An ninh trật tự

Lật tẩy thủ đoạn của 'trùm' buôn bán trái phép gỗ quý

08:19, 01/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dù số lượng lớn gỗ “muồng” bị bắt giữ đã có kết luận giám định của cơ quan chức năng đó là loại gỗ trắc và cẩm lai nhưng Nguyễn Đức Phương, “trùm” buôn bán, tàng trữ gỗ trái phép đã cố tình phủ nhận kết luận trên, cho rằng cơ quan giám định đã kết luận sai. Phương  khẳng định, số lượng lớn gỗ bị Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an Nghệ An bắt giữ trên xe ôtô là mua phát mại của Kiểm lâm.

Tuy nhiên, sau gần 1 tháng điều tra, trước những tài liệu, chứng cứ không thể chối cãi, biết có cố tình bao biện cũng không thoát tội, Phương đề nghị được thay đổi lời khai, khai nhận thủ đoạn của mình trong việc buôn bán, tàng trữ lâm sản quý hiếm trái phép tại miền Tây xứ Nghệ.

Toàn bộ số gỗ của Nguyễn Đức Phương đang được lực lượng chức năng phân loại, thu giữ
Toàn bộ số gỗ của Nguyễn Đức Phương đang được lực lượng chức năng phân loại, thu giữ

Thông qua công tác trinh sát, tháng 5/2017, Phòng CSMT Công an Nghệ An phát hiện 1 đường dây buôn bán lâm sản trái phép từ các huyện trên tuyến Quốc lộ 7, tuồn ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Bằng các biện pháp trinh sát, thấy nổi lên Nguyễn Đức Phương (SN 1972) trú tại thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông là chủ đường dây này. Với thủ đoạn mua bán gỗ phát mại, sau đó sử dụng bộ hồ sơ mua lâm sản phát mại trên và coi đó như "bùa hộ mệnh" trong việc buôn bán gỗ trái phép nhằm qua mặt lực lượng chức năng nếu bị kiểm tra.

Xét thấy đây là đường dây buôn bán gỗ quý hiếm trái phép số lượng lớn, để đấu tranh làm rõ, lãnh đạo Phòng CSMT xác lập Chuyên án mang bí số 717G để đấu tranh. Tuy nhiên, quá trình điều tra, các trinh sát gặp rất nhiều khó khăn vì Phương hành động cực kỳ tinh vi. Đối tượng thường dùng xe bán tải loại nhỏ, lên tận các cửa khẩu phụ để thu gom gỗ quý trôi nổi từ 3 - 4 tạ, sau đó tập kết tại kho chứa gỗ ở thị trấn Con Cuông.

“Để đối phó với lực lượng chức năng, Phương thường xuyên sử dụng một số đối tượng thân thích làm nhiệm vụ cảnh giới trong mua bán, vận chuyển, thậm chí còn thay BKS xe ôtô mỗi khi vận chuyển lâm sản ra khỏi địa phương nhưng không theo một quy luật nhất định. Trong quá trình giao dịch buôn bán gỗ, Phương rất kín kẽ và cảnh giác cao độ. Đối tượng thường sử dụng sim rác để giao dịch với khách hàng”, Đại úy Bùi Mạnh Hùng trao đổi.

Để vận chuyển gỗ ra khỏi kho, người mua nhất thiết phải đặt cọc trước 15% tổng giá trị lô hàng; Phương cũng không bán cho bất cứ ai là người thân quen vì sợ lộ. Với các tài liệu trên, kế hoạch phá án được Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng CSMT, Trưởng ban Chuyên án bàn bạc, tính toán và cân nhắc kỹ. Ban chuyên án quyết định bố trí 3 tổ trinh sát. Tổ thứ nhất do Đại úy Bùi Mạnh Hùng làm tổ trưởng có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, bắt quả tang xe tải khi đang chở gỗ lưu thông trên đường; đồng thời đấu tranh, làm rõ đối tượng chủ buôn bán gỗ. Tổ công tác thứ 2 do Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tiến, Phó Đội trưởng Đội 2, có nhiệm vụ bao vây xung quanh kho gỗ của Phương và đảm bảo ANTT. Tổ công tác còn lại do Thiếu tá Trần Văn Nam làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ phối hợp với Công an huyện, lực lượng Kiểm lâm, Công an thị trấn tiến hành khám xét kho gỗ của Phương...

Đối tượng Nguyễn Đức Phương (trái)
Đối tượng Nguyễn Đức Phương (trái)

Khoảng 18 giờ 20 phút ngày 5/7, nhận được tin báo của trinh sát, ôtô tải BKS 37C-135.37 đang bốc lên xe số lượng lớn gỗ trái phép từ kho gỗ của Phương ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ, Trưởng ban Chuyên án phát lệnh phá án.

Khi xe chở gỗ chạy đến Km 85, Quốc lộ 7, thuộc địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Tổ công tác do Đại úy Bùi Mạnh Hùng làm Tổ trưởng đã phối hợp với Đội CSGT 1/46 tiến hành kiểm tra, phát hiện trong thùng xe chất đầy gỗ dạng cành, ngọn. Lái xe Trần Đức Hiệp trú tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương trình bày, số gỗ trên là gỗ muồng, tổng trọng lượng 5.180 kg, chở thuê cho Nguyễn Đức Phương (SN 1972) trú tại thị trấn Con Cuông, đồng thời xuất trình một số giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, qua kiểm tra các lóng gỗ không có dấu búa kiểm lâm, không có ký hiệu, ký tự trên thân gỗ, nghi là gỗ quý hiếm, tổ công tác đã yêu cầu lái xe điều khiển quay xe về Công an huyện Con Cuông để làm rõ.

