An ninh trật tự
Giảm thiểu mâu thuẫn, tăng cường răn đe
(Congannghean.vn)-Chỉ vì chấp nhau câu nói, vì tức nhau khi trong người đã có chút tửu lượng, không ít người đã tự biến mình trở thành hung thủ trong các vụ án giết người, cố ý gây thương tích. Đau lòng hơn, có khi nạn nhân chính là vợ chồng, anh em, trước khi xảy ra vụ việc, đã là máu thịt hoặc rất thân thiết, gắn bó với nhau, sẵn sàng quên mình vì nhau…
Nghiện game đẩy nhiều thanh, thiếu niên vào con đường phạm tội - Tranh minh họa |
Đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp
Trong năm 2017, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An có giảm so với năm 2016 nhưng vẫn còn nhiều và diễn biến phức tạp. Riêng về tội phạm giết người, đã xảy ra 29 vụ, làm chết 26 người, bị thương 10 người. Trong đó, có nhiều nguyên nhân: Vì mâu thuẫn bột phát, vì khúc mắc tình ái, hay để cướp tài sản. Không loại trừ các đối tượng gây án khi đang trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh, sử dụng ma túy tổng hợp gây ra hiện tượng “ngáo đá”, ảo giác. Trong khi đó, tội phạm và vi phạm về cố ý gây thương tích xảy ra 344 vụ, làm chết 4 người, bị thương 399 người. Chiếm tỉ lệ lớn nhất vẫn là do mâu thuẫn bột phát và cố ý gây thương tích sau khi đã sử dụng rượu bia. Điều đáng chú ý, độ tuổi các đối tượng gây ra đang có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu là thanh, thiếu niên.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an TP Vinh triển khai các giải pháp đấu tranh với tội phạm hoạt động theo băng ổ nhóm trên địa bàn thành phố; đồng thời, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đánh mạnh vào tội phạm hoạt động theo băng ổ nhóm, nhất là các hành vi tụ tập đông người, sử dụng vũ khí, hung khí, công cụ hỗ trợ đâm chém, trả thù lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, gây hậu quả xấu, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích. Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quyền, nghĩa vụ trong phòng, chống tội phạm nói chung; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội nói riêng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Với sự tham mưu, chủ trì của lực lượng Công an, các địa phương cũng đã không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, đi vào thực chất của các tổ tự quản về ANTT, các tổ hòa giải trên địa bàn thôn, xóm để tuyên truyền, giáo dục và quản lý theo các hộ gia đình, tổ dân cư; sớm phát hiện, làm giảm các mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm, dòng họ…, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Thông qua hoạt động, trong năm qua, các tổ tự quản, tổ hòa giải về ANTT đã kịp thời phát hiện và giải quyết 826 vụ, việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần hòa giải, ngăn chặn điều kiện phát sinh tội phạm giết người, cố ý gây thương tích.
Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến tại các địa bàn cơ sở. Việc cảm hóa, giáo dục những đối tượng từng lầm lỗi, vi phạm pháp luật cũng được chú trọng triển khai tại các thôn, xóm, nhất là các địa bàn trọng điểm.
Song song với các biện pháp phòng ngừa xã hội, công tác phòng ngừa nghiệp vụ cũng được tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự, áp dụng các biện pháp giáo dục tại các phường, xã; đưa vào cơ sở giáo dục hoặc cai nghiện bắt buộc, từng bước góp phần làm trong sạch địa bàn, hạn chế nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm.
Trách nhiệm không chỉ của lực lượng Công an
Theo số liệu gần đây nhất, qua nghiên cứu từ số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam cho thấy: Có tới 46% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp.
|
Dù đã rất nỗ lực kéo giảm tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội nhưng trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Tác động tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường được xem là nguồn gốc chính làm phát sinh các loại tội phạm nói chung và tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội nói riêng. Lối sống ích kỷ, coi thường mạng sống của người khác khiến nhiều kẻ sẵn sàng ra tay tàn độc, trong đó, không ít nạn nhân là người thân của mình.
