DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Công tác quản lý an ninh, trật tự về tạm trú, tạm vắng để ngăn ngừa đối tượng cư trú trái phép được thực hiện như thế nào?
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người những năm qua cho thấy, đối tượng mua bán người thường không chấp hành các quy định về khai báo tạm trú để luồn lách vào ăn, ở trong nhà dân mà không khai báo, lấy lòng tin và tiến hành việc lừa đảo. Ngoài ra, việc khai báo tạm vắng cũng không được người dân chấp hành nghiêm túc theo quy định pháp luật nên để xảy ra tình trạng nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nơi họ thường trú mà chính quyền không biết. Bộ Công an cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành, công tác quản lý an ninh, trật tự về tạm trú, tạm vắng để ngăn ngừa đối tượng cư trú trái phép được thực hiện như thế nào?
Câu trả lời
Theo quy định tại Điều 9 Luật Cư trú năm 2020 công dân có nghĩa vụ về cư trú như sau:
1. Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan;
2. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.”
Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 cũng quy định về việc đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng hiện nay được thực hiện tại Điều 27, Điều 30 và Điều 31, như sau:
(1) Về đăng ký tạm trú: “Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”.
(2) Về thông báo lưu trú:
a) Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú;
b) Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
c) Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú, lý do lưu trú, thời gian lưu trú, địa chỉ lưu trú;
d) Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 8 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần;
e) Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
(3) Về khai báo tạm vắng:
"Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây
a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
b) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
2. Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú; khi đến khai báo tạm vắng phải nộp đề nghị khai báo tạm vắng và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.”
Căn cứ theo các quy định của pháp luật về cư trú hiện hành nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Công an xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ các biện pháp để nắm hộ, nắm người, quản lý chặt chẽ mọi biến động về cư trú, việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của công dân trong đăng ký cư trú để người dân biết và chấp hành đúng quy định. Đồng thời, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành các quy định về xử lý vi phạm hành chính khi công dân không thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú bảo đảm hành lang pháp lý để triển khai tổ chức hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú theo chức năng.
Theo đó, các quy định này đã bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú, khai báo tạm vắng phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và ngăn ngừa các đối tượng không thực hiện đúng các quy định về đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng nói riêng theo chức năng của lực lượng Công an.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an