Cảnh giác

Nhận diện tội phạm lừa đảo bằng hình thức xin việc làm

08:21, 10/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “chạy việc” bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Mặc dù vậy, lợi dụng tâm lý cần việc làm cho người thân của mình, nhiều đối tượng đã tái diễn chiêu trò cũ, vờ xin việc để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại.

Công an huyện Diễn Châu bắt giữ đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức
Công an huyện Diễn Châu bắt giữ đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức

 

Giấy nhận tiền cọc “chạy việc” ông Nguyễn Công An nhận của bị hại
Giấy nhận tiền cọc “chạy việc” ông Nguyễn Công An nhận của bị hại

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Ông Nguyễn Xuân Diệu (55 tuổi) trú tại khối 10, phường Cửa Nam (TP Vinh) vừa có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về việc ông bị một đối tượng mạo danh các cơ quan Nhà nước, lừa đảo xin việc để chiếm đoạt tiền.

Theo đó, thông qua các mối quan hệ xã hội, ông Diệu có quen biết với Nguyễn Công An (60 tuổi) trú tại xã Hưng Hòa (TP Vinh). Biết ông Diệu có nhu cầu xin việc làm cho cháu Nguyễn Thị H., tốt nghiệp trung cấp y nhưng chưa có việc làm, ông An “nổ” là có quen biết với nhiều lãnh đạo bệnh viện trên địa bàn, trong đó có Bệnh viện GTVT Vinh nên nhận lời “chạy việc” cho cháu H. với số tiền 250 triệu đồng. Ngày 8/8/2015, hai bên đã làm thỏa thuận và ký hợp đồng khoán việc; đồng thời, ông An đã nhận trước số tiền 50 triệu đồng, kèm theo giấy hẹn “đến tháng 11/2015 nếu không có quyết định đi làm thì sẽ hoàn trả lại số tiền nói trên”.

Quá thời hạn cam kết, sau nhiều lần bị thúc ép, ngày 4/2/2016, ông An đã giao cho cháu H. Quyết định về việc tiếp nhận cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Giao thông Nghệ An, có dấu đỏ và chữ ký của bác sĩ Lê Văn Tiệc, Giám đốc Bệnh viện đề ngày 18/1/2016.

Tuy nhiên, đến ngày đi làm, cháu H. mang quyết định này đến Bệnh viện mới vỡ lẽ, đây là quyết định giả, trong thời gian này Bệnh viện không hề có nhu cầu tuyển dụng, cũng chưa từng ra quyết định nào tương tự như vậy. Bức xúc, từ tháng 5/2016 đến nay, gia đình đã nhiều lần làm đơn đề nghị ông An trả lại tiền song ông này lần lữa, nhiều lần viết giấy hẹn nhưng chây ì, không trả.

Không chỉ vậy, “nổ” mình làm việc tại Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - đào tạo và giới thiệu việc làm Nghệ An, có địa chỉ tại 60 Đào Tấn (TP Vinh), ngày 28/7/2015, Nguyễn Công An đã ký hợp đồng công việc với ông Nguyễn Xuân Diệu để nhận cháu Võ Ngọc T., có trình độ cao đẳng điều dưỡng vào làm việc tại một trường mầm non trên địa bàn TP Vinh với giá hàng trăm triệu đồng, nhận tiền cọc trước 30 triệu đồng. Cũng như lần trước, sau khi nhận tiền xong, không những không xin được việc mà tiền cọc cũng chây ỳ, không trả lại cho khổ chủ.

Cũng thời gian này, ông Trần Thăng Long (67 tuổi) trú tại phường Đội Cung (TP Vinh) có đơn trình báo về việc bị Nguyễn Công An, dưới danh nghĩa là cán bộ của Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - đào tạo và giới thiệu việc làm Nghệ An, đã nhận lời “chạy việc” cho cháu của ông là Phạm Thị M., Thạc sĩ chuyên ngành CNTT vào giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Sau 3 tháng nhận tiền cọc, ông An đã trao cho cháu M. thông báo tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện vào dạy học tại Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, có dấu đỏ và chữ ký của TS. Dương Xuân Thao, Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, khi cầm những giấy tờ này đến trường, Ban giám hiệu khẳng định đây là giấy tờ giả, mạo danh vì nhà trường không có nhu cầu tuyển dụng mới.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Công An, song ông này lấy lý do bận công tác nên từ chối trao đổi và cho biết mọi việc đã dàn xếp ổn thỏa nên không hợp tác. Trong một diễn biến khác, hiện cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã tiếp nhận đơn tố cáo của các bị hại liên quan đến ông Nguyễn Công An và vụ việc hiện đang được điều tra, thụ lý.

