Hai đứa trẻ được sinh ra sau hai lần Phương bị cưỡng dâm, giờ đây lại theo bà theo mẹ đi làm ăn mày.
Tổ ấm "cái bang"
Theo sự chỉ dẫn của một cán bộ làm việc ở Quỹ tín dụng nhân dân Cương Gián, chúng tôi tìm về "tổ ấm" của gia đình cái bang, nơi được bà con xã Cương Gián nhắc đến như một nỗi thống khổ truyền kiếp. Bước vào căn nhà một gian chính quyền xã vừa xây cho năm 2008, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là người đàn bà tóc tai bù xù, quần áo rách tả tơi, đang nằm vật vã với 5 -7 con mèo hoang trên chiếc giường chật vật, nặng mùi hôi thối. Thấy khách lạ đến, bà vội ngồi dậy, lấy chiếc khăn tổ quạ úa màu cuốn mái tóc hoa râm. Tay bà ôm con mèo vào lòng như thể đứa con của mình, rồi nhìn lên bầu trời với ánh mắt ngao ngán, tuyệt vọng. Sau những tiếng thở phào, bà Diện giãi bày về cuộc đời nghiệt ngã của gia đình mình.
Bà Diện trên chiếc giường 4 mẹ con bà cháu nằm ngủ mỗi tối. |
Bà Diện sinh năm 1934, trong một gia đình thuộc diện nghèo ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Sống trong thời khắc chiến tranh loạn lạc, cộng thêm cái đói, cái nghèo đã khiến bà sớm phải mồ côi bố mẹ từ lúc mới lên 10 tuổi. Cuộc sống khó khăn hồi đó, khiến bà gầy còm, xấu xí nên chẳng được ai để ý. Sau này nhờ có mối lương duyên qua đường, bà được một người đàn ông tên Nguyễn Văn Hoá, đã có vợ ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân đến hỏi.
"Lúc đầu tui nhất quyết không đồng ý. Dù đói nghèo, xấu xí nhưng tui biết ông ấy đã có vợ, nên không đành phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Sau thấy vợ ông ấy đến bảo, đã sinh ra 14 đứa con đều không nuôi được, nên muốn lấy vợ khác cho chồng, những mong có đứa con nối dõi tông đường. Nghe bà ấy nói vậy, tui thương quá, rứa là bà tui về ở với nhau", bà Diện bồi hồi kể lại.
Ngày đầu mới nên nghĩa vợ chồng, ông Hoá về nhà vợ ở rể. Một thời gian sau cuộc sống khó khăn quá, hai vợ chồng lại dắt díu nhau đến lập nghiệp ở bên bãi biển xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Nơi đất khách quê mới, không anh em, không nhà cửa, vợ chồng bà lại dựng căn lều nhỏ làm chỗ trú mưa. Một năm sau, bà Diện bắt đầu mang thai. Nhưng nghiệt ngã thay, 5 lần sinh con, bà Diện chỉ nuôi được một cô con gái đặt tên Nguyễn Thị Phương (SN 1969). Niềm hy vọng duy nhất của vợ chồng bà Diện cũng tắt ngấm khi cô con gái duy nhất có biểu hiện bệnh lý thần kinh. Vì quá đau buồn, ông Hóa đã qua đời khi cô con gái mới lên 5 tuổi.
Chồng mất, không nghề nghiệp, không có cái ăn, hai mẹ con bà Diện phải dắt díu nhau đi xin ăn. Theo thời gian, người đàn bà khổ hạnh cùng cô con gái dở người như hai chiếc bóng lặng lẽ, tay gậy tay bị cứ thế lang bạt khắp làng trên xóm dưới. Nhắc lại những ngày tháng dấn thân theo nghiệp ăn mày, bà Diện nấc nghẹn: "Ông ấy mất, mẹ con tui chẳng còn ai nhờ cậy. Không nhà cửa, không ruộng đồng, không người thân. Cuộc sống của mẹ con tôi từ đó thêm phần tù túng, u buồn. Sau nhiều lần nghĩ đến cái chết không thành, tui đành dìu dắt con Phương đi lang bạt để kiếm miếng lót dạ. Kiếp ăn mày của mẹ con tui bắt đầu từ đó".
