CCHC
Phải công khai xin lỗi người dân nếu giải quyết thủ tục hành chính chậm
07:26, 12/09/2018 (GMT+7)
Cần phải công khai xin lỗi người dân nếu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chậm, muộn; có hình thức khen thưởng cán bộ công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm cao; xử lý hành vi vi phạm trong giải quyết TTHC…
Đó là vấn đề được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) diễn ra sáng 11-9. Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tham khảo kinh nghiệm “3 giảm, 4 tại chỗ và 8 công khai” trong giải quyết TTHC của tỉnh Quảng Ninh.
3 giảm, 4 tại chỗ và 8 công khai
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong công tác tổ chức giải quyết TTHC theo phương thứ “4 tại chỗ” tại Trung tâm hành chính công (TTHCC). Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh chính thức thí điểm hoạt động mô hình TTHCC cấp tỉnh và cấp huyện từ 28-10-2015.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. |
Nguyên tắc hoạt động của TTHCC là “3 giảm” (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nhân dân) “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm) và “8 công khai” (công khai tên thủ tục; thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện; thời hạn thực hiện; cơ sở pháp lý; phí, lệ phí; thông tin liên lạc) bảo đảm các TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu…
Quá trình rà soát, phân loại các TTHC đảm biểu yêu cầu “4 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả). Kết quả, số TTHC đưa vào giải quyết tại TTHCC cấp tỉnh đạt tỷ lệ 1.249 (92%), số không đưa vào giải quyết tại TTHCC chủ yếu là các TTHC đặc thù, đòi hỏi việc tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả trực tiếp ngay tại thời điểm và địa điểm kiểm tra thực địa; đối với cấp huyện là 100% các TTHC đều đưa vào giải quyết tại TTHCC.
Số TTHC thực hiện theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” ngay tại TTHCC chiếm 95,4%. Thời gian giải quyết TTHC cắt giảm từ 40%-60% so với thời gian quy định của Trung ương. Trong 3 năm từ 2015 đến nay, TTHCC của tỉnh đã tiếp nhận 132.947 hồ sơ TTHC; đã giải quyết, trả kết quả 132.728 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99%) trong đó trước hạn đạt 25,7%, còn lại đang trong thời gian giải quyết, chỉ có 122 hồ sơ quá hạn, chiếm tỷ lệ 0,01%. Mức hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác giải quyết TTHC thường xuyên đạt trên 99%.
Tại các bộ, ngành, công tác thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC đã tạo những chuyển biến tích cực. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.
Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc; đã có 99,96% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước sử dụng kê khai thuế qua mạng; 98,06% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với các cơ quan thuế. Đã mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế tại 63 tỉnh…
Còn theo ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã phê duyệt quyết định ban hành Quy trình thí điểm liên thông giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Theo đó, quy trình sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn trung bình 54% thời gian gian giải quyết TTHC. Doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian chờ đợi giải quyết từng TTHC riêng lẻ mà sẽ được giải quyết 2,3 TTHC cùng lúc.
Phải công khai xin lỗi khi giải quyết TTHC chậm
Sau khi nghe đại diện 7 địa phương và 3 bộ báo cáo về công tác nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những năm qua, công tác giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp từng bước đã có những chuyển biến tích cực đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các cấp trong giải quyết TTHC đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân tổ chức trong thực hiện TTHC.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại khi giải quyết TTHC. Người dân còn phàn nàn về trình độ, thái độ ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa. Đặc biệt, vẫn còn độ trễ trong giải quyết TTHC.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP theo các nhiệm vụ được giao.
Cải cách TTHC tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. |
Cán bộ công chức phải đảm bảo trình độ chuyên môn, tiến tới thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định và giải quyết, trả kết quả; gắn với bố trí cơ sở vật chất, đảm bảo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Đồng thời, cần tiếp tục chấn chỉnh công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng giải quyết TTHC quá hạn, thiếu công khai, minh bạch.
Đặc biệt, cần phải công khai xin lỗi người dân nếu giải quyết TTHC chậm, muộn; có hình thức khen thưởng cán bộ công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm cao; xử lý hành vi vi phạm trong giải quyết TTHC… đồng thời đề xuất chế độ dành cho cán bộ làm việc tại TTHCC. Đẩy mạnh đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tham khảo kinh nghiệm “3 giảm, 4 tại chỗ và 8 công khai” trong giải quyết TTHC của tỉnh Quảng Ninh. Trước đây, khi chưa ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC khiến bộ máy còn cồng kềnh, dễ phát sinh tình trạng cửa quyền, quan liêu, nhũng nhiễu người dân…
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai chính phủ điện tử, gắn với tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong giải quyết TTHC đồng thời tiến hành thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp bộ, cấp tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp…
Nguồn: CAND