Bình yên xứ Nghệ
Người anh hùng miền biên viễn
(Congannghean.vn)-Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, chúng tôi đến thăm cụ Vừ Chông Pao tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ở tuổi 83, cụ Pao xem chừng đã yếu lắm vì bệnh tật. Đầu năm 2013, cụ được Nhà nước cho “nghỉ hưu” trên cương vị Phó Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An.
Cả cuộc đời cụ Pao cống hiến cho sự bình yên của vùng biên giới miền Tây xứ Nghệ. Cụ đã 2 lần được gặp Bác Hồ, được Bác trực tiếp dạy bảo cách giải quyết vấn đề phỉ. Với uy tín lớn, mọi lời nói, việc làm của cụ được đồng bào các dân tộc đồng tình, làm theo. Năm 2010, cụ Vừ Chông Pao được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đánh giặc từ khi mới 15 tuổi
Cụ Pao sinh ra ở bản Mường Ải (xã Mường Ải, huyện Tương Dương, nay là huyện Kỳ Sơn), một bản nằm sát biên giới Việt Nam - Lào. Nhưng rồi những đỉnh núi cao ngút ngàn cũng chẳng thể ngăn nổi khói lửa chiến tranh khi giặc Pháp đến xâm lược. Làng bản bị đốt phá, người Mông, người Thái, người Khơ Mú không thể yên ổn làm ăn. Mới 15 tuổi, Vừ Chông Pao đã đứng lên, tập hợp thanh niên trai tráng ở địa phương, thành lập Đội Bảo an, chế tạo vũ khí để bảo vệ dân làng.
Cụ Vừ Chông Pao kể rằng, khi mới 15 tuổi cũng chưa biết cách mạng là gì đâu. Chỉ biết kẻ ác đến nhà thì phải tập hợp thanh niên để đánh đuổi thôi. Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến được thành lập, chàng thanh niên Pao được bầu làm Trưởng Công an xã. Lúc đó, xã Na Ngoi trở thành một thành trì vững chắc. Đã nhiều lần bọn giặc vượt rừng đánh sang, nhưng bằng lối đánh du kích, Pao cùng trai tráng trong vùng chiến đấu khôn khéo, anh dũng, khiến chúng không thể tiến sâu vào vùng nội địa. Năm 1960, huyện Tương Dương được chia tách thành hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.
Khi ấy, cụ Pao được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBMTTQ huyện Kỳ Sơn. Cũng thời gian này, Vàng Pao (Lào) xây dựng các cụm phỉ ở sát biên giới Việt Nam, tự xưng là “vua Mèo”. Chúng lôi kéo đồng bào Mông chống phá khối đại đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Anh hùng Vừ Chông Pao đang kể về quãng đời hoạt động cách mạng |
Cụ Pao chia sẻ về “bí kíp” diệt phỉ Vàng Pao: “Người Mông ta bao đời sống ở đất này, rừng này. Mộ ông cha ta còn nằm ở đây, ruộng nương kia cho ta bắp ngô, củ sắn, nuôi ta lớn.Vàng Pao bảo theo Vàng Pao sẽ được sung sướng, không phải làm mà cái bụng vẫn no. Nhưng có ai được như thế đâu. Theo Vàng Pao là cầm súng bắn lại đồng bào mình, làm thế thì cái bụng vui sao cho được. Cứ thế, tuyên truyền cho đồng bào hiểu, lần thứ nhất, lần thứ hai, rồi thứ ba... “Mưa dầm thấm lâu’, những lời thấu tình, đạt lý ấy của già đã khiến người dân hiểu ra nên họ không nghe, không theo Vàng Pao nữa”.
