Bánh kẹo là nhu yếu phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại là khá nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng trong niềm vui Xuân, đón Tết.
Sắm vai một người tiêu dùng, chúng tôi không khỏi lo ngại khi phát hiện một số điểm bán bánh kẹo tại các chợ đang được bày bán công khai với đầy đủ chủng loại, màu sắc. Điểm đầu tiên chúng tôi chọn để dừng chân là Chợ Vinh sầm uất.
Đây được xem là khu chợ nhập sỉ lớn nhất của Nghệ An. Dạo quanh các điểm bán bánh kẹo, có thể dễ dàng nhận ra một điểm chung, các loại bánh kẹo ở đây được bày bán chủ yếu là theo lô. Mỗi lô lớn là một loại kẹo khác nhau. Vì thế rất khó cho người tiêu dùng để kiểm tra xem, loại kẹo này đã hết hạn sử dụng và có nguồn gốc rõ ràng hay không? Giá cả của các chủng loại kẹo cũng khá đa dạng.
Kẹo hương vị trái cây, kẹo gôm thì rẻ hơn (30.000 đồng/kg); kẹo hương vị sô cô la, bạc hà thì đắt hơn, dao động từ 50 - 70.000 đồng/ kg… Với đầy đủ màu sắc, người tiêu dùng rất dễ để đưa ra một sự lựa chọn cho mình nếu không xem xét và kiểm tra kĩ. Đa số đều được tính tiền theo kg. Đi kèm với kẹo là mứt, hạt dưa…
Khi được hỏi một người bán hàng về nhãn mác và nguồn gốc của các loại kẹo này, họ chỉ cho biết qua loa: Tất nhiên là có rồi, toàn hàng Việt Nam chất lượng, hàng mới về cả đó. Như để chứng minh, chị đưa ra một số gói kẹo đóng riêng, ghi rõ hạn sử dụng đến 2012. Tuy nhiên, ở các lô hàng khác, rất nhiều loại kẹo không đề rõ hạn sử dụng. Càng khó hơn nữa để phát hiện nguồn gốc của những mặt hàng này. Đáng nói, ở một điểm bán hàng, chúng tôi còn phát hiện tờ hạn sử dụng ghi đến 10/2011 rồi lại được đổi lại đến 2012.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại chợ Vinh
So với chợ Vinh thì ở các khu chợ khác, mặt hàng bánh kẹo không nhiều và đa dạng bằng. Nhiều điểm vẫn để nguyên từng gói để người tiêu dùng dễ quan sát ngày sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, những loại kẹo rẻ tiền, những lô mứt căng mọng, thơm ngọt kia được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực trạng bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán tại các chợ là không thể phủ nhận, tuy nhiên, một số người tiêu dùng vẫn bỏ qua vấn đề quan trọng này và vô tư mua. Dạo qua các điểm bán buôn, vẫn có thể nhận ra, nhiều người tiêu dùng lại khá dễ tính khi đưa ra những chọn lựa cho mình về nhu yếu phẩm ngày Tết này. Đó là chưa kể đến, một số người còn nhập sỉ về bán tại các điểm đầu mối nhỏ lẻ hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An cho biết: Việc xử lí những người bán hàng vi phạm vệ sinh ATTP gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì Chi cục không đủ nhân lực để triển khai công tác kiểm tra một cách rộng khắp, phần vì chế tài xử phạt những cơ sở vi phạm vẫn chưa nghiêm. Thậm chí, nhiều cơ sở, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra còn có thái độ dọa dẫm, xem thường…
Thời gian gần đây, Chi cục đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hầu hết đều đạt chất lượng. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn lưu hành rất nhiều bánh kẹo nhập lậu không rõ nguồn gốc. Chỉ riêng Chi cục thì không thể đủ nhân lực và vật lực để kiểm soát được. Bởi bánh kẹo được nhập lậu bằng nhiều con đường và cách thức khác nhau.
Để đảm bảo cho người dân vui Tết, đón Xuân, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bia rượu, nước giải khát. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng như các loại mứt, dò chả, thực phẩm đông lạnh… Hiện nay, các đoàn thanh tra liên ngành đang tiến hành kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo các chuyên gia y tế, ăn những loại bánh, kẹo cân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ngộ độc cho người sử dụng. Chính những người bán những loại bánh, kẹo này cũng chưa thể chứng minh rõ nguồn gốc, hạn dùng của tất cả các mặt hàng này.
Để tránh tình trạng này, mỗi người cần tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà sản xuất, thành phần sản phẩm, số đăng ký do cơ quan y tế cấp… Hãy biến mình thành “người tiêu dùng thông thái”, đừng ham rẻ mà chuốc lấy những hậu quả đáng tiếc.
Mai Hậu
.