Một số đối tượng lừa đảo “chạy việc” bị khởi tố gần đây tại Nghệ An
Một số đối tượng lừa đảo “chạy việc” bị khởi tố gần đây tại Nghệ An

Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức “chạy việc”

Thời gian gần đây, dư luận tại huyện Quỳ Hợp xôn xao trước thông tin, cô Lương Thị Nga (35 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Văn Lợi nhận chạy việc cho hàng chục người, với số tiền cả tỉ đồng nhưng bỗng dưng “mất tích”.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Hoàng Nghĩa Tú, Phó trưởng Công an huyện Quỳ Hợp xác nhận, Lương Thị Nga là đối tượng đang được cơ quan CSĐT Công an huyện điều tra, xác minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, trước đó, Nga là đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo, đã bị điều tra, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỉ đồng.

Trước đó, vào tháng 6/2016, cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng đã khởi tố vụ án đối với Nguyễn Thị Ngọc Anh (34 tuổi) trú tại phường Lê Mao (TP Vinh), là giáo viên trung học về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng hình thức làm giả con dấu, chữ ký của nhiều đơn vị, Ngọc Anh đã tạo ra các quyết định giả, sau đó “nổ” có quan hệ với nhiều lãnh đạo cấp tỉnh để nhận “chạy việc” vào các đơn vị như: Trường Tiểu học Nghi Kim với giá 120 triệu đồng; Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh với giá 180 triệu đồng. Số tiền này, Ngọc Anh đã chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Vụ việc vỡ lở, do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Lợi dụng điều này, đối tượng tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt của ông Nguyễn Huy Chất ở huyện Nghi Lộc số tiền 150 triệu đồng để “chạy” cho con gái ông này vào làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Những năm gần đây, xuất phát từ thực tế, các cơ quan Nhà nước đã bão hòa về nhân sự, không có nhu cầu tuyển dụng mới, trong khi các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp mở ra nhan nhản, hàng năm có một lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp rất lớn, nhu cầu xin việc nhiều nhưng không được đáp ứng dẫn đến thất nghiệp. Đánh vào tâm lý cần có việc làm, nhiều đối tượng đã mạo danh mình là con cháu của các lãnh đạo, hoặc có mối quan hệ rộng với ông này, bà nọ để lừa đảo xin việc làm.

Hành vi phạm tội của các đối tượng này đều được thực hiện dưới hình thức nhận hồ sơ xin việc làm và xin học vào các trường của lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tiền đặt cọc hoặc trọn gói của bị hại, các đối tượng đã không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân. Một số đối tượng khác sau nhiều lần hứa hão, khất lần trả lại tiền đã bỏ trốn khỏi địa phương, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Theo đánh giá của cơ quan CSĐT, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo xin việc làm không có gì mới, song vì nhu cầu việc làm, các nạn nhân trong vụ án đã tin tưởng vào những lời hứa hẹn của các đối tượng đưa ra. Thậm chí, nhiều trường hợp mặc dù công việc chưa có kết quả nhưng bị hại vẫn nhiệt tình giới thiệu thêm nhiều trường hợp khác, khiến nhiều người cùng sập bẫy.

Quá trình điều tra, xác minh thủ đoạn của các đối tượng này cũng rất khó khăn, bởi quá trình trao đổi, thỏa thuận chỉ là giao dịch dân sự, đối tượng rất cảnh giác khi giao nhận tiền, chỉ ghi là vay mượn để sử dụng mục đích cá nhân, hoặc chỉ viết giấy nhận nợ để “lách luật” khi bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Về phía các bị hại, một phần do xấu hổ với đồng nghiệp, bạn bè và hàng xóm láng giềng; phần nữa tâm lý đòi lại được tiền cũng khó nên đã im lặng, không tố giác tội phạm và đây là kẽ hở để các đối tượng tiếp tục tìm những bị hại khác để lừa đảo.

Để giảm thiểu thiệt hại do loại tội phạm này gây ra, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước chiêu lừa “chạy việc” để chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng đục nước, béo cò. Theo quy định hiện hành, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm cho thân nhân của mình, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc vẫn không xin được.

Thiện Thành

Các tin khác