Bình yên xứ Nghệ
17575
Chuyện người truy bắt tên tử tù vượt ngục
14:00, 01/01/2012 (GMT+7)
Nhưng có lẽ lần truy bắt tên tử tù nguy hiểm vượt ngục cách đây nhiều năm về trước đã để lại ấn tượng sâu sắc hơn cả. Câu chuyện truy lùng tên tử tù vượt ngục sau đây của anh cùng cộng sự như là một minh chứng sinh động về sự mưu lược và lòng quả cảm.
Tên hắn là Dương Minh Khuê, trú tại bản Mồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Khuê là tên tội phạm nguy hiểm chuyên thực hiện các vụ giết người, cướp của, hiếp dâm với nhiều thủ đoạn hết sức liều lĩnh và man rợ.
Cả một vùng rộng lớn của các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong, người dân mỗi khi nghe đến Khuê đều lo lắng sợ hãi. Hắn có khuôn mặt dài ngoẵng như chiếc lưỡi cày, đôi mắt cú mèo tàn ác. Trong một vụ giết người cướp của, Khuê đã bị các chiến sỹ CSHS công an huyện Nghĩa Đàn tóm gọn khi đang gây án. Khuê bị truy tố ra trước vành móng ngựa, bị Tòa tuyên phạt bằng bản án tử hình.
Hắn bị giam nghiêm ngặt trong lao dành cho tử tù. Vào một buổi tối mưa to, gió lớn, tên tử tù Dương Minh Khuê đã đào tường vượt ngục trốn khỏi trại giam. Ngay sau đó, công an huyện Nghĩa Đàn ra mật lệnh bằng mọi cách phải bắt cho được tên Dương Minh Khuê để ngăn chặn tội ác mà hắn có thể gây ra sau khi trốn trại.
Trung tá Phan Trung Tuyến
Xác định đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi tên Khuê rất ranh mãnh, tàn ác lại chuyên vượt rừng rậm núi cao, chạy nhanh như chó sói. Nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm này cần những chiến sỹ dũng cảm, gan dạ và thông minh vào cuộc truy lùng.
Bởi vậy, Lãnh đạo công an huyện Nghĩa Đàn đã giao cho Phan Trung Tuyến. Để tóm được tên Khuê, anh Tuyến chủ động vạch các phương án mật phục, đón lõng và trực tiếp thực hiện. Phan Trung Tuyến vắt óc suy tính làm sao để bắt được tên Khuê tránh đổ máu. Anh nhớ lại một buổi sáng chủ nhật cách đó không lâu, anh cùng người bạn đi ăn sáng. Phía bên kia bàn ăn có hai gã đàn ông, một người đầu cắt tóc ngắn, một kẻ tóc dài vẻ mặt ngang tàng.
Chúng tự giới thiệu là tù nhân vừa mãn hạn trở về gia đình. Anh Tuyến hỏi người đầu cắt tóc ngắn có bộ mặt hàm hố tên là gì, hắn trả lời: “Khuê” với vẻ tự mãn. Tên Khuê cũng quay sang hỏi: “Vậy anh tên chi? Làm việc ở mô?”. Anh Tuyến cũng tự giới thiệu là Phan Trung Tuyến, CSHS công an huyện Nghĩa Đàn.
Bọn chúng xin chúc rượu, anh Tuyến đứng lên cụng chén và nói: “Chúc các anh trở về gia đình đoàn tụ, hạnh phúc và làm nhiều việc tốt”. Sau đó mỗi người đi về một hướng. Anh Tuyến nghĩ lại lần gặp Khuê tại cửa hàng ăn hôm đó và bắt đầu hình dung để nhớ lại từng chi tiết về Khuê, mặt hắn dài ngoẵng trắng bợt, dáng đi oằn về phía trước như con rắn đang bò...
Bằng khả năng phán đoán nhanh nhạy, anh Tuyến nhận định: Có khả năng tên Khuê sẽ vượt đường rừng đến huyện Quế Phong, rồi lên biên giới để chạy sang Lào. Phan Trung Tuyến bắt đầu xuất phát cuộc truy lùng Dương Minh Khuê. Anh được một đồng nghiệp làm nhiệm vụ yểm trợ, hai người dắt súng ngắn vào người nhanh chóng mật phục tại con đường qua sông Nậm Giải.