2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ
Năm 1950, từ giữ chức Trưởng Công an xã Na Ngoi, rồi đến Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy Tương Dương đặc trách tại Kỳ Sơn, ngày 2/9/1954, cụ vinh dự đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số ra Hà Nội đón Bác Hồ về Thủ đô. Được gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cụ đã ghi sâu lời dạy của Bác, đại ý: Muốn thắng giặc, 54 dân tộc anh em phải đoàn kết như một bó đũa, sẽ tạo thành một sức mạnh không thể bẻ gãy. Cái lý đó đối với người Mông thật đơn giản và dễ hiểu. Cái dạ của Vừ Chông Pao cũng sáng ra...
Dẹp phỉ Vàng Pao chưa xong thì năm 1962, tại xã Mường Lống, giặc Châu Phà do Già Xây Xua cầm đầu lại nổi lên nhũng nhiễu dân lành. Cũng những lời đường mật, lừa phỉnh như Vàng Pao, Già Xây Xua đã lôi kéo được rất nhiều người Mông ở những xã quanh Mường Lống chống lại cách mạng, khiến chính quyền Kỳ Sơn bối rối. Cụ Pao kể, đang lúc khó khăn ấy thì cụ được mời ra Hà Nội để dự Lễ kỷ niệm lần thứ 18 Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1963). Chính chuyến đi ấy đã giúp cụ tìm được “bí quyết” để dẹp yên quân phiến loạn Châu Phà.
Sau lễ kỷ niệm ngày lập nước, các đại biểu dân tộc thiểu số đến từ mọi miền đã được Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn mời vào gặp mặt ở Phủ Chủ tịch. Sau khi hỏi thăm mọi người, quay sang bác Lê Duẩn, Bác Hồ hỏi: “Anh Ba! Ở Kỳ Sơn, Nghệ An có việc gì?”. “Thưa Bác! Ở Kỳ Sơn, Nghệ An có Châu Phà nổi loạn”. Nghe vừa dứt câu trả lời của đồng chí Lê Duẩn, quay về phía các đại biểu, Bác hỏi: “Châu Phà nổi loạn thì các chú định giải quyết thế nào?”.
Khi mọi người đang lúng túng, cụ Pao đã mạnh dạn đứng dậy, nói những điều mình nghĩ: “Thưa Bác, ở Kỳ Sơn có nhiều người theo Châu Phà, những người này ngoan cố chống lại cách mạng, cầm súng bắn lại nhân dân, bắn bộ đội. Theo cháu, ai đã cầm súng bắn đồng bào mình thì phải tử hình. Ai cầm súng nhưng chưa gây tội ác phải cải tạo từ 1 - 3 năm. Ai không cầm súng nhưng ủng hộ, theo Châu Phà thì cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm...”.
Thấy đại biểu đến từ Kỳ Sơn nói vậy, Bác đã xua tay, nhẹ nhàng nói: “Không được! Không được đâu, các chú ơi! Theo Bác, các chú phải xác định kẻ thù chính của ta là ai? Bạn của nhân dân ta là ai? Ai muốn đô hộ, cướp nước ta? Nhân dân ta trình độ có hạn nên đã nghe theo những lời lừa phỉnh của kẻ xấu. Các chú nên xác định, 54 dân tộc là bạn của ta. Phải cảm hóa họ, để họ về với ta!”. Nghe Bác nói vậy, cụ Pao thấy chí lý vô cùng.
Anh hùng Vừ Chông Pao (ngoài cùng bên trái) cùng BĐBP vận động đồng bào không theo phỉ |
Cụ Pao lấy cho chúng tôi xem những tấm ảnh về thời kỳ hoạt động không thể nào quên đó, rồi tiếp tục câu chuyện: Sau khi về đến Kỳ Sơn, cụ và huyện tổ chức ngay cuộc họp gồm nhiều thành phần tham dự. Suốt ba ngày, cụ đã truyền đạt lại lời của Bác Hồ cho các cán bộ địa phương, đồng thời bàn kế hoạch thực hiện. Sau đó, họ phân chia thành nhiều tổ, đến các bản làng để tuyên truyền, phát tờ rơi.
