An ninh trật tự

Tàng trữ 'ông ba mươi' trong trang trại chăn nuôi bò

09:37, 06/11/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chiều 3/11, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đã tiến hành bàn giao 2 cá thể hổ và 1 cá thể sơn dương (đã chết) cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Điều đáng nói, đây là tang vật trong vụ “Tàng trữ hàng cấm” mà đơn vị đã khám phá trong thời gian qua. Người bị xử phạt liên quan đến hành vi trên là ông Nguyễn Văn Kiên (SN 1980) trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu.

Tiến hành bàn giao số động vật bị thu giữ cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam
Tiến hành bàn giao số động vật bị thu giữ cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam

Cũng như nhiều người nông dân khác trên địa bàn, quanh năm, ông Nguyễn Văn Kiên gắn bó với ruộng vườn. Cuộc sống không quá vất vả nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng khiến ông nhiều lần lo lắng, tìm hướng đi mới để ổn định cuộc sống. Vì thế, khi được anh rể là ông Nguyễn Hữu Huệ trú tại xóm 16, xã Diễn Đoài đề nghị lên trông coi, chăn nuôi trâu bò trong trang trại, ông Kiên nhận lời ngay. Ông Huệ có 1 trang trại chăn nuôi khá rộng lớn tại xã Diễn Đoài đã 10 năm nay, vì công việc ngày càng phát triển nên cần người phụ giúp. Không chỉ bản thân đồng ý, ông Kiên còn trao đổi và đưa cả vợ là bà Hồ Thị Nga lên cùng làm với mình. Làm tại trang trại 5 năm, mối quan hệ giữa gia đình ông Kiên và ông Huệ khá tốt. Đó không chỉ là tình cảm trong gia đình mà còn có sự tin tưởng vì quyền lợi chung tại trang trại.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, nguồn tin báo về Đội 2, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An cho biết, tại trang trại nuôi bò của ông Nguyễn Hữu Huệ đang cất giữ một số động vật hoang dã quý hiếm không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Nhận được thông tin, rất nhanh chóng, sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An, Tổ công tác gồm Trung tá Trần Văn Hùng, Đội trưởng; Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tiến, Phó Đội trưởng và 2 cán bộ là Trung tá Trần Xuân Hạnh, Trung úy Đặng Thọ Lợi đã tiến hành xác minh thông tin. Qua thời gian thu thập thông tin cho thấy ,nguồn tin báo của quần chúng nhân dân là có cơ sở.

Với quyết tâm làm rõ vụ việc sớm nhất có thể, vào hồi 18 giờ ngày 13/1/2017, Tổ công tác phối hợp với Công an huyện Diễn Châu, chính quyền địa phương xã Diễn Đoài đã đến kiểm tra tại trang trại ông Huệ. Lúc này, tại nhà ông Huệ đang có 6 người. Nhác thấy bóng lực lượng chức năng, bà Hồ Thị Nga lúng túng đi xuống nhà bếp định khóa cửa lại, như muốn che giấu điều gì. Tuy nhiên, thái độ bất thường của bà Nga không qua được mắt Tổ công tác. Sau khi yêu cầu bà Nga không khóa cửa bếp, Tổ công tác cũng tiến hành vận động, tuyên truyền để gia đình ông Kiên hiểu rõ tác hại của việc tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm không có giấy tờ cũng như những thuận lợi khi có thái độ phối hợp, giao nộp số tang vật trên.

Được vận động, bà Nga và ông Kiên đã bình tĩnh hơn. Biết không thể che giấu tang vật cũng như hành vi liên quan, ông Kiên đã dẫn Tổ công tác xuống khu vực nhà bếp. Tại đây, ông Kiên mở tủ lạnh, bên trong đựng 1 cá thể hổ đã chết, 1 phần thân hổ (có phần đầu), 1 phần thân hổ (phần đuôi), 1 cá thể sơn dương cùng một ít thịt hổ. Ông Nguyễn Văn Kiên đã tự nguyện giao nộp cho Tổ công tác.

Tại cơ quan điều tra, ông Kiên đã khai nhận về hành vi “Tàng trữ hàng cấm” của mình. Cách đây khoảng 2 tháng, có 2 người đàn ông đi biển số xe Lào đến trang trại chăn nuôi bò của ông Huệ. Sau đó, họ kéo xuống xe 1 con hổ đông lạnh và 2 phần của 1 con hổ. Ông Kiên đã giúp họ đưa vào để trong tủ lạnh. Riêng về cá thể sơn dương là do một người tên Tú ở huyện Yên Thành gửi nhờ.

Ngày 5/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Kiên về hành vi “Tàng trữ hàng cấm” với mức phạt 100 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm hành chính. Vào ngày 3/11, Phòng Cảnh sát Môi trường cũng đã tiến hành ban giao số cá thể trên cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Theo Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tiến, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Môi trường, khó khăn lớn nhất của việc đấu tranh với hành vi tàng trữ động vật quý hiếm là truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ của các cá thể sau khi bị phát hiện. Mặc dù trong thời gian qua, các chế tài xử phạt cho hành vi trên đã được điều chỉnh, tuy nhiên, vì quyền lợi kinh tế và sự hiểu biết của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ nên nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục gia tăng việc xâm hại động vật hoang dã.

Mai Hậu

Các tin khác