Lúc này đã 9 giờ đêm, hai người nằm gọn trong bụi cây trên bờ suối giáp biên giới Lào quan sát. Bổng nghe tiếng sột soạt của các hòn sỏi bị va chạm. Anh Tuyến nhìn xuống suối, trong ánh trăng mờ ảo thấy một người đàn ông chỉ mặc độc chiếc quần lót, hai chân trắng như vôi. Dáng đi oằn như con rắn đang vượt suối, đi rất nhanh. Tuyến ra tín hiệu cho đồng đội hỗ trợ rồi anh bám theo.
Khi Tuyến vừa rời chỗ nấp, nhanh như chớp, người đàn ông kia quay phắt lại chĩa súng vào phía anh. Anh Tuyến gọi ngay: “Khuê ơi”. Hắn hỏi: “Anh Tuyến à?”. Anh trả lời giọng bình tĩnh: “Anh Tuyến đây”. Lúc đó, anh nghĩ phải đối phó ngay trước khi Khuê có thể nổ súng. Anh Tuyến tiến về phía đối tượng, Khuê thì cứ lùi dần thế phòng thủ, vẫn hướng nòng súng về phía anh Tuyến nhưng không bóp cò.
Rồi hắn đứng lặng như khúc gỗ, quỳ sụp xuống van xin: “Anh Tuyến ơi, bên kia đã là biên giới rồi, chỉ một lát nữa là em qua Lào. Em nộp anh khẩu súng đã lên đạn và con dao nhọn, em có mấy nén bạc trắng biếu anh luôn. Ở đây chỉ có anh và em. Em xin anh tha cho em đi. Em đội ơn anh suốt đời”. Rồi hắn khóc, giọng rên rỉ: “Em còn có con nhỏ, mẹ đã già yếu. Em xin anh cứu mạng em..”.
Trước cảnh tượng này, Phan Trung Tuyến mềm mỏng “Anh quay về đi để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Tôi không còng tay anh đâu, anh đi trước, tôi đi sau’’. Hắn đột ngột nằm sụp xuống thở dốc như kẻ sắp chết. Khuê không đứng lên được nữa. Có lẽ hắn đang lo sợ khi nghĩ về cái án tử hình đang treo lơ lửng trước mắt hắn. Lần này hắn bị bắt, thời gian bị xử bắn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Một lúc sau, hắn mếu máo khóc và xin anh Tuyến một điều, trước khi về trại giam cho phép hắn được ghé qua nhà thăm vợ con một lát. Anh Tuyến đồng ý, như xóa đi được mọi nỗi sợ hãi, hắn lò mò đứng lên. Tuy nhiên phải hai người xốc tay hắn lên mới kéo đi được. Sau đó, cả ba người men theo con đường mòn đi về phía ngôi nhà nhỏ nơi gia đình hắn đang sinh sống.
Trải qua một đêm vất vả, sáng ngày hôm sau, anh Tuyến và công an xã mới đưa được Khuê vào phòng giam dành cho tử tù. Với Phan Trung Tuyến đây là câu chuyện anh không bao giờ có thể quên, bởi lúc đối mặt với tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, nếu không ứng xử phủ đầu với tên tội phạm nguy hiểm, làm hắn rối trí, hắn có thể nổ súng...
Trung tá Phan Trung Tuyến (nay là Phó trưởng Công an Thị xã Thái Hòa) tâm sự: “Tôi thích làm cảnh sát hình sự từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Bây giờ vào ngành rồi mới thấm thía rằng, muốn làm hoàn thành được nhiệm vụ của lính hình sự, ngoài chuyên môn, kinh nghiệm còn phải biết dựa vào dân, được dân tin yêu giúp đỡ. Khi người dân là tai mắt của những người cán bộ, chiến sỹ CSHS thì chúng tôi sẽ được dân bảo vệ, nhiệm vụ nào dù khó đến mấy cũng hoàn thành”.
Vừa qua, Trung tá Phan Trung Tuyến được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Lê Hoa