4 cuộc đời chung phận ăn mày
Thảo và mẹ đang tranh thủ nhặt từng hạt thóc ở bên đường. |
Tưởng chừng thế đã là quá khổ đối với người đàn bà bất hạnh, nhưng cuộc đời nghiệt ngã vẫn không buông tha. Một đêm mệt nhoài vì cả ngày lê bước đi xin ăn cùng mẹ, Phương bỗng hốt hoảng khi thấy một người đàn ông thân trần ghìm chặt người mình. Mọi phản kháng của Phương đều vô vọng bởi tiếng sóng biển ồn ào, còn bà Diện cũng chìm sâu trong giấc ngủ nặng nhọc mà không nghe được tiếng kêu cứu của con. Sáng hôm sau tỉnh dậy, bà Diện mới tá hỏa khi thấy con gái trần truồng, chiếc quần nhâm nhít mảnh vá nhuốm đầy máu. Cái gì đến rồi cũng đã đến, năm 1994, chị Phương sinh ra đứa con trai đầu lòng đặt tên Nguyễn Văn Hiếu.
Sáu năm sau, trong một đêm mưa gió, tại căn nhà dột nát của mẹ con bà Diện, chị Phương lại tiếp tục bị một người đàn ông đột nhập cưỡng dâm và để lại hậu quả là một giọt máu hình thành trong người. Lần này, chị sinh hạ một cô con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Thảo. Thêm hai đứa cháu, đời sống của mẹ con bà Diện lại càng khốn khó hơn. Không muốn các cháu có cuộc sống thấp hèn như mình, bà Diện đã cố thắt lưng buộc bụng lang bạt, kiếm ăn với hi vọng các cháu được tới trường ăn học. Thế nhưng, cái khó cõng cái nghèo cứ thế đeo đuổi, bệnh tật giày vò nên giấc mơ con chữ bà Diện cố vun đắp cho hai đứa cháu tội nghiệp cũng sớm bị dập tắt. Đành nuốt nước mắt nhìn các cháu thất học, ngày ngày phải lang thang theo bà, theo mẹ đi ăn xin, chịu cảnh đói triền miên, bà như chết đi ngàn lần.
Câu chuyện vừa kể đến đây thì 3 mẹ con chị Phương dắt nhau về. 3 mẹ con, mang 3 khuôn mặt khắc khổ, người ướt đẫm mồ hôi khoác trên mình những chiếc áo rách nát. Thấy có khách trong nhà, cháu Thảo nhanh nhẩu chạy vào ôm lấy bà rồi hỏi: "Họ có cho bà mánh chi không, ngày ni nỏ có mánh chi ăn cả, đói lắm". Nghe cháu hỏi, nước mắt bà Diện lại tuôn trào. Bà bảo: "Nhìn mẹ con chúng nó kêu đói, da dẻ xanh xao, tôi khổ tâm lắm. Suốt hơn 40 năm qua, tui cùng con gái và các cháu phải lê bước đi ăn xin ở đầu đường, xó chợ. Đã nhiều lần vài ba ngày không xin ăn được, mấy mẹ con bà cháu đành uống nước lã lót bụng, rồi ôm nhau ngủ cho qua ngày. Cay đắng lắm chú ạ".
Trước cuộc sống khó khăn của bà Diện, năm 2008, UBND xã Cương Gián đã cấp cho mẹ con bà Diện 50m2 đất tại thôn Cầu Đá và xây cho căn nhà tình nghĩa. Vậy là từ đó đời "cái bang" có nhà ở, không sợ mưa gió như ngày nào. Tuy vậy, giờ đây bà Diện đã quá yếu, không đủ sức đi ăn xin, bữa ăn của gia đình chỉ biết trông chờ vào người con gái bị bệnh thần kinh và hai đứa cháu côi cút, ngày ngày lang thang ở đầu đường, xó chợ.
Khát khao con chữ!
Sau một ngày lang thang ăn mày 4 mẹ con, bà cháu lại quây quần bên chiếc giường để xuôi giấc ngủ. |
Éo le đời mẹ, nghiệt ngã đời con. Sống trong gia đình "cái bang", mang trên mình thân phận ăn mày, 16 năm qua đối với cháu Hiếu và 10 năm đối với cháu Thảo là khoảng thời gian rất nghiệt ngã. Vậy mà, không ít người qua đường thấy hai em ngày ngày lê bước đi ăn xin ở đầu đường, xó chợ lại nhẫn tâm chỉ trách là "Đồ vô tích sự, không lo mà học hành, làm việc tử tế lại đi xin ăn, thật không biết xấu hổ chi cả".
