Bình yên xứ Nghệ

Khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên trận chiến với 'giặc lửa'

08:34, 22/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Là đơn vị trực thuộc Cảnh sát PC&CC tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 phụ trách quản lý công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ địa bàn TX Cửa Lò và Nghi Lộc. Mặc dù mới thành lập hơn 5 tháng, song đơn vị đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn, góp phần giữ vững ANTT, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế.
 
Tới thăm Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 trong lúc các CBCS đang hăng say tập luyện các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Giữa tiết trời mùa đông lạnh giá, những giọt mồ hôi vẫn nhễ nhại, ướt đẫm trên vai áo. Họ - những người lính được tôi luyện trong môi trường “nước sôi lửa bỏng” có tuổi đời còn rất trẻ. Công việc đòi hỏi các chiến sĩ lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đương đầu với “giặc lửa” để cứu người, cứu tài sản.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết: Những buổi tập luyện các đội hình chữa cháy, lau chùi, bảo quản trang thiết bị, phương tiện được tổ chức thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng. Hàng tuần, đơn vị tổ chức cho CBCS khảo sát địa hình, thực tập phương án chữa cháy để nâng cao chất lượng công tác PCCC trong tình hình mới. Do đó, mặc dù điều kiện, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng từ lãnh đạo đến CBCS đã khắc phục khó khăn, chủ động các tình huống, sẵn sàng xuất quân chiến đấu. Chỉ trong vòng hơn 5 tháng kể từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã triển khai chữa cháy 8 vụ, trong đó có 5 vụ cháy lớn, cứu được tài sản trị giá hàng tỉ đồng, được nhân dân và cơ sở ghi nhận.
 
CBCS Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 diễn tập phương án chữa cháy
CBCS Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 diễn tập phương án chữa cháy
 
Công việc đòi hỏi các chiến sĩ hàng ngày phải đối diện với hiểm nguy, môi trường độc hại, nhưng đã dấn thân vào nghề thì lòng yêu nghề, sự quả cảm được đặt lên trên hết. Vào ngành gần 3 năm, Trung sĩ Võ Văn Đức (SN 1992) đã hàng chục lần đương đầu với “giặc lửa”, nhưng lần tham gia chữa cháy tại Công ty Điện tử BSE (Khu công nghiệp Nam Cấm) đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm nhất. Trong đám cháy xưởng pha keo khói đen dày đặc, ánh sáng từ đèn pin không đủ nhưng anh và đồng đội vẫn mang mặt nạ xông vào, có lúc tưởng như lạc vào ma trận máy móc, hầm hố, bậc thang của nhà xưởng hàng nghìn m2.
 
Đồng chí Đức cho biết: "Lúc đó, chúng tôi bắt buộc phải tiếp cận gốc lửa thì chữa cháy mới hiệu quả. Nếu chậm trễ, ngọn lửa bao trùm toàn nhà xưởng thì không thể cứu chữa". Với tâm niệm như vậy, mặc cho ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, Đức và đồng đội đã triển khai các đường vòi chữa cháy tận gốc lửa, nhanh chóng bao vây, chia cắt và dập tắt ngay khi lửa chưa kịp bùng phát lớn, cứu được tài sản trị giá hàng tỉ đồng của Công ty.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Không có vụ cháy nào giống nhau, mỗi vụ cháy đòi hỏi người lính cứu hỏa phải chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống, bất chấp hiểm nguy để chữa cháy kịp thời. Công việc không báo trước điều gì, chỉ cần một tiếng còi báo động là anh em lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Có những lần chữa cháy chỉ vài ba tiếng nhưng cũng có những vụ cháy lớn phải chiến đấu vài ngày mới xong như vụ cháy chợ Vinh năm 2011. Sau mỗi vụ cháy trở về, toàn thân các CBCS đều dính đầy muội than đen kịt, không ít lần, đến những chiến sĩ khỏe nhất cũng phải điều trị tại bệnh viện".
 
Tạm biệt Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cũng là lúc các chiến sĩ kết thúc công việc luyện tập. Trở về với cuộc sống thường nhật, nụ cười, sự vô tư luôn thường trực trên khuôn mặt những chiến sĩ trẻ, nhưng chỉ cần một tiếng chuông điện thoại, một hồi còi báo động, họ lại lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Trên mặt trận không tiếng súng, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ Cảnh sát PC&CC luôn lấn át ngọn lửa, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
 

Huyền Thương

Các tin khác