Bình yên xứ Nghệ
Kiên cường nơi "tuyến lửa"
(Congannghean.vn)-Trong lúc mọi người tìm cách ra ngoài, thoát khỏi biển lửa thì các anh lại xông vào nơi nguy hiểm nhất. Nơi đó có biết bao hiểm nguy đang rình rập mà họ không thể lường trước, thậm chí là hy sinh. Dẫu biết rằng đây là một nghề nguy hiểm nhưng khi đã dấn thân, gắn bó với nghề thì bất kỳ người lính cứu hỏa nào cũng sẵn sàng đối mặt và chấp nhận sự rủi ro. Nhắc tới lính cứu hỏa, mọi người sẽ nhớ đến hình ảnh những người hùng trong cuộc chiến chống “giặc lửa”.
Người chỉ huy quả cảm
Nếu việc dập tắt đám cháy là một cuộc chiến thì người chỉ huy chữa cháy có vai trò quyết định sự thành bại của “trận đánh” đó; bởi họ đảm nhận nhiệm vụ đưa ra quyết định phương án, chiến thuật chữa cháy để khống chế, dập tắt ngọn lửa, hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho đồng đội. Nói về người chỉ huy chữa cháy điển hình ở Nghệ An, không thể không nhắc đến Đại tá Lê Quốc Báo, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh Nghệ An - người chỉ huy xuất sắc, quả cảm trên trận chiến chống “giặc lửa”.
Đại tá Lê Quốc Báo, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC Nghệ An chỉ huy diễn tập chữa cháy tại Nhà máy Haivina Kim Liên (Khu công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Đàn) |
Tính đến thời điểm này, Đại tá Lê Quốc Báo là người giữ cương vị chỉ huy lâu nhất trong lực lượng Cảnh sát PC&CC ở Nghệ An. Gắn bó với nghề từ những ngày đầu khi Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH còn trực thuộc Công an Nghệ An, từ năm 1985 - 2014, không có vụ cháy nào mà không có bàn tay dập lửa của đồng chí. Đại tá Lê Quốc Báo tâm sự rằng, dẫu biết chữa cháy là một nghề nguy hiểm nhưng không phải ai cũng hiểu và chia sẻ. Mỗi khi có vụ cháy xảy ra, người lính cứu hỏa luôn quên mình lao vào biển lửa để cứu người, cứu tài sản. Đối với người chỉ huy, yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng đội, đồng thời nhanh chóng đưa ra chiến thuật chữa cháy hợp lý để ngăn không cho đám cháy lan rộng.
Vụ cháy chợ tạm chợ Vinh vào ngày 20/6/2011 là một trong những ký ức không thể nào quên của Đại tá Lê Quốc Báo. Đó là 1 trong 8 vụ cháy gây chấn động nhất cả nước vào thời điểm lúc bấy giờ. Hơn 120 ki-ốt bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng. Và nếu không ngăn chặn kịp thời thì con số thiệt hại sẽ không dừng lại ở đó. Khu vực bị cháy là những gian hàng bán đồ mây tre đan, thuốc bắc, lưới ngư cụ ở đình phụ phía Nam chợ Vinh. Vì vậy, khả năng cháy lan ra cả khu chợ là rất lớn. Toàn bộ đình chợ rộng hàng nghìn m2 bao trùm trong biển lửa, các tiểu thương ai cũng muốn cứu chữa gian hàng của mình, thậm chí đã tranh cướp lăng của lính cứu hỏa để chữa cháy.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, những người lính cứu hỏa đã lao vào đám cháy, bất chấp ngọn lửa hung hãn. Nhận định đám cháy có thể lan sang khu vực bán vải và nếu điều này xảy ra thì đám cháy sẽ thiêu rụi toàn bộ chợ Vinh, gây thiệt hại lớn, đồng chí Báo (lúc đó là Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh) đã đề xuất đồng chí Giám đốc phải chấp nhận phương án để mất khu vực cháy và bằng mọi cách ngăn không cho đám cháy lan sang khu hàng vải. Lần đó, anh đã phải “đưa tính mạng bản thân ra” để đảm bảo phương án của mình.