Đặc biệt, đội tuyên truyền tập trung vào những gia đình có người tham gia đội quân của phỉ tích cực nhất như Lỳ Và Chinh, một trong những đối tượng có ảnh hưởng lớn trong dân bản. Chinh đã đứng ra lôi kéo nhiều người đi theo, nếu thuyết phục được Chinh, nhiều người cũng quay về cùng. Vợ Và Chinh là Y Lầu - Hội trưởng Hội Phụ nữ Mường Lống. Nghe lời khuyên của ông Chủ tịch UBMTTQ đáng kính, nhiều lần Y Lầu đã vào rừng gặp chồng khuyên nhủ.
Chỉ mấy ngày sau, Và Chinh trở về nhà sau nhiều ngày sống chui lủi trong rừng mà không bị giam cầm, bắt bớ, trả thù. Thấy thế, sau Và Chinh, đến lượt đội quân gần trăm tay súng theo Châu Phà cũng trở về trong vòng tay chào đón của dân bản và chính quyền địa phương. Nhóm phỉ có tổ chức lớn do Già Xây Xua cầm đầu chính thức tan rã.
Cùng BĐBP kêu gọi phỉ
Từ sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, hoạt động của phỉ tại biên giới phía Tây Nghệ An giảm đáng kể. Tuy nhiên, do có đường biên giới giáp Lào dài nhất cả nước, nên đây vẫn là địa bàn phức tạp và còn tồn tại những tốp phỉ hoạt động nhỏ, lẻ. Cụ Vừ Chông Pao cùng lực lượng BĐBP đã đi sâu phân tích và chỉ ra rằng, các nhóm phỉ tồn tại được là nhờ sự tiếp tế của một bộ phận đồng bào. Nếu cắt được “cái dạ dày”, phỉ sẽ tự tan rã.
Biết ở Nậm Càn, Na Ngoi, người dân vẫn lén lút tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các đối tượng phỉ, cụ Pao cùng các ban ngành tổ chức các buổi họp dân tại các bản. Ở đây, cụ đã nói những lời “ruột gan” với đồng bào mình: “Chúng ta đều là người Mông, là người Kỳ Sơn, Nghệ An và là người Việt Nam. Đất nước ta đã thống nhất, đang lớn mạnh từng ngày, cớ sao chúng ta lại tiếp tế, tiếp tay cho những kẻ chống phá đất nước”. Đồng thời, cụ còn tuyên truyền nhân dân thực hiện bốn không: Không buôn bán, vận chuyển ma túy; không trồng cây thuốc phiện; không truyền đạo trái phép; không tiếp tế cho phỉ.
Lẽ phải của cụ Pao đã làm đồng bào hiểu ra, họ hứa sẽ không tiếp tế cho phỉ, tố giác kẻ xấu. Những ngày sau, một tốp phỉ xuống bản mua lương thực bị Đồn BP Nậm Càn tóm gọn sau khi được dân bản báo tin. Tiếp theo đó mấy ngày, 5 - 6 hộ gia đình theo phỉ sống cả chục năm nay trong rừng cũng lần lượt ra trình diện. Tại buổi gặp mặt, những người này đã nói với già Vừ Chông Pao rằng, Vàng Pao hứa, đến năm 2000 sẽ về đón tất cả đến một nơi sống sung sướng. Vì tin lời kẻ xấu nên họ đã chui lủi trong rừng để chờ đợi, không ngờ Vàng Pao lừa dối, đến giờ họ mới nhận ra bộ mặt thật của hắn...
Từ đó, các hộ phỉ đã từ bỏ rừng sâu trở về với bản làng. Đến năm 2008, hoạt động phỉ hoàn toàn chấm dứt trên tuyến biên giới miền Tây xứ Nghệ. Bản làng vùng biên lại rộn ràng như ngày hội, Kỳ Sơn đã trở lại thanh bình…
Hùng Phong