An ninh trật tự

Sai phạm của 2 Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ (Kỳ 2)

08:36, 26/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ròng rã suốt nhiều tháng trời, lực lượng Công an huyện Tương Dương và Tổ công tác Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) và Cảnh sát Kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Nghệ An đã kiên trì, vượt khó, xác minh, điều tra hành vi của các nhân viên Quản lý rừng phòng hộ tại Tương Dương gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả bước đầu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 2 Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ (QLBVRPH) Tam Hợp và Bản Ang.

Điều tra viên Phòng Cảnh sát Kinh tế lấy lời khai của bị can Phan Văn Trung
Điều tra viên Phòng Cảnh sát Kinh tế lấy lời khai của bị can Phan Văn Trung

Kỳ 2: 8 tháng trời “ăn rừng ngủ bãi”

Sau khi tiếp nhận báo cáo của Công an huyện Tương Dương, xác định tính chất vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh đã quyết định thành lập tổ công tác gồm 9 đồng chí, do Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng CSKT làm Tổ trưởng; 2 đồng chí Đào Duy Chiến, Phó Trưởng phòng CSMT và đồng chí Nguyễn Xuân Thái, Phó Trưởng phòng CSKT làm Tổ phó để phối hợp hướng dẫn Công an huyện Tương Dương điều tra, xử lý vụ án. Trong quá trình điều tra, đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo Tổ công tác để sớm điều tra, làm rõ vụ việc. Những vướng mắc, khó khăn cũng được kịp thời tháo gỡ.

Để điều tra, làm rõ bản chất vụ việc, Tổ công tác Công an tỉnh và Công an huyện Tương Dương gặp rất nhiều khó khăn. Bởi khu vực hiện trường nằm cách xa trung tâm các xã, gần khu vực biên giới, địa hình cheo leo, hiểm trở, có độ cao từ 1.400 - 1.700 m so với mặt nước biển. Tuyến đường từ xã Lưu Kiền, xã Tam Hợp và khu vực khe Phà Niệc là đường độc đạo đang thi công, mùa mưa đất đá từ rừng sụt xuống khiến các phương tiện không thể lưu thông. Tổ công tác đã phải đi bộ 1 ngày mới tới được cầu Phà Niệc. Từ đây phải đi 2 đến 3 ngày đường rừng nữa mới khảo sát được toàn bộ hiện trường vụ chặt phá rừng. Trong khi đó, số lượng cây bị chặt hạ lớn, chủ yếu là gỗ pơmu. Điều đáng lưu ý, địa điểm bị chặt hạ là khu vực rừng trọng điểm mà Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã có văn bản lưu ý phải chú trọng tuần tra, kiểm soát… Tuy nhiên, số cán bộ rừng phòng hộ, kiểm lâm đã không làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình.

Với những người thạo rừng, việc di chuyển đã vất vả, với cán bộ Công an huyện Tương Dương và Tổ công tác Công an tỉnh, ngoài di chuyển thường xuyên ròng rã trong nhiều tháng trời để xác minh sự việc, họ còn phải mang theo rất nhiều phương tiện để thực hiện khám nghiệm hiện trường. Có khi chỉ nắm cơm trong ngày, là miếng lương khô chia nhau giữa  lưng chừng núi, nhưng lãnh đạo, CBCS luôn động viên nhau cùng cố gắng. Những tháng này, tại khu vực này mưa khá nhiều. Mưa rừng buốt giá, đường trơn lầy lội, độ dốc cao càng khiến công tác điều tra gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi đó, 189 cây bị chặt hạ nằm rải rác trong các Tiểu khu 681, 683, 697 nên việc thu gom các vật chứng cũng chẳng dễ dàng gì. Chủ trương của UBND huyện Tương Dương giao cho Công an huyện giám sát Trạm QLBVRPH Tương Dương vận chuyển toàn bộ số tang vật trên ra khu vực để vật chứng của Công an huyện phục vụ điều tra, truy tố, xét xử. Do địa hình dốc, hiểm trở, xa xôi nên công việc đã phải kéo dài hơn dự kiến.