Đại tá Lê Quốc Báo nhớ lại: “Trước một vụ cháy, chúng tôi luôn tìm mọi cách để dập tắt ngọn lửa trong thời gian nhanh nhất nhưng trong tình thế đó, trước tình hình thực tế về phương tiện và con người, tôi không có quyền lựa chọn. Tôi chấp nhận “hy sinh” khu vực cháy để cứu cả chợ Vinh nên đã chỉ đạo anh em phun nước tạo thành một “bức tường nước”, ngăn khu vực bán vải với khu vực đang bị cháy”. Thế nhưng lúc đó, nhiều tiểu thương đã vô cùng giận dữ. Họ chửi mắng, xô ngã lính cứu hỏa trong đám cháy và cướp lăng để cứu gian hàng của mình. Sau nhiều giờ cứu chữa, đám cháy được dập tắt và khống chế hoàn toàn, khu vực bán vải và đình chính chợ Vinh được an toàn”. Sau vụ cháy, các tiểu thương trong chợ Vinh đã viết thư và đến tận phòng làm việc của Đại tá Báo để cảm ơn.
Nhường phần thưởng cho lính trẻ
Cũng như Đại tá Báo, Đại úy Cù Xuân Hà là “thế hệ đầu” của lực lượng chữa cháy. Khởi nghiệp là lính cứu hỏa, cho đến thời điểm này, Đại úy Hà vẫn là một người lính theo nghĩa đen mà không hề giữ một chức vụ gì ngoài vai trò là trợ lý chỉ huy phụ trách về công tác huấn luyện của Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 (khu vực TP Vinh). Thế nhưng, ai cũng kính nể và khâm phục anh về kinh nghiệm chữa cháy. Mấy chục năm trong nghề, trong hàng nghìn vụ cháy lớn, nhỏ mà anh tham gia, anh luôn là người tiên phong, dũng cảm lao vào biển lửa. Thế nhưng, anh đã từ chối mọi sự đề bạt, phần thưởng cũng như các danh hiệu để “nhường phần” cho lớp trẻ.
Lực lượng chữa cháy thực hiện các tình huống chữa cháy trong một buổi diễn tập |
Không biết bao nhiêu lần anh được lãnh đạo và đồng đội đề nghị và bình bầu vào diện được khen thưởng nhưng người lính này đều khước từ. Bởi Đại úy Hà luôn tâm niệm, đối với lính cứu hỏa, phần thưởng lớn nhất là cứu chữa, bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân. Và cũng bởi anh muốn dành những danh hiệu này cho lớp trẻ, nhất là những chiến sỹ nghĩa vụ để động viên anh em, tạo động lực để mọi người phấn đấu trong công việc. Sau khi Cảnh sát PC&CC tỉnh thành lập, công việc của anh chủ yếu là huấn luyện. Tuy nhiên, với tình cảm, cống hiến và sự hy sinh của mình, từ lâu anh đã trở thành một người thầy trong mắt anh em đồng đội.
Cứu người như cứu hỏa
Cũng như chữa cháy, các vụ tai nạn, sự cố đòi hỏi sự cứu nạn, cứu hộ kịp thời nhằm ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại về người và tài sản. Sau khi thành lập Sở, công tác cứu nạn, cứu hộ được quan tâm chỉ đạo, thường xuyên huấn luyện và đã tham gia cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả trong nhiều trường hợp. Những người lính đã kịp thời có mặt trong những tình thế nguy cấp, cứu nạn nhân thoát khỏi nơi nguy hiểm. Tất cả mọi phương án đều phải thực hiện mau lẹ, chính xác và an toàn vì nếu chỉ một sơ suất nhỏ và chậm trễ thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.
Kinh nghiệm những lần tham gia cứu nạn, cứu hộ nhắc nhở Thượng sĩ Đoàn Khánh Linh phải luôn bình tĩnh trước mọi trường hợp khẩn cấp. “Muốn cứu được người khác, trước hết phải đảm bảo an toàn cho chính mình. Càng trong nguy hiểm, lính cứu hộ càng phải bình tĩnh, khôn khéo”, Thượng sĩ Linh chia sẻ. Anh là người đã xuống hang sâu hơn 70 m để cứu người bị rơi xuống hang đá ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, đưa nạn nhân trở lại an toàn. Khi đó nạn nhân bị rơi ở độ sâu 30 m, ở địa hình núi đá cheo leo, hiểm trở, đáy hang nhỏ, hẹp, thành hang có nhiều vỉa đá nhô. Nạn nhân bị ngất xỉu, gãy xương, đa chấn thương và mất nhiều máu. Thượng sĩ Linh đã mất gần một giờ để cố định và đưa nạn nhân lên.
Sau mỗi lần đối mặt với hiểm nguy, người lính lại tự rút ra những bài học xương máu. Dẫu biết rằng đây là một nghề thường xuyên đối mặt với nguy hiểm và những rủi ro tiềm ẩn, thế nhưng, càng trong hiểm nguy, những người lính cứu hỏa càng kiên cường, tỏa sáng. Sự hy sinh của họ đã đổi lấy sự bình yên và an toàn cho đất nước, nhân dân.
Huyền Thương