An ninh trật tự

Cơ sở sản xuất nước mắm giả bị triệt xóa như thế nào?

08:19, 24/09/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Tin từ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiếp tục điều tra mở rộng đối với Nguyễn Như Minh (SN 1970) trú tại xóm Hùng Thịnh, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm. Sau hơn 3 tháng, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Ban chuyên án 915G thuộc Phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã khám phá thành công vụ án; triệt xoá lò sản xuất hàng giả do Minh làm chủ, thu giữ hàng nghìn chai nước mắm giả các loại. Ngay khi bị bắt, đối tượng sản xuất nước mắm giả đã ngỏ ý “bồi dưỡng” Ban chuyên án 100 triệu đồng để có thể thoát tội.

Lò sản xuất nước mắm giả

Khoảng cuối tháng 6 vừa qua, qua công tác nắm tình hình được biết, hiện trên địa bàn TP Vinh đang tiêu thụ một lượng lớn nước mắm giả các loại. Sau khi xác minh lại nguồn tin cũng như rà soát các đối tượng nghi vấn trên địa bàn thành phố, cơ quan Công an xác định, rất có thể đối tượng sản xuất hàng giả ở một nơi khác rồi đem về TP Vinh tiêu thụ. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự QLKT và chức vụ Công an tỉnh đã đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh xác lập Chuyên án mang bí số 915G để đấu tranh, làm rõ.

Đối tượng Nguyễn Như Minh
Đối tượng Nguyễn Như Minh

Sau khi Chuyên án được xác lập, hàng chục trinh sát, điều tra viên dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng, Trưởng ban chuyên án đã nhanh chóng vào cuộc. Sau hơn 3 tháng ròng rã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã xác định được lò sản xuất nước mắm giả cũng như chân dung của đối tượng.

Theo đó, đối tượng Nguyễn Như Minh (SN 1970) trú tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương sớm lọt vào “tầm ngắm” của Ban chuyên án. Được biết, Minh có một ngôi nhà khang trang tại khối 11, phường Đội Cung, TP Vinh. Tuy nhiên, Minh vẫn không chuyển hộ khẩu về TP Vinh mà vẫn khai thường trú tại xóm Hùng Thịnh, xã Thanh Khai, là nơi ở của bố mẹ đối tượng. Minh thường xuyên đi về giữa Thanh Chương và TP Vinh, nhưng ít người biết hắn làm việc gì mà có thể kiếm được nhiều tiền như vậy. Vụ việc chỉ được hé lộ một phần khi tháng 2/2014, Nguyễn Như Minh bị Công an huyện Thanh Chương xử phạt hành chính về hành vi làm hàng giả. Những tưởng hắn sẽ lấy đó làm bài học nhưng “ngựa quen đường cũ”, Minh lại tiếp tục phạm tội.

Lần này, để che mắt lực lượng chức năng, Minh sử dụng căn nhà cấp 4 cũ nằm sâu phía sau vườn của bố mẹ làm nơi sản xuất, đóng gói các loại nước mắm giả trước khi đưa đi tiêu thụ. Căn nhà nhỏ được hắn nguỵ trang rất kín đáo và bị che khuất bởi ngôi nhà hai tầng khang trang phía trước. Để việc sản xuất nước mắm giả không bị phát hiện, Minh không thuê người làm mà chủ yếu tự pha chế vào ban đêm. Sáng sớm hoặc buổi trưa hàng ngày, hắn đi xe máy chở khoảng 300 - 400 chai nước mắm giả đi giao cho các đại lý ở TP Vinh và vùng phụ cận. Tuy nhiên, mọi di biến động của đối tượng sản xuất nước mắm giả này đã nằm trong “tầm ngắm” của Ban chuyên án 915G.

Ngỏ ý “bồi dưỡng” 100 triệu đồng khi bị bắt

Sau khi nắm rõ hành tung của đối tượng, Ban chuyên án chờ thời cơ phá án. Gần trưa 10/9, nhận được thông tin Minh đang trên đường chở nước mắm giả đi tiêu thụ, Ban chuyên án đã hội ý nhanh và quyết định phá án. Các tổ công tác nhanh chóng triển khai kế hoạch. Đúng 11 giờ 30 phút cùng ngày, Nguyễn Như Minh bị bắt giữ tại khu vực ngã tư giao nhau giữa Quốc lộ 46 và đường tránh TP Vinh thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Khám xét tại chỗ, Ban chuyên án thu giữ 360 chai nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư 3 trong 1 loại 500 ml được đựng trong 6 bao tải.