Ngay sau đó, Nguyễn Đức Phương cũng có mặt và nhận mình là chủ số gỗ trên. Phương trình bày: "Năm 2016, tôi mua gỗ phát mại của Đội Kiểm lâm cơ động số 2, số lượng 10.000 kg, loại gỗ muồng, trị giá 25 triệu đồng. Sau khi mua xong, tôi chuyển về kho tại thị trấn Con Cuông. Hôm nay, tôi thuê xe ôtô tải của anh Hiệp chở đi bán thì bị Công an kiểm tra". Phương còn khai: "Hiện tại trong kho của tôi còn có một số gỗ mít rừng mua trôi nổi trên thị trường về để bán thu lãi. Tôi tự nguyện giao nộp số gỗ mít trên cho cơ quan Công an".

Nguyễn Đức Phương cũng tự nguyện giao nộp 4 bộ hồ sơ trên cho lực lượng chức năng, trong đó có 2 bộ hồ sơ mua của Đội Kiểm lâm Cơ động số 2 và 2 bộ hồ sơ của Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông. Đáng chú ý, bộ hồ sơ mua lâm sản phát mại của Đội Kiểm lâm cơ động số 2, ngày 18/10/2016, chủng loại gỗ muồng, trọng lượng 10.000 kg đã được Phương giao cho ông Hiệp mang theo trên đường vận chuyển gỗ và xuất trình với lực lượng chức năng lúc bị kiểm tra.

Ngay trong đêm, các tổ công tác đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành khám xét kho gỗ của Nguyễn Đức Phương, thu giữ tiếp 8.330 kg gỗ cành, ngọn và 3 loại gỗ khác, tổng trọng lượng khoảng trên 1.373 m3. Đến 6 giờ ngày 6/7, toàn bộ gỗ, phương tiện, chủ gỗ, lái xe đã đưa về cơ quan CSĐT để làm rõ. Cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã cử cán bộ đến cơ quan CSĐT và phối hợp với Phòng CSMT để xác định chủng loại, trọng lượng, khối lượng gỗ. Theo cảm quan của lực lượng Kiểm lâm thì số gỗ bị bắt giữ và thu tại kho của Phương phần lớn là gỗ muồng, phù hợp với hồ sơ mua lâm sản phát mại năm 2016 của Phương.

"Với nhận định trên, vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt và tạo ra những khó khăn trong công tác điều tra. Nhưng với các tài liệu trinh sát thu thập được, chúng tôi khẳng định toàn bộ số gỗ lớn trên là buôn bán, tàng trữ trái phép.  Để có căn cứ xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh xin được trưng cầu giám định toàn bộ số gỗ trên. 5 mẫu gỗ ngẫu nhiên đã được lấy, trong đó 2 mẫu gỗ thu giữ trên xe ô tô BKS 37C- 135.37 và 3 mẫu gỗ thu giữ từ kho gỗ của Nguyễn Đức Phương đã được gửi ra Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam trưng cầu giám định, đồng thời bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ theo chỉ đạo của thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh", một lãnh đạo Phòng CSMT cho biết.

Ngày 27/7, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật có kết quả giám định, kết luận: 2 nhóm gỗ thu trên xe ôtô BKS 37C-135.37 là gỗ cẩm lai sọc và gỗ trắc nhiều hoa; 3 mẫu gỗ khác là loại gỗ gáo vàng; gỗ chò xót và gỗ muồng. Điều đáng nói, mặc dù đã có kết luận của cơ quan chức năng, nhưng với bản chất manh động của “ông trùm” buôn bán lâm sản, tháng 9/2016 đã bị Phòng CSMT xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng về hành vi buôn bán lâm sản trái phép, thu 9 m3 gỗ vì vậy Nguyễn Đức Phương vẫn cố tình phủ nhận kết luận trên, cho rằng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận là không chính xác. "Nếu theo kết quả giám định của Viện Sinh thái thì Đội Kiểm lâm cơ động số 2 đã bán nhầm loại gỗ trên cho tôi", Nguyễn Đức Phương bao biện.

Tuy nhiên, sau 1 tháng điều tra, bằng những tài liệu, chứng cứ không thể chỗi cãi, Phương đã phải khai nhận về thủ đoạn tinh vi, tráo trở của mình trong việc buôn bán, tàng trữ lâm sản trái phép. Phương xin thay đổi lời khai ban đầu, trình bày, toàn bộ số gỗ trên do hắn mua tại các cửa khẩu phụ, sau đó dùng các bộ hồ sơ mua lâm sản phát mại trước đó để sử dụng trong việc buôn bán, tàng trữ gỗ quý hiếm trái phép nhằm qua mặt lực lượng chức năng nếu trong khi vận chuyển bị kiểm tra.

Qua vụ án này cũng bộc lộ sơ hở trong công tác quản lý hồ sơ phát mại lâm sản của lực lượng chức năng, tạo kẽ hở cho đối tượng lợi dụng trong việc kinh doanh, buôn bán lâm sản trái phép. Nếu căn cứ vào kết luận bằng cảm quan của lực lượng Kiểm lâm thì Nguyễn Đức Phương là người vô can, tiếp tục sử dụng bộ hồ sơ phát mại trên để buôn bán, tàng trữ gỗ trái pháp luật một cách "hợp pháp", gây thất thoát lớn về tài nguyên lâm sản quý hiếm. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hữu Trọng

Các tin khác