Đó là chưa kể đến, địa điểm này có 150 hộ dân tộc Mông của bản Nậm Càn 1 và Nậm Càn 2 của huyện Kỳ Sơn sinh sống, mỗi bản chỉ có 1 dòng họ nên sự cấu kết dòng tộc rất chặt chẽ, dẫn đến việc thu thập thông tin rất khó khăn. Mặt khác, liên quan đến vụ chặt phá rừng tại huyện Kỳ Sơn đã, đang điều tra, một số cán bộ cấp ủy, chính quyền xã Nậm Càn đã tham gia khai thác gỗ trái phép nên chờ huyện Kỳ Sơn xử lý kỷ luật, vì vậy cấp ủy, chính quyền không hợp tác. Tại bản Nậm Khiên 1, Nậm Khiên 2 cũng thường xuyên có người di cư sang Lào nên Tổ công tác không loại trừ khả năng, thời điểm điều tra, một số đối tượng đã trốn sang Lào.

Xác định rõ công tác phát động sâu rộng phong trào quần chúng nhân dân thực hiện tố giác tội phạm là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng để điều tra, xác minh, trên những kết quả Công an huyện Tương Dương đã làm được, lực lượng Công an đã thành lập 6 tổ công tác vào tất cả 150 hộ dân tại bản Nậm Khiên 1 và Nậm Khiên 2 để tuyên truyền, gặp gỡ; đồng thời, đề nghị tổ chức cuộc họp Đảng ủy xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn mở rộng để Đoàn công tác quán triệt các nội dung phục vụ công tác điều tra.

Sau khi kết thúc phát động phong trào tố giác tội phạm, thu thập thông tin có giá trị, Tổ công tác tiến hành gọi hỏi những đối tượng nghi vấn để đấu tranh, kết hợp với việc tranh thủ những người có uy tín nguyên là cán bộ cốt cán vận động các đối tượng ra đầu thú. Đối với nhóm tiêu thụ tài sản, Tổ công tác đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định thời điểm các đối tượng vi phạm về lâm sản. Trên cơ sở đó chuyển hóa thành tài liệu pháp lý để đấu tranh, làm rõ.

Bị can Lê Đình Quyết
Bị can Lê Đình Quyết

Với cơ sở tài liệu thu thập được, cộng với kết quả khám nghiệm hiện trường, giám định mẫu vật và định giá tài sản, lực lượng Công an xác định đủ căn cứ để khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự; đồng thời, củng cố tài liệu, chứng cứ để đề xuất khởi tố bị can là cán bộ Ban QLBVRPH Tương Dương và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn.

Quá trình điều tra, xác định vi phạm của ông Phan Văn Trung, Trạm trưởng Trạm QLBVRPH Tam Hợp từ tháng 5/2012 đến nay, ông Lê Đình Quyết, Trạm trưởng Trạm QLBVRPH Bản Ang (phụ trách bảo vệ rừng phòng hộ tại xã Lưu Kiền và xã Xá Lượng) từ ngày 17/3/2010 - 14/2/2017. Theo đó, trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, 2 ông Phan Văn Trung và Lê Đình Quyết đã có những sai phạm sau:

- Không xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra theo từng tuần, tháng, quý; không xây dựng kế hoạch “Phòng, chống chặt phá rừng” đối với 3 tiểu khu 683, 697, xã Tam Hợp và tiểu khu 681, xã Lưu Kiền.

- Không trực tiếp tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng tại các khoảnh 10 tiểu khu 683, khoảnh 6 tiểu khu 797; khoảnh 15, 16, 17 tiểu khu 681.

