Cảnh giác
Cảnh giác thông tin giả trên mạng xã hội
Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh
Hằng ngày, mỗi người chúng ta khi dùng mạng xã hội sẽ tiếp nhận vô vàn thông tin khác nhau. Thế nhưng để phân biệt đúng sai, sàng lọc những thông tin này thì không phải ai cũng làm được. Thời gian qua, rất nhiều thông tin giả, hay còn gọi là fake news xuất hiện ngày càng nhiều.
Bên cạnh việc đăng thông tin giả, các website giả danh cơ quan công quyền nhà nước hoặc các cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước... cũng đang được nhiều đối tượng cơ hội, phản động lợi dụng triệt để nhằm kích động người dân và làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Chính vì vậy, tốc độ lan truyền của những những thông tin không được kiểm chứng sẽ rất nhanh chóng chỉ với một cú click chuột.
Hiệu ứng đám đông là những gì chúng ta vẫn nhắc đến khi hàng loạt những thông tin xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. Và nếu đó là một thông tin giả có thể dẫn tới tiêu cực của hàng loạt vấn đề như kinh tế, xã hội, tạo dư luận xấu... thậm chí, tin giả có thể cướp đi cả tính mạng của một con người khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng. Thông tin giả, thế nhưng hậu quả thật sự của tin giả là hiện hữu.
Thời gian qua, các cơ quan quản lí nhà nước đã tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Google thời gian qua đã ngăn chặn, gỡ bỏ được gần 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube theo yêu cầu của Bộ. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Phải khẳng định: Việc phát tán thông tin giả, mạo danh là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự.
Nguồn: ANTV