Cảnh giác
Cảnh giác: 'Người đi thu nợ'
Quá trưa, cái nắng tháng tư hầm hập như đổ lửa. Ngồi trong quán nước mía ven đường Vành Đai Trong (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TPHCM), chốc chốc chị Lê lại sốt ruột vén tay áo xem đồng hồ.
“Quái lạ, con bé này bảo đi chừng nửa tiếng, nãy giờ mình đợi hơn ba giờ rồi sao vẫn chưa thấy nó quay lại?”. Ngẫm lại toàn bộ câu chuyện trước đó, chị Lê chợt thấy ngờ ngợ có điều gì đó không ổn. “Lẽ nào...”, chị Lê không dám nghĩ tiếp điều mình vừa linh cảm...
Quen nhau trong một lần Dung ghé quán nước của chị Lê ở đường Nữ Dân Công (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nghỉ chân. Qua chuyện trò, chị Lê được biết hiện Dung đang làm tại Xí nghiệp sản xuất bao bì Thịnh Phát, ở Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức.
“Xí nghiệp cho em nghỉ hai tuần để xuống đây thu hồi tiền công nợ, nếu không phiền xin chị cho em tá túc ít hôm”. Nghe Dung thỏ thẻ ngỏ lời, nghĩ nhà cũng rộng rãi, vả lại còn dư mấy phòng trọ chưa có người thuê, chị Lê chẳng chút đắn đo liền vui vẻ đồng ý ngay.
Ở nhà chị Lê được hai hôm, Dung bỗng gợi ý: “Thằng Tín con chị sao hổng thấy làm gì hết vậy. Cứ lông bông hoài có ngày sinh hư. Hay để em xin cho nó vào làm xí nghiệp trên đó?...”.
Chạm đúng tâm sự buồn, giọng chị Lê thiểu não:
- Kể cũng tội, năm rồi nó thi rớt tốt nghiệp. Chị cũng đang tính cho nó học một nghề gì đó để sau này kiếm cơm nhưng nghĩ chưa ra. Em thương thì nói vậy chứ nó biết gì về nghề sản xuất bao bì đâu. Mà làm sao xin được?
- Thì làm ở bộ phận khác. Chị đừng lo, chỗ anh Vũ - giám đốc xí nghiệp - là bà con bạn dì với em mà. Em giới thiệu chắc chắn là được liền!
Mặc dù nghe Dung quả quyết chắc như đinh đóng cột, song chị Lê vẫn chưa hết phân vân:
- Nhưng nó hổng có bằng cấp gì hết...
- Nhằm nhò gì, chuyện nhỏ mà chị. Chỉ cần bỏ ra ba triệu đồng, mua cho nó cái bằng cấp ba là xong.
- Được không em? Mà... mua ở đâu?
- Vụ này để em lo, chị yên tâm. Bây giờ chị đưa em ba triệu, thêm hai trăm ngàn nữa để em mua hồ sơ cho nó.
Chiều hôm sau, Dung hồ hởi về nhà khoe cùng chị Lê: “Em đã nộp hồ sơ cho thằng Tín rồi. Anh Vũ đồng ý nhận nó vào làm thu ngân, chung bộ phận với em, lương khởi điểm năm triệu đồng một tháng. Vài hôm nữa là có quyết định đi làm”. Nghe Dung nói mà chị Lê cứ ngỡ như mình đang nằm mơ.
Theo gợi ý của Dung, sáng hôm sau chị Lê ra chợ Vĩnh Lộc mua một chiếc nhẫn vàng hai chỉ, một chục chén với sáu cái tô kiểu để làm quà tặng nhân ngày sinh nhật của vợ giám đốc Vũ. Buổi tối đi dự sinh nhật về, Dung tiếp tục thông báo “tin vui”:
- Đúng là số chị hên thiệt, bữa nay anh Vũ có nói xí nghiệp đang phân lô đất để bán cho công nhân, chỉ 120 triệu một nền. Đóng tiền trước 30 phần trăm, số còn lại trừ dần vào lương trong thời hạn 5 năm. Phải mua đất cất nhà mới nhập hộ khẩu, vào biên chế được. Xí nghiệp cũng đang tuyển thêm 4 nhân sự làm ở khâu kiểm hàng, chị coi ai có nhu cầu thì giới thiệu giúp luôn.
Nghe chị Lê than chỉ để dành được 20 triệu, chưa đủ đóng tiền mua đất ngay, Dung tỏ ra sốt sắng: “Thế cũng được, còn thiếu bao nhiêu em cho chị mượn. Chỗ chị em mình coi như giúp qua giúp lại vậy. Còn những trường hợp kia, chị cứ nói ai muốn xin vào làm thì đóng trước 10 triệu đồng”.
Sáng hôm nay, chị Lê hí hửng chở Dung lên nhà thăm vợ chồng giám đốc Vũ, đồng thời nhận quyết định đi làm của con trai chị luôn. Lấy lý do phải ghé ngân hàng chuyển tiền gấp cho xí nghiệp, Dung bảo chị ngồi uống nước chờ, mượn xe máy đi chuyển tiền xong sẽ quay lại đón.
Nhưng đã quá trưa mà bóng dáng Dung vẫn bặt vô âm tín. Gọi mãi cho Dung không được, chị Lê đành gọi về nhà định dặn hai con ăn cơm trước đừng chờ. Nghe con gái cho biết trước đó độ hai giờ, Dung có tạt về nhà thu dọn hành lý rồi đi đâu không rõ, chị Lê tưởng như đất sụp dưới chân mình. Chỉ đến lúc này chị mới cay đắng nhận ra vì quá dễ dãi, cả tin nên bị dính “bẫy lừa”.
Nguồn: Báo CATPHCM