- Không tổ chức lực lượng của Trạm trực tiếp tuần tra cũng như không tham mưu phối hợp các lực lượng chức năng như Kiểm lâm địa bàn, Lâm nghiệp xã tham gia tuần tra tại các khoảnh 10 tiểu khu 683, khoảnh 6 tiểu khu 697, khoảnh 15, 16, 17 tiểu khu 681 dẫn tới việc các đối tượng lợi dụng vào chặt hạ các cây gỗ trong thời gian dài mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Căn cứ vào Điều 9, Quyết định số 23 ngày 31/7/2014, về việc ban hành quy chế quản lý và điều hành hoạt động của Ban QLBVRPH Tương Dương quy định chức năng, nhiệm vụ của ông Phan Văn Trung và Lê Đình Quyết phải làm là “Xây dựng phương án và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động xử lý các sai phạm liên quan đến công tác QLBVRPH trên địa bàn. Lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện lịch tuần tra bảo vệ rừng tại gốc theo từng tuần, tháng, quý trên địa bàn được giao. Thường xuyên tuần tra, canh gác, kịp thời nắm bắt thông tin về các vụ việc, các đối tượng lạ hoạt động trên địa bàn và báo cáo với cơ quan chức năng khi có dấu hiệu nghi vấn”.

Theo quy chế hoạt động của Ban QLBVRPH Tương Dương thì Trạm trưởng các trạm QLBVRPH chịu trách nhiệm chung về hoạt động của trạm, phân công, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, ông Phan Văn Trung và ông Lê Đình Quyết đã buông lỏng quản lý, không yêu cầu cán bộ 2 Trạm QLBVRPH Tam Hợp và Bản Ang thường xuyên tuần tra tại các tiểu khu 683, 697, 681; không có biện pháp để giám sát, kiểm tra hoạt động và các báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng của cán bộ Trạm, dẫn đến tình trạng là Trạm trưởng nhưng không nắm được tình hình và diễn biến rừng phòng hộ xã Tam Hợp và xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương.

Khi làm việc với điều tra viên Phòng CSKT, ông Phan Văn Trung, Trạm trưởng Trạm QLBVRPH Tam Hợp cũng thừa nhận, do không có đường đi lên khu vực đỉnh núi nên ông chỉ thực hiện tuần tra, kiểm soát ở phía dưới, dẫn đến để xảy ra tình trạng các đối tượng chặt phá cây với số lượng lớn mà bản thân không biết. Trong khi đó, với lý do thiếu giám sát, chỉ nghe báo cáo lại mà không kiểm tra trực tiếp, cụ thể nên ông Lê Đình Quyết (SN 1978), Trạm trưởng Trạm QLBVRPH Bản Ang đã để lại hậu quả nghiêm trọng với các tiểu khu 681. Ông Lê Đình Quyết còn biện minh rằng mình có làm biên bản nghiệm thu 2 lần/năm và có kiểm tra bằng quan trắc và thực tế. Tuy nhiên, khi điều tra viên nhắc nhở về việc tầm quan trọng của diện tích rừng cần được bảo vệ ở các tiểu khu theo quy định, cả ông Phan Văn Trung và Lê Đình Quyết đều không ý thức rõ và hiểu biết cặn kẽ.

Do hành vi thiếu trách nhiệm của ông Phan Văn Trung và ông Lê Đình Quyết trong công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng dẫn đến các đối tượng đã vào rừng phòng hộ xã Tam Hợp khai thác trái phép 23 cây gỗ có tổng khối lượng 41,49 m3 gỗ tròn gây thiệt hại 448.110.000 đồng và rừng phòng hộ xã Lưu Kiền khai thác trái phép 166 cây gỗ có tổng khối lượng 298,235 m3 gỗ tròn, gây thiệt hại 3.422.929.000 đồng.

Ngày 15/12, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Văn Trung (SN 1969), Trạm trưởng Trạm QLBVRPH Tam Hợp và Lê Đình Quyết (SN 1978), Trạm trưởng Trạm QLBVRPH Bản Ang. Hiện. Vụ việc đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trong năm 2017, Công an Nghệ An đã khám phá 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Với hơn 500 m3 gỗ, 15 tấn gỗ các loại, có 17 vụ có dấu hiệu hình sự. Ngành chức năng đã khởi tố 14 vụ với 39 đối tượng, trong đó tội danh vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng là 7 vụ, 24 bị can, hủy hoại rừng 3 vụ, 8 bị can, đã khởi tố 4 bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Mai Hậu

Các tin khác