Bình yên xứ Nghệ

Những người thầy mang quân phục Công an nhân dân

07:59, 20/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật khiến tôi hiểu thêm về những vất vả, cống hiến thầm lặng của những người thầy nơi đây. Trên thao trường huấn luyện, dường như chẳng có khó khăn nào ngăn nổi niềm yêu nghề, yêu ngành và nhiệt huyết của các thầy. Không kể thời tiết nắng hay mưa, những người thầy vẫn tận tụy, uốn nắn từng động tác cho học viên… Họ là những người thầy vinh dự được mang trên mình quân phục CAND - những CBCS ở Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh.
Thầy giáo Trương Xuân Giang chỉnh sửa động tác võ thuật cho những chiến sĩ mới
Thầy giáo Trương Xuân Giang chỉnh sửa động tác võ thuật cho những chiến sĩ mới
Mỗi năm vào dịp 20/11, những thầy giáo ở Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ (HL&BDNV) Công an tỉnh cũng đầy xao xuyến không kém những thầy cô ở bao mái trường khác. Từ khi Trung tâm chính thức đi vào hoạt động, công việc của những CBCS nơi đây càng thêm nặng nề. Dẫu vậy, với những người làm công tác giảng dạy ở đây đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi nhận về mình trọng trách đầy vinh quang ấy. 
 
Đại tá Hồ Văn Tăng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Do đặc thù nghề nghiệp nên hầu hết CBCS của Trung tâm chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ sư phạm như giáo viên ở các trường ngoài ngành Công an. Tuy nhiên, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”, CBCS đều nỗ lực học hỏi, khắc phục những khó khăn, thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu để soạn các giáo trình, giáo án đảm bảo yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. 
 
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, công việc chính của CBCS Trung tâm là liên kết đào tạo với các trường Công an nhân dân, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngành ngoài được tuyển dụng vào CAND và huấn luyện công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND… Những năm qua, thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” do đơn vị phát động, mỗi CBCS đều phát huy tính gương mẫu trong công việc, bám sát chương trình công tác để triển khai kịp thời, có hiệu quả và đạt chất lượng cao. Cũng như bao đồng nghiệp khác, ngoài giờ lên lớp, những người thầy ở Trung tâm lại miệt mài, tận tụy bên những trang giáo án, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, vận dụng sáng tạo giữa lý thuyết và thực hành để biên soạn giáo trình, giáo án phù hợp với từng lực lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy để học viên dễ tiếp thu nhất. 
 
Để đào tạo một khóa huấn luyện đòi hỏi những người làm công tác huấn luyện, giảng dạy cũng như công tác quản lý học viên phải thật mẫu mực, đặt tính mô phạm lên hàng đầu. Với những khóa huấn luyện công dân phục vụ có thời hạn, công việc huấn luyện không hề đơn giản. Bởi học viên là những học sinh vừa tốt nghiệp THPT, vừa rời vòng tay chăm sóc của gia đình nên việc làm quen với môi trường lực lượng vũ trang, sự siết chặt kỷ luật là điều không dễ dàng. Những người thầy vừa bồi dưỡng, huấn luyện các chiến sĩ mới các kiến thức về chính trị, phẩm chất, đạo đức pháp luật, võ thuật, vừa phải huấn luyện các chiến sĩ có khả năng thích nghi, phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. 
 
Là người có kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, Thiếu tá Trương Xuân Giang, Đội trưởng Trung tâm là một trong những thầy giáo có nhiều thời gian gắn bó, tiếp xúc với học viên. Với kinh nghiệm hơn 19 năm công tác trong ngành, được huấn luyện qua nhiều lớp về võ thuật, đặc nhiệm CAND đã tôi luyện cho thầy Giang nhiều kinh nghiệm trong công tác sư phạm cũng như phương pháp huấn luyện để các học viên dễ tiếp thu nhất. Thầy Giang cho biết: “Những chiến sĩ mới chủ yếu là học sinh mới rời ghế nhà trường nên bước đầu nếp nghĩ, sinh hoạt, cư xử đến hành động đều xa lạ với môi trường quân ngũ.
 
Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện và nơi ăn chốn ở vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy việc huấn luyện còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều học viên mới đến chưa quen môi trường đã bị dị ứng, đau ốm… Tuy nhiên, thầy và trò đều đồng lòng vượt khó, động viên các em hoàn thành tốt khóa huấn luyện”. Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên thao trường mới hiểu được những vất vả và cố gắng của cả thầy và trò. Để rồi sau mỗi khóa huấn luyện, những chiến sĩ lại thêm rắn rỏi, trưởng thành.
 
Để có được thành quả như thế, ít ai hiểu được những vất vả của các thầy. “Huấn luyện võ thuật không đơn giản là việc lên lớp dạy cho học viên thuộc động tác mà phải truyền được hứng thú cho các em. Bởi quân sự võ thuật vốn là một môn học khô khan, dễ nhàm chán, nhất là đối với các học viên nữ mới được tuyển dụng vào ngành. Vì vậy, người thầy phải có con mắt quan sát, nắm bắt được tâm lý của học trò, tìm tòi học hỏi nhằm tìm ra phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả để các em thích thú và dễ học nhất”, thầy Giang chia sẻ.  
 
Bởi thế mà sau mỗi khóa huấn luyện, tình cảm thầy trò lại thêm sâu đậm. Những ngày trên thao trường đầy nắng, gió đã tôi luyện cho những chiến sĩ thêm bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Khi mỗi khóa huấn luyện kết thúc, các học viên trở về với những công việc khác nhau, những người thầy ở Trung tâm HL&BDNV lại trở về với những công việc thường nhật và lặng lẽ, say sưa bên những trang giáo án để chuẩn bị đón những học viên mới.

Huyền Thương

Các tin khác