An ninh trật tự
Thủ đoạn lừa đảo bằng mê tín dị đoan của gã thầy bói dởm
08:11, 15/05/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự mê tín dị đoan của một số người, Nguyễn Thanh Bình đã lừa có kho báu trong nhà hoặc sau vườn bị “yểm bùa”, nếu ai muốn đào lên thì phải đưa tiền để làm lễ cúng, giải yểm. Với thủ đoạn này, Bình đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại số tiền 1,5 tỉ đồng.
Nguyễn Thanh Bình (SN 1959) sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cuộc sống làm nông khó nhọc nên Bình chuyển sang “nghề” xem bói. Bình đọc nhiều sách tướng số, cộng với tài ăn nói khéo léo nên dễ dàng lấy được lòng tin của một số người mê tín. Nhưng xem bói chỉ là cách Bình che mắt mọi người để thực hiện hành vi lừa đảo và phải trả giá trước pháp luật. Cụ thể, năm 1997, Nguyễn Thanh Bình bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm 2012, Bình tiếp tục nhận bản án 8 năm tù về tội danh trên. Nhờ cải tạo tốt nên Bình được giảm án ra tù trước thời hạn.
Bị cáo Nguyễn Thanh Bình tại phiên tòa |
Mặc dù nhiều lần ra tù vào tội nhưng với tài ăn nói và khả năng xem bói, cúng giải hạn, nhiều người vẫn tin tưởng vào khả năng bói toán “siêu phàm” của “thầy Bình”. Bởi vậy, sau những lần ra tù, Bình vẫn ung dung hành nghề “xem bói” và sử dụng các thủ đoạn để lừa đảo những người mê tín.
Chiêu thức lừa đảo của Bình là, lợi dụng những người đến nhà xem bói sau đó phán "dưới nhà có kho báu, muốn lấy phải giải vong"; có khi Bình phán gia chủ đang bị vong theo hoặc duyên âm theo cần phải giải… Nắm bắt được tâm lý lo sợ của những người đến xem bói, Bình một mặt ra tay “giúp đỡ” họ cúng giải hạn tại nhà, mặt khác sẽ thực hiện từng bước trong kế hoạch lừa đảo vạch sẵn từ trước.
Cụ thể, khi được khách mời đến nhà cúng giải hạn kết hợp với xem gia sự, Bình lừa chủ nhà trong vườn có mộ cổ hoặc kho báu lớn trong phần đất của gia chủ. Tuy nhiên, số báu vật này đã bị “yểm”, muốn lấy được thì phải bỏ tiền ra để giải bùa yểm. Trong lúc làm lễ cúng “giải bùa”, Bình bảo chủ nhà lên nhà trên thắp hương để khấn. Lợi dụng lúc gia chủ không có mặt, Bình nhanh tay vùi xuống đất một số bức tượng hoặc mâm vàng đã được làm giả. Khi gia chủ trở lại bàn khấn lễ, Bình “cố tình” để gia chủ nhìn thấy một phần “kho báu” rồi phán “phải cúng giải yểm”, nếu không những người trong gia đình sẽ gặp nạn. Thậm chí, để các nạn nhân tin tưởng được “phần âm” chỉ lối, Bình cho họ chọn một tờ giấy trắng, đặt dưới lư hương. Lợi dụng lúc gia chủ không để ý, Bình đánh tráo tờ giấy trắng đó bằng tờ giấy “mạo danh” người âm ghi thông tin về kho báu cũng như cách để lấy được số vàng bạc, châu báu đó. Những nội dung trong các tờ giấy đó đều hướng tới việc nhờ “thầy Bình” giải yểm với số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Hầu hết những nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo của Bình đều là những người mê tín dị đoan, do vậy, họ có niềm tin mù quáng vào những trò bói toán mà “thầy Bình” vạch ra. Để nạn nhân hoàn toàn tin tưởng và chi tiền cho Bình làm lễ, hắn đưa ra các lý do ép buộc nạn nhân phải làm theo mong muốn của mình, chi tiền hàng trăm triệu đồng để giải hạn. Các nạn nhân sau khi “dâng” cho thầy cúng này một số tiền lớn nhưng không thấy “thầy” làm lễ giải yểm, liên lạc qua điện thoại cũng không được nên tự đào kho báu lên. Đến lúc này họ mới tá hỏa khi các bức tượng, mâm vàng, đĩa bạc… trong “kho báu” trên chỉ là đồ nhựa được sơn màu vàng.
Với thủ đoạn này, từ năm 2003 đến 2019, Nguyễn Thanh Bình đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 người với số tiền lên tới gần 1,5 tỉ đồng. Ngày 29/5/2019, Bình bị Công an huyện Đô Lương bắt giữ.
Ngày 5/5/2020, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bình khai, do nợ nần lô đề, bài bạc nên đã lừa các bị hại thông qua yếu tố tâm linh, bói toán để lấy tiền trả nợ. Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thanh Bình bị tòa tuyên phạt 16 năm tù, buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Đây là bài học cảnh giác cho tất cả mọi người: Chớ nên vội vã cả tin những lời đồng bóng, mê tín dị đoan để rồi “tiền mất tật mang”.
Cao Loan