Bình yên xứ Nghệ
Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
(Congannghean.vn)-Với nhiều hình thức, tên gọi khác nhau, tùy vào sự sáng tạo của mỗi địa phương, đơn vị, các điển hình tiên tiến và tổ tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tại huyện Hưng Nguyên trong thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả tạo sức lan tỏa rộng khắp, quy tụ nhiều tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào công tác đảm bảo ANTT. Hoạt động thiết thực của các mô hình, điển hình đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa và làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội ngay tại cơ sở.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an huyện Hưng Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, địa bàn dân cư… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự hiểu biết của cán bộ, nhân dân tham gia phối hợp với lực lượng Công an trong triển khai xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến và trong hoạt động tự quản về ANTT.
Các đơn vị, lực lượng ký quy chế đảm bảo ANTT tại Nhà máy giấy Sông Lam, xóm 8, xã Hưng Phú |
Qua khảo sát, địa bàn Hưng Nguyên trước khi có Kế hoạch số 52 (Kế hoạch về việc xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2011 - 2016) có 11 mô hình, điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, các mô hình, điển hình này chưa đi vào hoạt động bài bản, mỗi ngành, mỗi địa phương một cách làm, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất. Đặc biệt, việc lập hồ sơ còn sơ sài, chất lượng còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát.
Sau khi có hướng dẫn của Công an tỉnh, Công an huyện đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, chọn lọc và xây dựng những mô hình điểm, thực sự hiệu quả. Sau một thời gian nghiên cứu, triển khai, tính đến năm 2016, huyện Hưng Nguyên đã xây dựng 40 mô hình, điển hình tiên tiến.
Theo đó, hàng loạt mô hình đã chứng minh tính thiết thực và hiệu quả đối với việc đảm bảo ANTT trên địa bàn. Trong đó phải kể đến nhiều mô hình như: “Tuần tra nhân dân”, “Tiếng kẻng bình yên”, “Đồng bào lương giáo đoàn kết đảm bảo ANTT, chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tự quản về ANTT”…
“Tự quản về ANTT” là mô hình được xây dựng từ năm 1994 tại địa bàn. Ý thức vai trò của công tác tự phòng, tự quản tại cơ sở, lãnh đạo Công an huyện Hưng Nguyên đã tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương thành lập nhiều ban, tổ tự quản tại các xóm, xã; đồng thời, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo ANTT. Sau một thời gian mô hình đi vào hoạt động, ý thức tự giác của mỗi người dân được nâng lên rõ rệt. Bà con hiểu “Bảo vệ cho mình cũng là bảo vệ cho mọi người và ngược lại”.
Tính đến nay, toàn huyện có 23 ban tự quản cấp xã, 251 ban tự quản cấp xóm và 867 tổ tự quản ở các khối, xóm. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của huyện đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, thông báo đánh giá việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị được giao thực hiện trong kế hoạch. Nhờ vậy, các mô hình tự quản đã phát huy tác dụng tốt trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Trên cơ sở các phong trào tự quản về ANTT, nhiều xã, thị trấn đã chỉ đạo các dòng họ xây dựng các mô hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm. Tuy có nhiều tên gọi khác nhau như: Mô hình dòng họ hiếu học, dòng họ tự quản về ANTT; dòng họ tự quản lý con cháu, người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật và TNXH… nhưng đều chung mục đích là nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật của mỗi thành viên trong các gia tộc.
Ngoài việc đưa nội dung đảm bảo ANTT vào tộc ước, tại mỗi dòng họ đều có sự phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình, dòng tộc. Cứ mỗi dịp lễ, Tết..., những tấm gương tiêu biểu trong học tập, tái hòa nhập cộng đồng được tuyên dương, những trường hợp vi phạm được động viên, chia sẻ thân tình chính là cơ hội để mỗi người tự nhìn lại mình, phấn đấu hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Có thể thấy, trong thời gian qua, hàng loạt dòng họ tự quản về ANTT tại Hưng Nguyên đã có nhiều hoạt động sôi nổi trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội như: Họ Ngô, họ Võ ở xã Hưng Xá; họ Phan Bùi ở 2 xã Hưng Đạo và Hưng Khánh… Đây là mô hình thể hiện sự sáng tạo trong công tác đảm bảo ANTT và mang tính độc đáo của người dân nông thôn.
Trên thực tế, bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân. Từ các cụ già trong các dòng họ đến các cháu học sinh, từ các anh chị công nhân, các thầy cô giáo đến các chức việc và giáo dân đều có ý thức tham gia vào việc tạo ra và giữ gìn môi trường an toàn, an ninh cho từng ngõ xóm, từng gia đình. Thông qua hoạt động của các mô hình, nhân dân đã trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Nhiều chuyên án lớn thành công do có sự góp sức vô cùng quan trọng của quần chúng nhân dân như chuyên án truy bắt đối tượng trộm chó được hình thành trên cơ sở các ý kiến tại Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” ở xã Hưng Thắng. Hay từ một nguồn tin quý giá của quần chúng nhân dân, Công an huyện đã khám phá thành công chuyên án cướp xe taxi xảy ra ở xã Hưng Tây. Và còn rất nhiều cá nhân đã tích cực tham gia tố giác tội phạm, giúp Công an huyện khám phá hàng chục vụ án lớn, bắt giữ nhiều đối tượng hình sự nguy hiểm. Quan trọng nhất là, từ sự tham gia tích cực của người dân, ANTT ở các cơ sở được đảm bảo.
Kết quả, trong 10 năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra “điểm nóng” về ANTT, không có vụ việc lớn phức tạp, an ninh nông thôn được đảm bảo, góp phần quan trọng ổn định ANTT trên địa bàn, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển thuận lợi.
Mai Hậu