Nhưng họ đâu có hiểu, hai cháu trở nên nông nỗi ấy cũng bởi người mẹ đáng thương của mình lại bị điên dại, người bà duy nhất lại đang ốm yếu với cái tuổi gần đất xa trời. Không còn cách nào khác hai cháu phải theo bà, theo mẹ lang thang làm ăn mày mà không hề hay biết mình cũng là đứa trẻ cần được học hành. Để rồi khi các cháu đã biết nghĩ, biết ngại khi đối diện với bạn bè cùng trang lứa thì những câu hỏi "thắt lòng" đặt ra đã trở nên quá xa xỉ: Tại sao mình không được đến trường? Tại sao mình không có chữ? Và tại sao mình phải lang thang?... Tất cả chỉ vì gia cảnh nhà cháu nghèo rớt mồng tơi, cháu mang phận ăn mày, hay cháu vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình "cái bang"?
Ngước nhìn 2 đứa cháu tội nghiệp, bà Diện nghẹn ngào: "Khổ thân chúng nó đã không có điều kiện để học hành, ngày ngày phải lang thang xin ăn, có khi 2-3 ngày cũng không có mánh gì lót dạ". Hiếu tâm sự: "Cháu muốn đi học lắm, mỗi sáng sớm thức dậy, thấy bạn bè mang cặp sách đến trường học cháu cảm thấy mình cô quạnh rất tủi thân, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép nên cháu phải chấp nhận chui lủi đi ăn xin làm ăn mày thôi".
Nói xong, Hiếu chỉ tay vào những hàng chữ cháu viết trên tường, khoe: "Mấy chữ này bà bày cho 2 anh em viết đó". Nhìn những hàng chữ ngô nghê, in đậm trên bức tường nhà, tôi biết rằng 2 cháu rất muốn học chữ. Đặc biệt trên bức tường có một câu rất cảm động, chữ rất to là "Học chữ để thoát cảnh ăn mày".
Mưu sinh trong tăm tối của kiếp nghèo. Hàng ngày cứ rạng sáng, 2 anh em Hiếu lại lủi thủi mang cái bát ra ngồi ở một góc chợ Cầu Gián để xin ăn. Tối về, 2 cháu lại cầm cục than củi nắn nót viết từng chữ cái lên tường để học rất cơ cực. Hiếu bộc bạch: "Nhìn lũ bạn được đến trường học hành, trong khi mình quanh năm, suốt tháng phải lủi thủi đi ăn xin cháu buồn lắm. Cháu muốn biết chữ và sẽ cố gắng viết chữ thật đẹp để sau này cháu có thể tìm được một cái nghề mong thoát cảnh ăn mày".
Khi hỏi về ước mơ của 2 cháu, nét mặt Hiếu buồn rười rượi, giọng nói của Hiếu như bị ứ nghẹn bởi những dòng nước mắt: "Cháu muốn được đi học như lũ bạn". Còn cô em - Thảo thì mếu máo khóc trong vòng tay bà ngoại. Ước mơ của 2 em đối với bao đứa trẻ khác là rất đỗi bình thường, nhưng với 2 anh em Hiếu và Thảo lại là một vấn đề xa xỉ. Đơn giản vậy thôi, nhưng nước mắt các cháu cứ thế tuôn rơi.
Chia tay gia đình "cái bang" ra về trước lúc mặt trời khuất bóng. Trên con đường đất trở về thành phố phồn hoa, đèn đóm, hình bóng hai đứa trẻ mờ mờ vẫn dõi nhìn theo. Nhìn hai cháu mà lòng tôi thắt lại. Tôi tự hỏi lòng mình: Liệu 2 anh em Hiếu và Thảo còn phải lang thang làm ăn mày đến bao giờ? và liệu ước mơ được đến trường học chữ như bao đứa trẻ của Hiếu và Thảo có thành một phép màu hiện thực?...