Cảnh giác

Những chiếc bẫy không tên trên mạng xã hội

14:21, 21/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ phát sóng trực tiếp đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển của các mạng xã hội. Nhưng không ít người dùng đang lợi dụng công cụ này để lan truyền những nội dung mang tính công kích, bạo lực.
 
Gần 1 tuần đã trôi qua nhưng vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand vẫn khiến mọi người phải rùng mình khi nhắc tới. Đặc biệt, điều khiến cả cộng đồng quốc tế lẫn chính quyền các quốc gia  đều lo ngại là sự chuyển hoá trong tư tưởng của thủ phạm Brenton Harrison Tarrant khi vô tình “mắc bẫy” tổ chức Hồi giáo cực đoan trên các mạng xã hội.
 
Theo tin từ hãng CNN của Mỹ, mặc dù đã bắt được thủ phạm trong vụ tấn công khủng bố nói trên, song chính phủ New Zealand vẫn mở rộng cuộc điều tra để tìm hiểu xem có ai đứng đằng sau hành động đẫm màu này. 
 
Lực lượng an ninh, tình báo của nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Australia, Mỹ… cũng vào cuộc. Tất cả đều nhằm mục đích thiết lập hồ sơ, việc đi lại của Brenton Harrison Tarrant để từ đó “xây dựng một bức tranh toàn cảnh về hung thủ”. 
 
Các chuyên gia về tội phạm học thì nhận định, hành động luôn coi người da trắng là “thượng đẳng” của Brenton Harrison Tarrant được tiếp tay bởi những kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. 
 
Trong bài đăng tải dài 84 trang trên tài khoản Twitter cá nhân, Brenton Harrison Tarrant từng thú nhận, động cơ vụ tấn công xuất phát từ cái chết của một bé gái Thụy Điển 11 tuổi trong vụ tấn công bằng hình thức đâm xe tải ở Stockholm hồi tháng 4-2017. 
 
Khi đó, thủ phạm người Uzbekistan đã tuyên bố muốn tận diệt những người báng bổ đạo Hồi. Chính cái tư tưởng căm phẫn ấy của Brenton Harrison Tarrant khi được đưa lên mạng xã hội đã thu hút các các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Al-Qaeda, để rồi từ đó chúng dần dần tác động tiêu cực, kích động mâu thuẫn giữa tên này với những người theo đạo Hồi. 
 
Bởi lẽ, khi xảy ra nhiều cuộc tấn công đẫm máu mang màu sắc phân biệt tôn giáo thì những tổ chức Hồi giáo cực đoan này càng "đắc lợi" và giúp củng cố luận điểm cực đoan của chúng…
 
Một điểm đáng chú ý nữa là Brenton Harrison Tarrant là người “mê mạng xã hội”, hay lang thang trên các diễn đàn và thích đi du lịch đây đó theo lời hướng dẫn của “những người bạn mạng”. 
 
Tên này từng tới một vài nước như Romania, Ai Cập, Hy Lạp, Bosnia, Montenegro, Croatia, Serbia, Pháp, Bồ Đào Nha, Iceland, New Zealand, Argentina, Ukraine, Pakistan và cả Thổ Nhĩ Kỳ để rồi từ đó có những phát ngôn lạ như kêu gọi ám sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thị trưởng London Sadiq Khan; tấn công Thủ tướng Đức Angela Merkel… 
 
Các nhà chức trách không loại trừ khả năng Brenton Harrison Tarrant có liên hệ với chính những tổ chức Hồi giáo cực đoan trong mỗi chuyến du lịch đó.
 
Đặc biệt, việc tên này livestream vụ xả súng kinh hoàng trên Facebook là một cách để thể hiện và truyền bá tư tưởng cực đoan. Một đại diện cấp cao của Facebook cho hay, mạng xã hội này đã phải xoá 1,5 triệu video về vụ khủng bố ở Christchurch để bảo vệ người dùng khỏi những nội dung bạo lực cũng như ngăn cản video này trở nên phổ biến theo ý đồ của những kẻ khủng bố. 
 
Nhưng khi những video này bị xoá thì có tới 1,2 triệu bản video khác đang trong quá trình tải lên và chưa kể đến hàng triệu video như thế hoặc được cắt ghép lại, vẫn xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, YouTube, WhatsApp, Instagram. 17 phút video bắn giết ở Christchurch đã gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới một bộ phận lớn người dùng Internet đang bị lôi kéo vào những tư tưởng cực đoan.
 
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, dịch vụ phát sóng trực tiếp đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển của các mạng xã hội. Nhưng không ít người dùng đang lợi dụng công cụ này để lan truyền những nội dung mang tính công kích, bạo lực. 
 
Năm 2017, một người cha ở Thái Lan đã livestream video giết hại chính con gái của mình lên Facebook. Sau đó hơn một ngày, video này - với khoảng 370.000 lượt xem - mới được Facebook xoá bỏ. 
 
Cùng năm, video một người đàn ông bắn chết một người khác ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ cũng được phát trực tiếp khiến nhiều người xem bị sốc. Tháng 8 năm ngoái, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại một giải thi đấu game trực tuyến ở Jacksonville, Florida, cũng được quay và phát trực tuyến…
 
Vậy làm thế nào để tránh mắc những chiếc bẫy cực đoan như vậy trên mạng xã hội? Bộ trưởng Lao động Anh Jeremy Corbyn cho rằng, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Instagram và WhatsApp cần phải hành động mạnh hơn, mà cụ thể là có những hệ thống kiểm duyệt nội dung để tránh những trường hợp tương tự xảy ra. 
 
Bên cạnh đó, luật an ninh mạng của các nước khi đưa vào thực thi cũng sẽ giúp người dùng nhận thức rõ hơn trách nhiệm khi chia sẻ hoặc tiếp nhận  thông tin trên mạng xã hội: "Việc phát trực tiếp cảnh xả súng tại New Zealand chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về quy định và việc kiểm soát của Facebook. Họ đã cung cấp nền tảng cho cuộc tấn công khủng khiếp và tạo điều kiện cho một số người lan truyền những nội dung cực đoan này. Tôi muốn nói là không chỉ thủ phạm Brenton Harrison Tarrant mà cả những người đã chia sẻ video này đều có lỗi lớn trước cái chết của nhiều người ở Christchurch”, Clement Thibault, chuyên gia phân tích của Investing nhận định.

Nguồn: Huyền Chi/CAND

Các tin khác