Việc sử dụng rượu bia, các chất kích thích cũng được xem là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng thiếu kiểm soát bản thân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội giết người, cố ý gây thương tích có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và gia đình trong quản lý, giám sát đối tượng có bệnh lý hoặc biểu hiện tâm thần, đối tượng bị ảo giác do sử dụng chất ma tuý sinh sống tại địa phương còn hạn chế, dẫn tới một số vụ án đối tượng tâm thần, “ngáo đá” gây án giết người, cố ý gây thương tích.
Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 17/12, tại khu vực cánh đồng mía thuộc xóm Đồng Song, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, người dân hoảng hốt khi phát hiện 1 thi thể nằm sõng xoài. Danh tính nạn nhân nhanh chóng được xác định là anh Đoàn Văn Hiển (SN 1970) trú tại xóm Đồng Song. Sau khi nhận tin báo, Công an huyện Nghĩa Đàn đã nhanh chóng phối hợp với các Phòng Cảnh sát Hình sự, Kỹ thuật Hình sự và các đơn vị liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tiến hành điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, đã phát hiện, bắt giữ đối tượng gây án là Cao Hữu Bình (SN 1981) trú tại xóm Đồng Song, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn.
Theo lời khai của Bình, giữa hắn và anh Hiển có mâu thuẫn liên quan đến việc mở đường vào lô đất sản xuất của nhà anh Hiển. Sự việc đã được cán sự xóm giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, đến ngày 17/12, giữa hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Anh Hiển đã nhặt một hòn đá, túm cổ áo Bình. Bình cũng nắm cổ áo, đồng thời dí con dao nhọn vào bụng anh Hiển. Khi anh Hiển vừa nói: “Tau thích chết đây, mi đâm được thì đâm”, Bình đã chém liên tiếp vào đầu, mặt khiến anh Hiển ngã xuống. Người hàng xóm đã đến kéo Bình ra nhưng Bình vẫn chém 11 nhát vào người anh Hiển khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Ngoài các vụ việc do mâu thuẫn, nguyên nhân bột phát, trên địa bàn đã xảy ra không ít vụ việc xuất phát từ việc đối tượng “ngáo đá”, say rượu. Dù đã hơn nửa năm nhưng người dân địa phương vẫn chưa thể quên sự việc xảy ra vào trung tuần tháng 5/2017, tại khối 4, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Theo đó, vào ngày 5/5/2017, Phan Văn Việt (SN 1989) trú tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong (đối tượng nghiện ma túy, có biểu hiện “ngáo đá”) do nghi ngờ mọi người đang theo dõi mình nên đã dùng nỏ bắn tên bắn vào 3 người dân địa phương gồm: Chị Lô Thị Vân (SN 1989) trú tại xã Châu Kim, chị Vi Thị Dung (SN 1983) trú tại thị trấn Kim Sơn và anh Lô Văn Kỳ (SN 1999) trú tại xã Quế Sơn. Hậu quả, 3 nạn nhân bị thương phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong.
Công an huyện Quế Phong đã kịp thời điều tra, nhanh chóng làm rõ, bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với Phan Văn Việt về hành vi cố ý gây thương tích để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thu giữ 1 con dao chặt, 1 chiếc nỏ và 3 mũi tên.
Thực tế cho thấy, lực lượng Công an giữ vai trò chủ đạo trong triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ nhằm kéo giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội. Khi có vụ việc xảy ra, Công an các đơn vị, địa phương, với chức năng quản lý Nhà nước về ANTT đã nhanh chóng, khẩn trương điều tra, truy bắt thủ phạm gây án. Tuy nhiên, tội phạm do các nguyên nhân xã hội phát sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó, sự quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên của gia đình, nhà trường có vai trò quan trọng đến hình thành lối sống, nhân cách con người, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Bởi vậy, sức mạnh tổng hợp, sự chung tay của cả xã hội, các ban, ngành là yếu tố bền vững để kéo giảm tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội.
Mai Hậu