CCHC
Phục vụ trọn đời, dù chân trời góc bể
Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, ngày 9/12/2019. - Ảnh: VGP |
Tháng 7/2017, một câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận xảy ra tại Hà Nội, khi một người dân phản ánh những nhiêu khê khi đi làm giấy khai tử cho bố tại UBND phường. Vụ việc sau đó được xử lý theo các quy định của pháp luật, nhưng nhìn rộng hơn, nó cũng phản ánh nhu cầu bức thiết: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cách thức cung cấp các dịch vụ công ở các cấp chính quyền, đặc biệt là làm thủ tục trực tuyến để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ.
Nhiệm kỳ này, thực hiện thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là “nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã xác định 5 ưu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử. Cổng Dịch vụ công quốc gia là một trong 5 ưu tiên đó.
Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia và giao trách nhiệm cho VPCP chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Tới tháng 12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức được khai trương, cung cấp những thủ tục đầu tiên với số lượng khiêm tốn, 8 dịch vụ, nhưng tập trung vào những lĩnh vực nóng nhất, được người dân quan tâm hơn cả.
Với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Cổng Dịch vụ công quốc gia thực hiện hàng loạt chức năng: Kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Đơn cử, người truy cập có thể thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều tỉnh, thành phố chỉ cần khai báo 1 lần trên Cổng, theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị của mình bằng cách cung cấp mã hồ sơ, kể cả mã hồ sơ thủ tục hành chính không thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hay Cổng Dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương…
Đến ngày 1/7 vừa qua, VPCP công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 725 về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cung cấp trên Cổng.
Như vậy, sau hơn nửa năm, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và tăng 4,5 lần so với quý I/2020 (161 dịch vụ vào tháng 3/2020), trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.
Các số liệu cho thấy Cổng dịch vụ công đang “tăng trưởng” theo cấp số nhân, đi cùng với đó là những hiệu quả đo đếm được cho người dân và doanh nghiệp, mặc dù có thể vẫn còn đó những “trục trặc” về mặt kỹ thuật không thể tránh khỏi với một cách làm chưa có tiền lệ, khiến người sử dụng chưa thể vừa ý hoàn toàn.
Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia. |
Tính đến cuối tháng 6, Cổng đã có hơn 179.000 tài khoản đăng ký, tăng hơn gấp 2 lần so với quý I. Đã có hơn 10,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 154.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng, tăng gấp 11 lần so với quý I. Trung bình mỗi tháng Cổng tiếp nhận, xử lý hơn 46.000 hồ sơ trực tuyến.
Bên cạnh đó, Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng đã đưa vào vận hành từ tháng 3. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, hệ thống đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 6 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố với hơn 2.100 lượt giao dịch thành công. Số giao dịch này sẽ tiếp tục tăng khi số lượng các bộ, địa phương và số lượng dịch vụ công tích hợp thanh toán trực tuyến tăng.
Sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp với Cổng dịch vụ công quốc gia đang tăng lên từng ngày. Riêng trong quý II có hơn 46,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ, cũng tăng gấp 2 lần so với quý I, tương ứng mỗi tháng có khoảng 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ. Bên cạnh đó, Cổng cũng đã tiếp nhận, xử lý hơn 6.700 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 15.100 cuộc gọi tới tổng đài.
Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra tuần trước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của các bộ ngành, địa phương, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Theo lộ trình, năm 2020, Cổng sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Sau năm 2020, tăng dần mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương.
Theo các chuyên gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia là một ví dụ cho thấy, các cơ quan nhà nước càng quyết liệt, càng vất vả, thì người dân và doanh nghiệp càng thuận tiện, càng “nhàn” bấy nhiêu trong xử lý công việc. Thực tế, riêng trong nửa đầu năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì hàng chục cuộc làm việc để thúc đẩy các công việc liên quan tới Cổng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm việc sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia. - Ảnh: VGP |
Nửa đầu năm cũng là thời gian nóng bỏng nhất của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, một thách thức lớn nhưng cũng là động lực cho các cải cách. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, người dân Việt Nam đã tận dụng các dịch vụ qua mạng triệt để hơn kể từ khi dịch bệnh nổ ra vào cuối tháng 1 năm nay.
Bằng chứng, theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, là lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tăng đột biến trong thời gian dịch bệnh.
Ông Ousmane Dione đánh giá Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm đối với tiến trình chuyển đổi số qua nỗ lực xây dựng nhiều hệ thống chính phủ điện tử như Cổng Dịch vụ công quốc gia hay Trục liên thông văn bản quốc gia cùng nhiều sáng kiến khác đang được thực hiện để củng cố hệ thống giữa bối cảnh đại dịch.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Tới năm 2030, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã thiết lập trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, với mong muốn được lắng nghe “mọi bức xúc của người dân ở chân trời, góc bể”.
Lắng nghe các bức xúc để từ đó tiếp tục cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, việc làm này nhắm tới nhiều mục tiêu, nhưng xét cho cùng, mục tiêu quan trọng nhất là để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, dù chân trời góc bể nào cũng không còn khoảng cách cản trở nữa.
Nguồn: Chinhphu.vn