Dù bị bắt quả tang khi đang chở hàng giả do chính mình sản xuất đi tiêu thụ nhưng đối tượng vẫn một mực chối tội. Khi Ban chuyên án đưa ra các bằng chứng đã dày công thu thập được trong suốt hơn 3 tháng qua, Minh mới chịu cúi đầu nhận tội. Với hy vọng có thể dùng tiền để mua chuộc, hắn đã ngỏ ý “bồi dưỡng” tổ công tác 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tổ công tác đã kiên quyết bắt giữ và dẫn giải đối tượng về trụ sở làm việc. Cùng ngày, lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Minh nhanh chóng được thực hiện.

Tại ngôi nhà của bố mẹ Minh ở xã Thanh Khai, Ban chuyên án phát hiện lò sản xuất nước mắm giả cùng nhiều tang vật như: 2 thùng cát tông chứa nắp chai nước mắm hiệu Chin su màu đỏ có trọng lượng 10 kg, gần 3.000 vỏ chai nước mắm Nam Ngư các loại, 742 chai nước mắm đã được làm giả thành phẩm của nhãn hiệu Nam Ngư đệ nhị, Nam Ngư 3 trong 1 và Ông Tây, 1 máy khò điện để đóng gói bao bì nhãn mác cùng số lượng lớn muối, mì chính và 120 lít nước mắm giả thành phẩm chưa kịp đóng chai mang đi tiêu thụ.

Nước mắm giả được sản xuất như thế nào?

Tại cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Minh khai nhận: Sau khi bị phạt hành chính về hành vi làm hàng giả, hắn “im hơi lặng tiếng” một thời gian. Nhưng chỉ được ít tháng sau đó, vào tháng 10/2014, qua tìm hiểu, Minh phát hiện làm nước mắm giả không quá khó nên đã bắt tay thực hiện ý định. Để mở lò sản xuất nước mắm giả, hắn không chọn nhà mình ở TP Vinh vì biết dễ bị phát hiện mà chọn căn nhà cũ phía sau nhà bố mẹ đẻ tại xã Thanh Khai. Sau đó, hắn đặt mua một chiếc máy khò điện và đến các cơ sở thu mua phế liệu mua lại các vỏ chai nước mắm thật. Riêng nhãn mác các hãng nước mắm, hắn đặt mua của Hồ Viết Đồng (SN 1973) trú tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình, TP Vinh.

Tang vật thu được
Tang vật thu được

Để sản xuất hàng nghìn chai nước mắm giả, Minh mua số lượng ít chai nước mắm rẻ tiền đem về pha loãng với nước sôi để nguội rồi cho thêm mì chính và muối cùng các chất phụ gia. Sau khi pha trộn, hắn đóng vào các chai “xịn” rồi dùng khò khéo léo hàn kín nắp chai trước khi đem ra thị trường tiêu thụ. Để tránh bị người tiêu dùng phát hiện, đối tượng đã đặt chai và nhãn mác các hãng nước mắm qua điện thoại của một người lạ ở miền Bắc, sau đó gửi xe khách về. Tất cả các khâu từ pha chế đến đóng gói, dán nhãn mác đều được làm thủ công. Tuy nhiên, để xác định chai nước mắm giả do Minh sản xuất là rất khó.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng có thể phân biệt nước mắm Nam Ngư giả và thật qua các dấu hiệu như: Trên chai nước mắm Nam Ngư thật không có các gạch chéo tại phần ghi ngày, tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng (trừ nước mắm Nam Ngư siêu tiết kiệm); bao bì, nhãn mác hàng giả mờ nhạt hơn và cần kiểm tra nắp chai trước khi mua. Nắp chai nước mắm Nam Ngư thật được sản xuất theo dây chuyền công nghệ cao nên được đóng rất cẩn thận, còn nước mắm giả do được làm thủ công nên nắp chai đóng không kín. Nguyễn Như Minh cũng cho biết: Giá mỗi chai nước mắm do hắn sản xuất chỉ bằng một nửa so với nước mắm thật mỗi khi nhập hàng cho đại lý.

Đấu tranh mở rộng Chuyên án, xác định Minh đã bán nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư các loại và nhãn hiệu Ông Tây cho 4 điểm kinh doanh trên địa bàn TP Vinh và huyện Thanh Chương. Qua kiểm tra tại các điểm kinh doanh này, Ban chuyên án tiếp tục thu giữ thêm 840 chai nước mắm giả các loại do Minh sản xuất. Ngày 14/9, cơ quan CSĐT đã gửi mẫu nước mắm giả để trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Sau khi có kết luận của cơ quan này, cùng với các chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Như Minh để tiếp tục điều tra, mở rộng.

Hải Việt

Các tin khác