CCHC
Đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân
(Congannghean.vn)-Sau hơn 1,5 năm đi vào hoạt động, Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục, giấy tờ liên quan.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.nghean.gov.vn |
“Dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử” được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Trên cơ sở đó, “dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử” sẽ cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ, cấp phép. Người dân có thể thông qua mạng internet kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ. Hệ thống cung cấp một nền tảng ứng dụng để từng bước cho phép các cơ quan hành chính Nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng một cách xuyên suốt, nhất quán theo tinh thần “một cửa liên thông”.
Ngày 10/1/2018, UBND tỉnh tổ chức lễ khai trương "Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An”. Theo đó, Cổng dịch vụ công Nghệ An có sự liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện được những chức năng như: Công bố, niêm yết toàn bộ các thủ tục hành chính (TTHC); tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”. Triển khai các dịch vụ công trực tuyến có nghĩa là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng internet.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 36a/2015/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và các quyết định về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình hành động; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng lộ trình và triển khai kịp thời, hiệu quả giao dịch điện tử một cửa liên thông để người dân, doanh nghiệp tiện lợi khi tham gia...
Theo thống kê, khoảng thời gian từ tháng 5 - 9/2018, nhiều sở, ngành đã tích cực công khai các TTHC lên Cổng dịch vụ công trực tuyến như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường... (mỗi tháng dao động từ 30 - 70 TTHC công trực tuyến mức độ 3). Các huyện cũng đã sớm triển khai tiếp cận xuống tận cấp xã. Điển hình như huyện Nghĩa Đàn, qua kiểm tra, nhiều xã đã chủ động tiếp nhận, công khai thực hiện trên Cổng dịch vụ công, tạo nhiều thuận lợi cho người dân cơ sở trong giải quyết thủ tục hành chính. Huyện Nghi Lộc cũng là địa phương triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (16 dịch vụ trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 9/2018)...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, chuyển biến tích cực, mức độ lan tỏa về Cổng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn những tồn tại. Người dân và rất nhiều doanh nghiệp vẫn giữ thói quen cũ là đến trực tiếp cơ quan để giải quyết TTHC do việc tuyên truyền sử dụng dịch vụ chưa được sâu rộng. Trong khi một số đơn vị vẫn còn chưa thực sự mặn mà trong việc tiếp nhận, công khai các TTHC lên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Một số thủ tục người dân vẫn còn phải đi lại nhiều lần giải quyết, trong khi nếu có sự phối hợp giữa xã và huyện thì thời gian, công sức sẽ được rút ngắn hơn. Ông Lê Văn Tân, Giám đốc Cổng thông tin điện tử, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, ngoài việc chủ động tuyên truyền, tập huấn cho các đơn vị, chúng tôi sẽ phối hợp để tăng mức độ tiếp nhận, công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến”.
Phải khẳng định rằng, việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh nhằm cải cách giao dịch hành chính, góp phần quan trọng vào quá trình điều hành của lãnh đạo tỉnh, nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền về tính công khai, trách nhiệm. Đây cũng là nền tảng và kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung Bộ. Vì thế, các đơn vị, chính quyền địa phương phải xem đây là nhiệm vụ then chốt, cần sự vào cuộc quyết tâm đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân, đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.
Mai Hậu