Bình yên xứ Nghệ

Hiệu quả lớn từ dân vận khéo

09:53, 04/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác dân vận luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, địa phương. Sức lan tỏa rộng rãi và hiệu quả mà dân vận mang lại không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH mà còn tạo sự đồng thuận cao trong công tác đảm bảo ANTT của tỉnh nhà.

 Việc đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội gắn liền với công tác dân vận luôn được Công an huyện Hưng Nguyên chú trọng thực hiện
Việc đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội gắn liền với công tác dân vận luôn được Công an huyện Hưng Nguyên chú trọng thực hiện

Năm 2017, công tác dân vận trên toàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có 21/21 huyện, thành, thị tổ chức tuyên dương các mô hình điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2017 với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả tuyên truyền cao. Tại một số địa phương như huyện Nam Đàn, TX Hoàng Mai, UBND các cấp đã quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho ban chỉ đạo huyện từ 20 - 30 triệu đồng/năm, cấp xã 3 - 7 triệu đồng/năm. Các mô hình điểm được huyện hỗ trợ từ 10 - 15 triệu đồng/mô hình; các đơn vị làm tốt có TX Thái Hòa, TP Vinh, các huyện Tân Kỳ, Diễn Châu.

Cũng trong năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới 841/3.544 mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực; trong đó có nhiều mô hình, điển hình góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đơn cử như trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, việc chỉ đạo hoạt động điểm của tổ dân vận thôn, xóm, bản được triển khai thực hiện tốt. Về chung tay nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh, trong đó có việc nâng cao tiêu chí về môi trường, TP Vinh, TX Thái Hòa là những điểm sáng cần nhân rộng…

Trong lực lượng Công an Nghệ An, công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu và tạo hiệu ứng rộng rãi. Thực hiện quy chế phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2017 - 2021 giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an Nghệ An, từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến. Các diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tranh thủ sự ủng hộ của người dân tham gia đảm bảo ANTT tại địa phương.

Cùng với đó, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cũng được triển khai sâu rộng; trong đó chú trọng công tác tôn giáo, nhất là ở vùng trọng điểm. Công tác dân vận tập trung vào hoạt động tuyên truyền, kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp về tôn giáo; tăng cường tiếp xúc, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động; phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái phép, vận động đồng bào không di cư tự do, không tham gia các hoạt động trái pháp luật.

Năm 2017, Công an tỉnh đã tổ chức hơn 450 đợt tuyên truyền, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về ANTT, vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số, thu hút hơn 65.000 lượt người tham gia; qua đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, TNXH ngay tại cơ sở. Chỉ đạo xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình điểm, sau đó được nhân rộng ra các địa bàn khác. Cũng qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an 2.557 tin báo có giá trị, giúp lực lượng Công an bắt và xử lý 2.301 vụ, 698 đối tượng, bắt và vận động đầu thú 238 đối tượng truy nã.

Một điểm sáng khác trong công tác dân vận của Công an tỉnh nhà là việc gắn liền các hoạt động an sinh xã hội với nhiệm vụ dân vận. Cũng nhờ vậy, tình quân dân ngày càng thắt chặt, phục vụ đắc lực công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Với những kết quả đạt được, năm 2018, Nghệ An phấn đấu trở thành điểm sáng cả nước về dân vận chính quyền. Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, công chức, viên chức…

Cùng với đó, trọng tâm phong trào “dân vận khéo” cần tập trung một số lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù… và các đối tượng như doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước. Có như thế, công tác dân vận mới thực sự trở thành phong trào lớn, có sức tập hợp rộng rãi toàn dân và cả hệ thống chính trị, đóng góp vào công cuộc dựng xây quê hương giàu mạnh.

Thùy Dương

Các tin khác