Bình yên xứ Nghệ
Chuyện về chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy từ bỏ Đại học Y để theo đuổi ước mơ
(Congannghean.vn)-“Em chỉ ước mong làm một người lính Cảnh sát phòng cháy giỏi, điều đó đã thôi thúc em phải phấn đấu nỗ lực hết mình để biến ước mơ thành sự thật…”. Đó là lời tâm sự chân thành của Thượng sỹ Nguyễn Văn Luyến, Đội PCCC&CNCH Trung tâm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Thượng sỹ Nguyễn Văn Luyến |
Thượng sỹ Nguyễn Văn Luyến sinh ra trong gia đình nghèo lại đông anh em tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Sớm biết hoàn cảnh của mình không được đủ đầy như bạn cùng lứa, nên ngay từ nhỏ, ngoài việc đèn sách ở trường, Luyến còn siêng năng trong công việc đồng áng, giúp đỡ cha mẹ già nay ốm mai đau.
Năm 2014, Luyến đăng ký thi vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy theo ước mơ của bản thân và Trường ĐH Y theo nguyện vọng của gia đình. Thế nhưng, ông trời trêu ngươi khi Luyến thi đậu vào Trường ĐH Y và trượt ngôi trường bấy lâu cậu ao ước. Trường ĐH Y vốn là ước mơ của biết bao học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thế mà Luyến lại đưa ra một quyết định khiến ai cũng bất ngờ là từ bỏ trường Y để tham gia lính nghĩa vụ Công an, quyết tâm thi lại Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy.
Sau khi nhận được lệnh nhập ngũ, Luyến được phân về Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Đến nay, Luyến đã công tác được khoảng 2 năm rưỡi. Hơn 2 năm, tham gia vào nhiều trận cứu hỏa từ lớn đến nhỏ, đam mê với nghiệp PCCC càng lớn dần trong anh. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, đôi khi là cả lo sợ khi tham gia chữa cháy những trận hỏa hoạn lớn, Luyến được lãnh đạo đơn vị và đồng đội chỉ bảo, động viên nên ngày càng vững tin để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ngày tháng công tác xa nhà cũng khiến Luyến trở nên rắn rỏi, bản lĩnh và trưởng thành hơn. Hơn 2 năm làm lính nghĩa vụ, Luyến đã tham gia chữa cháy không dưới 40 vụ hỏa hoạn lớn nhỏ. Dù chỉ là lính nghĩa vụ nhưng nhờ có năng khiếu, lại dũng cảm nên chàng trai này được đồng đội và người dân tin tưởng, yêu mến.
Nhớ lại ngày đầu khi vừa bước chân vào đơn vị, hành trang Luyến mang theo chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo cũ và một rương sắt to chứa đầy sách. Luyến yêu sách và thích đọc sách, anh tận dụng mọi lúc, mọi nơi để đọc, khi thì giờ nghỉ trưa, khi thì giờ ăn… Chính vì vậy, đơn vị vẫn thường tếu táo gọi anh là Luyến “mọt sách”. Có lẽ, sợ ước mơ lại vượt qua tầm tay một lần nữa, nên khoảng thời gian đó với Luyến, sách vở dường như là người bạn bất ly thân. Có nhiều đêm, khi người dân thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ, Luyến vẫn miệt mài bên những trang sách nhẩm thuộc từng con số, hàng chữ.
Tháng 7/2017, sau cả năm dùi mài kinh sử, hòa theo hàng nghìn thí sinh dự thi trên cả nước, Luyến hăm hở lên đường đi thi. Lần này ông trời quả không phụ lòng sự cố gắng của Thượng sỹ nhà nghèo ham học, Luyến đỗ Đại học Phòng cháy chữa cháy với số điểm cao đủ khiến nhiều người ao ước: 29,3 điểm. Ngày nhận giấy báo đỗ đại học, Luyến vui mừng vỡ òa trong nước mắt.
“Là một người lính phòng cháy, công việc rất vất vả, nhưng nếu được lựa chọn lại em vẫn chọn làm lính Cảnh sát PCCC. Bởi khi nhìn thấy những nụ cười, giọt nước mắt của người dân khi dập tắt được đám cháy đã làm em nhớ mãi. Có những người mặc dù không hề quen biết, nhưng khi cơn hỏa hoạn đi qua, không có bất kỳ một sợi dây ngăn cách, họ cứ thế ôm chầm lấy tụi em mà khóc, cảm ơn rối rít, nước mắt của họ rơi nóng hổi trên vai em… Đó là những tình cảm chân thành mà suốt cả cuộc đời người lính phòng cháy không bao giờ quên được. Cứu người và cứu tài sản của nhân dân là nhiệm vụ của em cũng như đồng đội khi xác định bước chân vào nghề”, Luyến chân tình bộc bạch.
Với những suy nghĩ chín chắn so với tuổi 22 của Thượng sỹ trẻ, Luyến vinh dự được Đảng bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kết nạp vào Đảng. Đầu tháng 9, Luyến chính thức trở thành tân sinh viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Hành trang khi nhập học của Luyến cũng như những ngày đầu Luyến tham gia lính nghĩa vụ, chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo cũ và 1 rương sắt to chứa đầy sách. Bởi như cậu đã từng chia sẻ, lính phòng cháy ngoài sức khỏe thật tốt phải có tri thức thật vững. Vì chỉ có những CBCS được đào tạo đến nơi đến chốn, có phương án chữa cháy thuần thục mới phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp cùng đồng đội trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa”.
Thanh Ngà