Bình yên xứ Nghệ
Đảm bảo tốt an ninh trật tự trong mùa lễ hội
(Congannghean.vn)-Đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán, các địa phương trên cả nước đều tổ chức lễ hội đầu xuân. Hà Tĩnh cũng đã tưng bừng khai hội như một hoạt động đón năm mới và hướng về cội nguồn, truyền thống. Cùng với các cấp, các ngành, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã và đang đồng loạt ra quân, đảm bảo an ninh trong mùa lễ hội, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của các lễ hội đầu Xuân Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 90 lễ hội dân gian, trong đó có rất nhiều lễ hội phát huy giá trị trong đời sống nhân dân như: Lễ hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết ở huyện Kỳ Anh; Lễ hội đền Lê Khôi, Lễ hội chùa Chân Tiên, huyện Lộc Hà; Lễ cầu ngư và hội đua thuyền ở làng Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên; Tục thờ thần và lễ cầu ngư ở làng Hội Thống, huyện Nghi Xuân; Lễ hội Chùa Hương, Lễ kỳ phúc và hội thi vật làng Thuần Thiện, huyện Can Lộc… Lễ hội đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của mỗi người dân địa phương và du khách thập phương xa gần.
Các lực lượng Công an phối hợp triển khai các biện pháp đảm bảo ANTT trong lễ hội đầu xuân |
Thực hiện các điện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã sớm triển khai kế hoạch, bố trí các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trong mùa lễ hội. Nhất là tập trung rà soát, bổ sung các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các lễ hội, điểm sinh hoạt văn hoá đông người. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi.
Tham mưu cho chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, lễ hội, đặc biệt là trong việc đốt hương, vàng mã, quá trình sử dụng điện, sử dụng gas, khí đốt hóa lỏng, xăng, dầu... đảm bảo ANTT, không để các đối tượng xấu lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, tổ chức các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt.
Trước mùa lễ hội tại chùa Hương Tích (Can Lộc), Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường xuống cơ sở, kiểm tra các bến đò, người điều khiển phương tiện giao thông tham gia đưa đón du khách tại chùa Hương Tích, kiên quyết đình chỉ phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định. Qua đó, tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tăng cường cán bộ, chiến sỹ giám sát chặt chẽ hoạt động chở khách từ 6 giờ đến 18 giờ trong ngày, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa lễ hội - Trung tá Lê Đình Thảo, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh cho biết.
Là lực lượng đóng chân trên địa bàn, Công an huyện Can Lộc đã phân công kế hoạch cụ thể, chi tiết, đảm bảo ANTT tại chùa Hương Tích. Theo đó, lực lượng Công an ứng trực 24/24 giờ tại các địa điểm diễn ra lễ hội, sẵn sàng ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bất ổn liên quan đến an ninh trật tự. Vào những ngày cao điểm, lực lượng Công an huyện và Công an xã có mặt ở lễ hội lên tới gần 20 người, chốt ở các điểm nhằm ngăn chặn triệt để nạn móc túi, cướp giật, lừa đảo, hành khất, đảm bảo an toàn cho du khách tới lễ Phật, vãn cảnh chùa. Đồng thời, cấm các hộ kinh doanh dùng loa đài tăng âm để quảng cáo; cấm tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức, gây mất an ninh trật tự tại khu vực thờ tự; cấm quảng cáo hay tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã, kiên quyết không để các đối tượng lưu manh hoạt động, giúp nhân dân đến du xuân, dự hội được an toàn.
Tuy nhiên, khi lượng du khách tăng nhanh đột biến, điều dễ thấy nhất ở các lễ hội là nảy sinh các bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự văn minh lễ hội. Bên cạnh đó, tình trạng tư thương tự do nâng giá, ép giá các loại dịch vụ như gửi xe, ăn uống… cũng làm phiền lòng và gây bức xúc cho du khách. Một số lễ hội còn xuất hiện nạn cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng, mê tín dị đoan, hành khất, trộm cắp, móc túi... Một số địa phương xem di tích, lễ hội là nguồn lợi nên chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế, khiến lễ hội bị thương mại hóa, làm phai mờ bản sắc độc đáo. Nhiều nơi lập quá nhiều ban thờ, hòm công đức tại di tích, du khách lại đặt tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh, gây phản cảm cho sinh hoạt lễ hội.
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, Ban Quản lý các di tích trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự trên diện rộng và có trọng điểm để phục vụ chương trình lễ hội, góp phần tạo nên mùa lễ hội vừa văn minh vừa đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Mùa lễ hội hàng năm thường kết thúc vào khoảng cuối tháng 3 Âm lịch. Do vậy, thời điểm này, các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, đền thờ, miếu mạo trên địa bàn Hà Tĩnh hàng ngày đang đón hàng vạn lượt du khách gần xa, nhất là phải kể đến các địa điểm như chùa Hương Tích, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Hoàng Mười… Với những nỗ lực tập trung cao độ cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà, ngày càng thu hút nhiều du khách, khởi đầu một năm Giáp Ngọ 2014 bình yên và phát triển.
Xuân Lý - Đình Vũ - Sỹ Quý