Bình yên xứ Nghệ
60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (27/3/1957 - 27/3/2017)
(Congannghean.vn)-Ngày 27/3/1957, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 530/VP-NĐ thành lập Phòng Hồ sơ trực thuộc Văn phòng Bộ; Bộ Công an quyết định lấy ngày 27/3/1957 là ngày truyền thống lực lượng Hồ sơ Công an nhân dân (CAND). Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những đóng góp của các thế hệ lực lượng Hồ sơ CAND được giao trọng trách trên mặt trận chiến đấu thầm lặng, đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất vẻ vang đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí Đại tá Lê Khắc Thuyết, Phó Giám đốc Công an tỉnh |
Ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng CAND Việt Nam (19/8/1945), tại các sở, ty liêm phóng, trinh sát các tỉnh đã thành lập các tổ chức, phòng ban, trong đó được giao kiêm nhiệm làm công tác hồ sơ, phục hồi duy trì lại hoạt động của tàng thư căn cước cũ để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Thông đạt số 01 ngày 3/1/1946 về công tác giữ gìn hồ sơ tài liệu, công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu càng được quan tâm chú trọng.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của công tác hồ sơ, Bộ Nội vụ, trực tiếp là Nha Công an Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác hồ sơ, đề ra kế hoạch sắp xếp hồ sơ thống nhất chung một phương pháp để dễ dàng theo dõi, bảo quản tài liệu.
Ngày 27/3/1957, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 530/VP-NĐ thành lập Phòng Hồ sơ trực thuộc Văn phòng Bộ, đánh dấu mốc lịch sử về sự ra đời của lực lượng hồ sơ chuyên trách CAND, tạo điều kiện quan trọng để xây dựng các văn bản pháp quy và kiện toàn lực lượng hồ sơ CAND. Tiếp sau đó, nhiều văn bản quan trọng quy định về công tác hồ sơ CAND ra đời đã từng bước xây dựng lực lượng hồ sơ CAND bài bản, chính quy, hiệu quả hơn: Từ việc ban hành Bản quy định về Chế độ công tác hồ sơ thống kê Công an lần thứ I (năm 1958), Nghị quyết chuyên đề công tác hồ sơ CAND lần thứ II (năm 1984) và dấu ấn đậm nét là ngày 12/2/1985, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-BNV về việc thành lập Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, quy định chức năng, nhiệm vụ chuyên sâu trên các lĩnh vực theo hệ lực lượng - đây là lần đầu tiên có các quy định riêng về công tác hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát.
Tiếp sau đó, cùng với quá trình đổi mới, củng cố về tổ chức lực lượng CAND, lực lượng Hồ sơ CAND không ngừng lớn mạnh, có hệ thống tổ chức chuyên ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đến nay, đã có trên 3.000 CBCS với trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức khoa học kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có thể nói, trải qua các thời kỳ cách mạng, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, lực lượng Hồ sơ CAND đã phát triển toàn diện trên các mặt công tác, phục vụ tốt công cuộc đảm bảo ANTT và xây dựng đất nước.
Cùng với sự ra đời của lực lượng Hồ sơ CAND, lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An cũng được hình thành và phát triển. Trong những năm đầu mới thành lập, mô hình tổ chức lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An mới chỉ là một Tổ hồ sơ gồm 2 đồng chí trực thuộc Văn phòng Công an tỉnh, thực hiện chức năng quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ tài liệu.
Đến năm 1977, sau khi tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã được thành lập, lấy phiên hiệu là PV17 (sau này đổi là PV27). Cùng với quá trình phát triển về mặt tổ chức lực lượng Hồ sơ CAND, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh tiếp tục trải qua nhiều lần tách nhập, củng cố, kiện toàn với cơ cấu tổ chức bộ máy ngày càng quy củ và hoàn thiện, bám sát yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, khai thác thông tin tội phạm, ngày 8/10/2009, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 1844/2009/QĐ-PX13-PV27 thành lập Trung tâm thông tin tội phạm theo Đề án số 06 của Bộ Công an. Đến nay, lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An đã có hệ thống tổ chức từ tỉnh đến huyện: Ở cấp tỉnh, Phòng Hồ sơ được biên chế gồm 4 đội công tác; các đơn vị và Công an các huyện, thành phố, thị xã đều bố trí cán bộ hồ sơ chuyên trách, bán chuyên trách, riêng Công an TP Vinh đã thành lập Đội Hồ sơ Cảnh sát; đồng thời, lực lượng cán bộ làm công tác hồ sơ Công an Nghệ An không ngừng được học tập, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ hồ sơ, hiểu biết khoa học, công nghệ thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở kết quả tra cứu của lực lượng Hồ sơ, nhiều chuyên án lớn đã được điều tra, làm rõ, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm trên địa bàn |
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Hồ sơ CAND nói chung, CBCS lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An nói riêng đã luôn phát huy tinh thần tận tuỵ, không ngại khó, ngại khổ, đóng góp thầm lặng vào những chiến công vẻ vang của lực lượng Công an Nghệ An. Đã tham mưu, hướng dẫn, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy định về chế độ công tác hồ sơ; tổ chức đăng ký, quản lý lưu trữ, khắc phục cơ bản tình trạng tồn đọng về hồ sơ, cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tài liệu lưu trữ trong hệ thống tàng thư, phục vụ hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ.
Với tinh thần năng động, sáng tạo, CBCS lực lượng Hồ sơ đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác hồ sơ. Đặc biệt, đã triển khai Đề án xây dựng “Trung tâm thông tin tội phạm, dữ liệu chứng minh nhân dân” với việc chuyển đổi tàng thư thủ công sang cơ sở dữ liệu điện tử, đáp ứng việc tổ chức liên kết thông tin, khai thác liên hoàn, cập nhật thường xuyên, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin các hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị. Công tác quản lý, khai thác thông tin hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát phục vụ tra cứu tại bộ phận một cửa đều được số hóa.
Với những nỗ lực và đổi mới mạnh mẽ trong công tác, hàng năm, lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An đã trực tiếp giải quyết tra cứu trên 100.000 yêu cầu, đảm bảo phục vụ nhanh chóng, chính xác, kịp thời nhiệm vụ trong mọi tình huống. Qua đó, giúp cho các đơn vị nghiệp vụ khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần khám phá hàng trăm vụ án lớn, nghiêm trọng, khai thác nhiều thông tin tồn đọng, bế tắc, giúp cơ quan điều tra các cấp xác định chính xác đối tượng, nhanh chóng phá án; kết luận chính xác hàng nghìn đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm… Ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn trên các lĩnh vực công tác, lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Bộ Công an, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đầy tự hào và vẻ vang của lực lượng Hồ sơ CAND nói chung, Công an Nghệ An nói riêng, có thể thấy rằng, trong mọi thành tích, chiến công chung của toàn lực lượng, luôn có những đóng góp thầm lặng, lớn lao của những CBCS làm công tác hồ sơ. Với tinh thần tận tuỵ, chủ động, sáng tạo, lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An đã phát huy mạnh mẽ giá trị tiềm năng thông tin, phục vụ kịp thời, hiệu quả yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác quản lý Nhà nước về ANTT. Tin tưởng và hy vọng rằng, cùng với lực lượng Hồ sơ CAND, CBCS lực lượng Hồ sơ Công an Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu; kiên trì đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, bám sát yêu cầu tình hình; sát cánh cùng lực lượng Công an Nghệ An bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Đại tá Lê Khắc Thuyết, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An