, tính cách, công việc. “Lúc đó, chỉ sợ con mình bị lừa, thân gái dặm trường…”.
Rồi mọi chuyện cũng êm ả. Sau Mai là Tình, rồi Hùng, Thành. Đứa con nào mẹ cũng chăm chút từng cái ăn, cái mặc đến chuyện trăm năm nên vợ nên chồng. Chỉ đến khi thấy con bình yên và hạnh phúc với tổ ấm của mình, mẹ mới phần nào yên tâm.
20 năm qua, căn nhà của mẹ vẫn như ngày đầu thành lập. Những thế hệ các con của mẹ đã dần lớn lên và rời xa tổ ấm của mẹ. Rồi lại đến một thế hệ khác và cứ tiếp nối như thế. Thỉnh thoảng, mẹ lại nhận được những cú điện thoại từ phương xa gọi về, có khi là gói quà ô mai nhỏ từ Hà Nội… “Chưa một lần, mẹ nói với các con là mình yêu chúng nó như thế nào, nhưng với mẹ lúc này, các con là vùng trời bình yên của mẹ. Mẹ chăm sóc chúng nó, tạo cho nó một tổ ấm mới ấm áp hơn, cũng là tạo cho mình một ngõ nhỏ thật yên bình trong sâu thẳm suy nghĩ”, mẹ Nhân chia sẻ.
Gắn bó với làng trẻ, mẹ cứ nghĩ cuộc sống cứ lặng yên trôi qua như thế. Cho đến một hôm, khi chú Mai, lúc đó làm kế toán trong Làng xem ti vi rồi rủ mẹ hiến xác. Cũng như quyết định vào Làng, mẹ suy nghĩ không lâu rồi nhanh chóng viết đơn tình nguyện. Mẹ cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng: “Xuống đất rồi cũng thế cả, mình mà hiến xác, vừa phục vụ cho y học; lại được “xếp” vào bộ sưu tập hiến xác. Như thế là còn sống mãi…”. Lá đơn mẹ gửi chưa lâu thì nhận được thư cảm ơn của các cơ quan chức năng. Cả hai kỉ vật đó mẹ vẫn cất giấu cẩn thận trong chiếc rương sắt giản dị tại phòng.
Căn nhà mẹ ở cũng như bao ngôi nhà khác ở làng trẻ SOS. Ở đó, chất chứa rất nhiều kỉ niệm, những trăn trở, suy nghĩ của các mẹ. Tạm biệt làng trẻ vào một chiều cuối Đông, khi mẹ đang ngóng chờ thật mau ngày Tết đến. Lúc ấy, căn nhà mẹ ở không chỉ ngập tràn nắng mà còn thật nhiều nụ cười, những chia sẻ của các con mẹ ngày trở về.
Mai Hậu
.